Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhiệt điện than mặc dù đã được xem xét giảm để tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng sạch, tái tạo song vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam. Trong bối cảnh năng lượng tái tạo có giá thành cao, tiềm năng thủy điện đã được khai thác đáng kể, nguồn khí hạn chế, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dừng triển khai… thì vai trò của ngành Than càng trở nên quan trọng. Càng quan trọng hơn, khi dự báo trong tương lai tới, nguồn than trong nước sẽ không đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng nói chung, sản xuất điện nói riêng và phải nhập khẩu với khối lượng rất lớn… Vậy, giải pháp nào để đáp ứng đủ nhu cầu nhiên liệu than cho nền kinh tế đang ngày càng tăng cao (năm 2020: 86 triệu tấn, năm 2025: 121 triệu tấn và năm 2030: 156 triệu tấn)? Việc nhập khẩu than có vai trò thế nào và TKV đã vào cuộc trong vấn đề này ra sao?
Hòn than và vai trò “định vị” trên bản đồ năng lượng
Tháng 10/2018, phát biểu tại Nghị trường Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Lê Minh Chuẩn – đại biểu tỉnh Quảng Ninh – đã có bài phân tích vai trò của ngành Than, với chủ đề “Vai trò hòn than đối với an ninh năng lượng quốc gia”.
Theo Chủ tịch Lê Minh Chuẩn, ngành Than đang giữ vị trí quan trọng đối với an ninh năng lượng toàn cầu và tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, ổn định xã hội. Bên cạnh đó, thiếu nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện là một thực tế và có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể, giai đoạn 2017-2020 nhu cầu than Antraxit cho Việt Nam, cho các nhà máy nhiệt điện đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động, chiếm 40 triệu tấn/năm. Sản lượng này tăng lên vào năm 2021 – 2030 là 50-55 triệu tấn than, trong đó Việt Nam chỉ có 2 đơn vị sản xuất than là TKV và Tổng Công ty Đông Bắc, sản xuất được 40-41 triệu tấn than.
Như vậy, trong thời gian ngắn hạn tăng 10-15 triệu tấn than Antraxit cho các nhà máy nhiệt điện Việt Nam là không khả thi và dẫn đến vấn đề thiếu than cho các nhà máy nhiệt điệt dùng than Antraxit là hiện hữu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng quốc gia.
Mặt khác, trong kế hoạch 2017 – 2030, Việt Nam phải nhập khoảng 70 triệu tấn than nhiệt năng bitum và á bitum. Với việc nhập 70 triệu tấn than/năm về Việt Nam thì không thuần túy ở thương mại nữa mà phải tìm nguồn ổn định đầu tư tại nước ngoài.
Có thể nói đến năm 2030, Việt Nam không còn độc lập về năng lượng nữa mà phụ thuộc và nguồn năng lượng từ nước ngoài, đây là một thách thức lớn đối với an ninh năng lượng quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, Chủ tịch Lê Minh Chuẩn cho rằng cần đổi mới tư duy về chiến lược an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 và sau năm 2030. Với riêng vấn đề nhập khẩu than, theo Chủ tịch Lê Minh Chuẩn, cần có cơ chế, chính sách bình đẳng giữa than nhập khẩu và than trong nước theo thông lệ quốc tế và theo giá quốc tế.
Nhập khẩu than – Sự vào cuộc của TKV
Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ than, khoáng sản trong nước tăng cao, trong khi năng lực sản xuất than của các mỏ bị giới hạn bởi công suất. Điều kiện khai thác mỏ ngày càng khó khăn do tài nguyên xuống sâu hơn. Bối cảnh này khiến lượng than nhập khẩu không ngừng gia tăng qua các năm.
Theo dự kiến, TKV sẽ nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn than trong năm 2019 để pha trộn, chế biến, đảm bảo cấp đủ than theo hợp đồng mua bán đã ký kết với khách hàng. Do sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu tiêu thụ than của thị trường trong nước, đặc biệt là than cho các hộ sản xuất điện tăng rất mạnh (khoảng 4 – 5 triệu tấn) so với kế hoạch sản xuất năm 2019 của TKV.
