Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, nhà máy sản xuất Alumin Tân Rai sẽ chính thức đi vào hoạt động. Nhưng ngay từ lúc này, mọi công việc chuẩn bị khai thác bauxite đã được thợ mỏ Hà Tu sẵn sàng.
Trước tết Tân Mão, Than Hà Tu đã có cuộc chuyển thiết bị vận tải và bốc xúc, gồm 6 xe Vôn vô, loại trọng tải 36-40 tấn, 3 máy xúc, loại có dung tích gàu từ 1,8 đến 3 m3 và 2 máy gạt, vào trong đó. Sau tết, đơn vị đưa CNCB vào và ngày 18/2 chính thức bắt đầu làm việc. Đơn vị khai thác quặng của Than Hà Tu tại Tây Nguyên đang được gọi là Công trường khai thác bauxite tây Tân Rai, hiện có 75 CNCB.
Song do Nhà máy chưa đi vào hoạt động, chưa có nhu cầu lấy quặng, các thiết bị Công trường chuyển qua tham gia làm các công việc của công tác xây dựng cơ bản cho Nhà máy, như giải phóng mặt bằng, bốc xúc đất và tận thu quặng khi nạo vét lòng hồ chứa thải v.v.
Mới đây, chúng tôi đã có dịp tới thăm Công trường. Các CNCB của công trường ở trong các căn nhà lắp ghép, phòng khép kín, có tắm nóng lạnh, có ti vi, quạt trần, tủ cá nhân, giường đệm đầy đủ, với 3 người một phòng.
Rất tiếc, hôm chúng tôi đến, trời mưa, đang trong mùa mưa ở Tây Nguyên. Mưa, các máy móc, thiết bị làm việc ngoài khai trường không làm việc được, có khi phải nghỉ tới 3-4 ngày sau đất khô ráo mới làm việc trở lại, do đó không được chứng kiến.
Anh Nguyễn Mạnh Cường, Phó giám đốc Công ty than Hà Tu, Trưởng ban quản lý Công trường cho biết, đang làm công tác XDCB, song đến đầu tháng 8, đất đã bốc được gần 232.000m3, đổ riêng ra một chỗ để sau này hoàn thổ những khu vực đã khai thác xong; tận thu được hơn 78.000 tấn quặng. Nhưng cái chúng tôi quan tâm hơn, là số CNCB đang yên ổn làm ăn ở Than Hà Tu, nay được điều đi vào làm việc ở Tây Nguyên, xa gia đình, xa vợ con, xa môi trường quen thuộc, thì như thế nào. Theo anh Cường thì Than Hà Tu đang áp dụng một chính sách linh hoạt và mềm dẻo dành cho những người vào Tây Nguyên làm việc. Người vào làm việc ở đây, lương được tăng thêm 15% so với làm ở Hà Tu; được bao cấp tiền ăn, tháng khoảng 1,2 triệu đồng/người và đi có thời hạn, nếu không có nhu cầu ở lại lâu dài, thấp nhất là 1 năm thì “đổi quân”.
Gặp các anh Hoàng Văn Minh (bảo vệ), Phạm Đức Tuấn, Trần Cao Cường (lái xe), Phạm Tiến Đại (công nhân đầu đường)… các anh cho biết, cuộc sống, ăn ở và công việc cũng không có gì phàn nàn. Các anh Tuấn, Cường mới đi phép về thăm gia đình, mỗi người được nghỉ hơn 20 ngày.
Hỏi thời hạn 1 năm đã sắp hết, các anh có ở lại làm tiếp? Anh Minh cho biết, số người viết đơn tình nguyện xin ở lại làm tiếp, có khoảng 10 người, trong đó có anh, anh Đại. Anh Tuấn thì bảo hết hạn sẽ ra, còn anh Cường cũng bảo ra, “đợt đổi quân lần sau nếu được điều động trở lại, lại vào”.
Phó giám đốc Nguyễn Mạnh Cường tâm sự rằng, chỉ mong nhà máy sớm chính thức đi vào sản xuất, lúc ấy Công trường bắt tay vào công việc sản xuất chính của mình là khai thác, cung cấp quặng cho nhà máy, công việc nhiều hơn, làm việc tấp nập hơn, thì những lo toan vụn vặt sẽ không còn.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhap-cuoc-o-tay-nguyen-559.htm” button=”Theo vinacomin”]