Ngày 18/3/2015, tại Paris, TS Trần Hà Liên Phương đã trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới” do Quỹ L’Oréal-UNESCO trao tặng.
TS Trần Hà Liên (áo dài, giữa) và 14 nhà khoa học nữ từ các quốc gia khác cùng nhận giải “Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới” ngày 18/3/2015 tại Paris, Pháp (nguồn: L’Ore’al – UNESCO)
Giấc mơ áo trắng
TS Trần Hà Liên Phương tâm sự: “Hồi nhỏ tôi thường theo bố, mẹ đến chỗ làm là bệnh viện và công ty dược. Tôi rất yêu thích những nơi này, thích nhìn bố, mẹ khoác áo blouse trắng, thích mấy con thỏ trắng, chuột bạch và cái mùi đặc trưng của bệnh viện cùng với những viên thuốc đầy màu sắc. Những ký ức ấy theo tôi suốt khoảng thời gian trung học, nung nấu trong tôi quyết tâm thi đỗ vào Đại học Y – Dược TP Hồ Chí Minh, để được làm việc như bố và mẹ”.
Những năm cuối của chương trình đại học, Phương khám phá ra mình có niềm đam mê môn bào chế và công nghiệp dược. Nhìn những tuýp gel, thuốc mỡ, chai dầu hay những viên thuốc đầy màu sắc… do mình làm ra, Phương cảm thấy “tràn đầy cảm hứng”. Được sự hướng dẫn của PGS.TS Lê Hậu, Phương thực hiện đề tài tốt nghiệp về “Điều chế viên phóng thích kéo dài có tác dụng nhiều hơn so với viên phóng thích thông thường”.
Hướng nghiên cứu của Phương được Hội đồng chuyên gia đánh giá cao. Đây cũng là cơ sở để Phương được nhận học bổng sau đại học tại Đại học Quốc gia Kangwon (Hàn Quốc).
Trở về quê hương “vượt khó”
Năm 2011, sau khi hoàn thành khóa học, cầm trên tay tấm bằng tiến sỹ, Phương đứng trước lựa chọn ở lại hay về nước thì chợt nhớ đến lời thầy hướng dẫn luận văn cho chị ngày trước: Nước Việt Nam còn chậm hơn các nước tiên tiến khác, người dân nghèo rất nhiều mà giá thuốc không ngừng gia tăng, các sản phẩm ngoại nhập tràn lan trên thị trường… Và đó là lý do mà chị đã quyết định trở về…
Trải qua rất nhiều khó khăn như việc tìm cộng sự để thành lập nhóm nghiên cứu, tìm nguồn nguyên liệu có chất lượng, thiết bị nghiên cứu chuyên sâu và bài toán khó nhất là tìm nguồn kinh phí để phục vụ cho nghiên cứu, những việc mà trước đó ở Hàn Quốc chị hoàn toàn không phải lo đến.
Nhờ sự giúp đỡ của các thầy hướng dẫn, gia đình, đặc biệt là người chồng (cũng là đồng nghiệp), Phương đã dần “cải thiện” được tình hình. Chị đã tạo được mối quan hệ với các chuyên gia đầu ngành trên thế giới qua các kỳ hội nghị quốc tế. Và bước ngoặt đã đến vào năm 2013, khi đề tài “Nghiên cứu làm tăng hiệu quả điều trị ung thư bằng việc kết hợp Fucoidan và các thuốc kháng ung thư khó tan để tạo các hạt nano” của Phương đã được Quỹ “Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học” L’Oreal-UNESCO tuyển chọn.
Tìm thuốc chữa ung thư hiệu quả
Nói về công trình nghiên cứu của mình, Phương cho biết “Đề tài xuất phát từ thực trạng tỉ lệ bệnh ung thư ngày càng tăng cao ở nước ta. Theo chúng tôi nghiên cứu thì sản phẩm dành cho điều trị bệnh ung thư không thiếu nhưng cái thiếu là những sản phẩm trị liệu thật hiệu quả mà giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ của thuốc. Và đó là mục tiêu nghiên cứu trọng tâm của đề tài này”.
Từ thông tin Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Nha Trang chiết xuất được nguồn nguyên liệu fucoidan quý từ tảo nâu (vốn phổ biến tại các vùng biển của Việt Nam) có tính hiệu quả trong việc chống lại sự tạo thành và phát triển của tế bào ung thư, Phương đã tìm hiểu sâu hơn. Nhưng do chưa có nghiên cứu trước đó về việc chế tạo hạt nano sử dụng fucoidan như là nguyên liệu tạo thành, đồng thời là một thuốc điều trị ung thư, thông tin về cấu trúc, đặc tính của nguyên liệu không đầy đủ là những thuận lợi và cũng là khó khăn trong việc nghiên cứu nguyên liệu mới này. Điều đó lôi cuốn chị vào guồng xoáy nghiên cứu để tìm ra được câu trả lời.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nha-khoa-hoc-nu-viet-nam-dau-tien-duoc-unesco-vinh-danh-201903281545135714.htm” button=”Theo vinacomin”]