Để tăng nguồn cung cấp than cho thị trường trong nước, góp phần đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng, đồng thời giúp TKV giải quyết cân đối về cơ cấu sản phẩm từng vùng than nhằm giảm áp lực tiêu thụ than vùng Quảng Ninh, TKV đã xây dựng kế hoạch nhập khẩu các loại than phù hợp để pha trộn với nguồn than sản xuất của TKV thành than có chất lượng phù hợp với yêu cầu của thị trường, đặc biệt là các loại than cho các NMNĐ của Việt Nam như than cám 5a.1, 6a.1.
Việc nhập khẩu và pha trộn than cũng giúp TKV và các đơn vị trong lĩnh vực chế biến kinh doanh than nâng cao được kinh nghiệm và tạo hướng đi mới, lâu dài cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất – kinh doanh than.
Đại diện Ban Kinh doanh than cho biết, 4 tháng đầu năm 2019, TKV (bao gồm cả công ty con là Coalimex) đã nhập khẩu tổng khối lượng 1,8 triệu tấn, bằng 39% kế hoạch nhập khẩu than của năm 2019, trong đó than được nhập khẩu chủ yếu là antraxit, bán antraxit, than nhiệt (than bitum). Trong tổng số 1,8 triệu tấn than nhập khẩu đó, các công ty con và chi nhánh Tập đoàn đã tiến hành pha trộn để cung cấp kịp thời 2,2 triệu tấn cho sản xuất điện.
Theo kế hoạch, trong quý II/2019 TKV sẽ ký hợp đồng nhập khẩu 1,2-1,3 triệu tấn than, chủ yếu từ các nguồn Úc, Nga, Nam Phi. Khối lượng 2,2-2,5 triệu tấn còn lại sẽ được thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2019 tuỳ thuộc vào nhu cầu thực tế của thị trường. Từ quý III/2019, TKV sẽ mua than nhập khẩu theo hình thức đấu thầu (hiện nay TKV đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ).
Thách thức
Tiến trình nhập khẩu than được TKV thực hiện bài bản, chuyên nghiệp theo 1 lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng và chủng loại than, điều kiện cảng dỡ hàng cũng như các điều kiện cần để thực hiện công tác pha trộn than đang là những thách thức không nhỏ.
Đối với việc pha trộn than của TKV, các nguồn than nhập khẩu được tập trung chủ yếu từ các nguồn Nga, Nam Phi, Úc, Indonesia. Để đảm bảo được tỷ lệ than pha trộn đáp ứng được yêu cầu về chất lượng than của thị trường, đặc biệt là than cho sản xuất điện, TKV chỉ sử dụng được một số chủng loại than bán antraxit hoặc á bitum chất bốc thấp. Tuy nhiên, nguồn than antraxit tương tự than Việt Nam trên thị trường thế giới rất hạn chế và có khoảng cách địa lý xa với các cảng dỡ tại Việt Nam.
Về điều kiện cảng dỡ hàng cũng có rất nhiều hạn chế như trọng tải tối đa của tàu cập cảng tại vùng neo Cẩm Phả là 70 ngàn tấn, trong khi đó đối với cảng Nghi Sơn chỉ là 50 ngàn tấn. Thêm vào đó là hạn chế về năng lực dỡ hàng, thiếu cẩu nổi tại cảng Cẩm Phả, đặc biệt tàu Panamax và Super Panamax (là loại tàu đặc thù không có cẩu, có trọng tải trên 70 ngàn tấn đến trên 100 ngàn tấn).
Công tác pha trộn than cũng có nhiều bất cập khi không có kho bãi pha trộn tập trung, diện tích lớn. Các kho bãi pha trộn của các đơn vị chủ yếu tập trung ở vùng Thuỷ Nguyên, Đá Bạc, ngoài ra có 1 số kho nằm rải rác như Hải Dương, Đồng Nai, Long An (CLM); Gò Dầu (TMN); Nghi Sơn (TMB). Một lý do nữa đang cản trở việc mua than nhập khẩu của các đơn vị là TKV hiện chưa có đủ các chủng loại than phù hợp để cấp cho các đơn vị phục vụ cho công tác pha trộn than.
Trong lộ trình nhập khẩu than, TKV đã và đang có những bước đi vững chãi, đầy thận trọng. Khó khăn, thách thức là hiện hữu, tuy nhiên, nói như Chủ tịch HĐTV Lê Minh Chuẩn “Trong bất kỳ tình hình nào, TKV và thợ mỏ ngành Than với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” sẽ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Nhà nước giao, góp phần tích cực đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhap-khau-than-va-su-vao-cuoc-cua-tkv-20190612172331086.htm” button=”Theo vinacomin”]