Xúc động từ một mái nhà
Theo chân vị Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam Đoàn Kiển và “đương kim” Tổng biên tập Lệ Huyền, cánh phóng viên chúng tôi về thăm gia đình anh Hà Huy Tình tại khu 4B, phường Quang Hanh. Anh Tình trước đây là thợ lò bậc 6/6 làm việc tại mỏ than Hà Ráng, Công ty than Hạ Long. Trong lúc xử lý sự cố trong hầm lò ngày 12/11/2015, anh không may bị đá rơi đè vào chân phải, bắt buộc phải cắt bỏ đến phía trên đầu gối. Tai họa giáng xuống khiến anh thợ lò sinh năm 1986 không còn đủ khả năng lao động. Cũng từ đây, gia đình anh mất đi nguồn thu nhập chính, để lại gánh nặng mưu sinh lên đôi vai người vợ là chị Trần Thị Thương. Hàng ngày, chị Thương vừa phải đưa chồng đến viện phục hồi chức năng, vừa đưa con gái là bé Thanh Trúc (4 tuổi) đi học mẫu giáo, sau đó lại dọn hàng nước ra chợ kiếm đồng ra đồng vào. Cuộc sống khó khăn, ngày lại ngày anh chị chỉ còn biết trông chờ vào những đồng trợ cấp và tiền hàng nước của chị. Ngay cả căn nhà tuềnh toàng mà anh chị đang ở cũng phải đi thuê… Trao món quà 10 triệu đồng động viên anh Tình, bác Đoàn Kiển khiến mọi người xúc động: “Bây giờ anh nghỉ hưu rồi, đây là tiền công anh vẫn đi dạy học đấy, mong em có thêm nghị lực để vượt qua mọi khó khăn”. Chỉ giản dị vậy thôi nhưng chúng tôi hiểu vị “Thủ lĩnh” của Thợ mỏ muốn gửi gắm đến đồng đội của mình “Thợ lò cũng là Chiến sỹ”. Khi đã là Chiến sỹ rồi thì sẽ không đầu hàng mọi hoàn cảnh và số phận!
Trong không gian chuyện trò ấm cúng, Lãnh đạo Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam cùng Công đoàn Công ty than Hạ Long đã kể cho vợ chồng anh Tình chị Thương nghe những câu chuyện cảm động về những số phận, những hoàn cảnh mà trong quá trình đi “Thắp lửa yêu thương” họ đã chứng kiến. Như câu chuyện người thợ lò Nguyễn Văn Thiếu lấy thân mình làm “giáo cụ” ở Than Quang Hanh có tác động rất tích cực đến anh Tình vì có hoàn cảnh tương tự. Họ đã vượt lên tự ti, chán nản, xin tiếp tục được cống hiến bằng việc lấy bài học từ bản thân mình làm “nhân chứng sống” để tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm phòng tránh tai nạn dưới hầm lò cho lớp công nhân trẻ mới vào nghề. Chúng tôi nhận thấy đôi mắt anh Tình tươi lên, đón nhận món quà 3 triệu đồng từ “Tình giai cấp” của Tạp chí cùng lời thăm hỏi ân cần đầy sẻ chia, anh Tình tự hứa sẽ luôn có niềm tin và nghị lực để tiếp tục đóng góp sức mình cho xã hội “tàn nhưng không phế”.
Biết lãnh đạo Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam tiếp tục chương trình thăm hỏi những gia đình công nhân lao động trong Ngành có hoàn cảnh không may bị tai nạn lao động dịp này, bác Đoàn Kiển khiến mọi người cảm kích: “Còn hoàn cảnh nào đặc biệt, Lệ Huyền cho anh ké với nhé”, thật ấm áp làm sao!
Nghĩ về tính nhân văn của “Tình giai cấp”
Có thể nói rằng, khó có một cộng đồng giai cấp nào lại có sự đoàn kết, đồng tâm lâu đời như giai cấp công nhân mỏ. Chứng kiến tình đồng chí, đồng đội, tương thân tương ái sáng ngời trong cộng đồng thợ mỏ, 5 năm qua, Ban Biên tập Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam luôn duy trì chuyên mục “Tình giai cấp” – nơi giới thiệu những số phận công nhân hoặc người thân của thợ mỏ với số phận éo le trong cuộc sống. Trong mỗi chuyến công tác, ngoài nhiệm vụ tác nghiệp, phóng viên kết hợp với công đoàn các công ty tìm hiểu về những hoàn cảnh thợ mỏ khó khăn, cần được giúp đỡ. Họ có thể là những công nhân bất ngờ gặp tai nạn lao động trên moong than cao hay dưới lò sâu, cho đến những người thợ không may mắc bệnh hiểm nghèo. Từ những hoàn cảnh khó khăn được giới thiệu trên Tạp chí, nhiều tấm lòng nhân ái đã đến với những số phận cần được giúp đỡ. Quỹ Tình giai cấp thành một địa chỉ vàng tin cậy, kết nối những tấm lòng hảo tâm đến với những mảnh đời người thợ mỏ không may. Mỗi khi ở nghe thấy tin dữ ở mỏ, Lãnh đạo, Phóng viên Tạp chí thường có mặt sớm không chỉ nắm thông tin định hướng dư luận mà luôn đi theo là những sẻ chia của Quỹ Tình giai cấp đến kịp thời.
Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều hành trình trao đi hơi ấm đồng đội của Quỹ Tình giai cấp. Vậy là thêm một gia đình khó khăn nữa lại nhận được tấm lòng từ Quỹ, thể hiện truyền thống quý báu của dân tộc ta – Lá lành đùm lá rách. Những món quà đến tận tay tuy nhỏ bé nhưng không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn truyền tải thông điệp chia sẻ, yêu thương, đồng lòng của những người thợ mỏ dành cho nhau. Không chỉ dừng lại ở đó, hiệu ứng của Tình giai cấp còn lan tỏa đến các đơn vị công đoàn trong mái nhà chung TKV. Những hoàn cảnh khó khăn được phản ánh trên Tạp chí đã được Công đoàn TKV biết tới, đến thăm và tặng quà, số khác được Công đoàn ở các đơn vị đề nghị Công đoàn TKV hỗ trợ xây sửa nhà từ Quỹ Mái ấm công đoàn.
Tổng biên tập Tạp chí TKV tâm sự: Sau mỗi chuyến đi, phóng viên Tạp chí lại đau đáu trong mình nhiều suy tư, trăn trở. Ngoài kia, chúng ta vẫn còn rất nhiều những hoàn cảnh không may mắn khác. Họ là những người thợ mỏ, là anh em đồng chí, đồng đội của chúng ta dưới một mái nhà TKV. “Đông tay thì vỗ nên kêu”, việc làm đầy tính nhân văn này nếu được thêm nhiều tổ chức, cá nhân nữa cùng chung tay thì tốt biết mấy, vì những năm gần đây những tấm lòng vàng góp đắc lực cho Quỹ đa số vẫn là những cái tên quen thuộc… Mặt khác, một số hoàn cảnh chưa được động viên, chia sẻ kịp thời đôi khi do bản thân đại diện đơn vị “giấu nhẹm” vì sợ ảnh hưởng đến thành tích chung. Còn gì nhân văn hơn khi nghĩa cử Lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái lại xuất phát từ chính tình đồng đội dưới một mái nhà TKV? Hiểu được ý nghĩa thiết thực của hành động này, chắc rằng, ngọn lửa Tình giai cấp sẽ lại càng bùng cháy mãnh liệt, tỏa hơi ấm thật gần đến những hoàn cảnh khó khăn…
Lời người xưa đã dạy: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Cùng với lý tưởng nhân văn cao đẹp ấy, Quỹ Tình giai cấp nói riêng và Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam đã, đang và sẽ luôn đồng hành để gieo ý chí, đặt niềm tin, sát cánh bên cộng đồng Thợ mỏ. Tạp chí hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự chung tay góp sức của các cá nhân và tập thể – Những tấm lòng nhân ái, để Tình giai cấp sẽ lan tỏa sâu rộng hơn nữa, trở thành một nét đẹp trong văn hóa của những người Thợ mỏ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhan-van-tu-mot-chuyen-muc-cua-tap-chi-201611100010518413.htm” button=”Theo vinacomin”]