Phó giáo sư – Tiến sĩ Phùng Mạnh Đắc là nhà khoa học và cũng là người lãnh đạo điều hành của Tập đoàn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp hiện đại hóa ở ngành Than – Khoáng sản Việt Nam. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ , nguyên là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Sau gần 40 năm công tác và cống hiến, giờ đã về nghỉ chế độ nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Mạnh Đắc vẫn tham gia nhiều hoạt động phát triển khoa học công nghệ của ngành Than – Khoáng sản và hoạt động đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật của trường đại học Mỏ – Địa chất. Hiện ông là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam.
Ông Phùng Mạnh Đắc luôn tự hào cho rằng, ngành Than đã trải qua ba cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đổi mới công nghệ khá thành công, đưa trình độ công nghệ khai thác than của Việt Nam lên tầm cao mới.
Các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đổi mới công nghệ của ngành Than có thể khái quát như sau: Thứ nhất, ngành Than đã thay đổi hoàn toàn công nghệ chống giữ các lò chợ khai thác than từ chống gỗ sang chống bằng các loại vì chống thuỷ lực , đó là cột thuỷ lực đơn, giá thuỷ lực di động, giàn chống tự hành… Từ năm 1998, ngành Than đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ từ chống gỗ sang chống bằng cột chống thuỷ lực đơn. Công nghệ này đã giúp người lao động làm việc trong điều kiện an toàn hơn và có năng suất cao hơn so với công nghệ chống gỗ trước đây. Không dừng lại ở đó, những năm sau ngành Than liên tục phát triển công nghệ chống giữ lò chợ bằng các loại giá chống thuỷ lực di động, các loại giàn chống tự hành… Công nghệ khai thác lò chợ sử dụng các loại vì chống thuỷ lực ngoài việc nâng cao sản lượng lò chợ gấp 3-4 lần, năng suất lao động lên đến 5-6 lần so với trước đây mà còn kiểm soát được cơ bản về áp lực mỏ, giảm thiểu đáng kể các vụ tai nạn sập đổ lò , nâng cao mức độ an toàn cho người lao động . Hiện nay, 100% lò chợ khai thác ở các mỏ hầm lò đã được thủy lực hóa. Đây thực sự là một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thành công nhất của ngành Than trong một vài thập niên qua.
Thứ hai, ngành Than đã làm chủ và phát triển thành công công nghệ kiểm soát khí mỏ thông qua hàng loạt các hệ thống cảnh báo khí mỏ tự động ở tất cả các khu vực khai thác trong mỏ hầm lò. Sau thảm họa nổ khí tại mỏ than Mạo Khê năm 1999, ngành Than đã bắt tay ngay vào việc thực hiện dự án “Xây dựng trung tâm quản lý an toàn khí mỏ than“ và năm 2002 Trung tâm an toàn Mỏ ra đời. Với trình độ công nghệ hiện đại ngang tầm thế giới, độ chứa khí trong các vỉa than cũng như độ thoát khí trong quá trình khai thác được kiểm soát chặt chẽ. Tất cả các mỏ được phân hạng mỏ theo mức độ nguy hiểm về khí thông qua hàm lượng khí nổ CH4 thoát ra từ các vỉa than. Cùng với đó, tất cả các đơn vị khai thác than hầm lò đã được đầu tư lắp đặt hệ thống cảnh báo khí tự động ở các vị trí sản xuất. Khi hàm lượng khí CH4 thoát ra quá mức cho phép và có nguy cơ cháy nổ, hệ thống sẽ cảnh báo và ngắt điện hoàn toàn để đảm bảo an toàn cho người lao động. Đến nay hầu hết các vị trí sản xuất của các đơn vị khai thác than hầm lò đã được đầu tư lắp đặt hệ thống cảnh báo này. Đồng thời tất cả các thiết bị điện, các loại vật liệu nổ trước khi đưa vào mỏ làm việc và sử dụng đều được Trung tâm ATM kiểm định tính phòng nổ và an toàn tia lửa. Những hoạt động này thực sự mang lại hiệu quả trong công tác cảnh báo, đảm bảo an toàn cho Thợ mỏ. Mặc dù hàm lượng khí mỏ thoát ra trong các mỏ hầm lò vẫn là những điều khó kiểm soát và đâu đó vẫn còn xảy ra những vụ tai nạn về khí mỏ. Nhưng về cơ bản, ngành Than đã kiểm soát được khí mỏ trong điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu như hiện nay. Bởi so với cách đây một vài thập niên ngành Than đã khai thác từ mức dương xuống mức âm vài trăm mét so với mực nước biển. Và điều đó cũng có thể khẳng định, đây là một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật về quản lý an toàn khí mỏ than khá thành công của ngành Than.
Và thứ ba, ngành Than đã từng bước nâng cao sản lượng khai thác và năng suất lao động bằng công nghệ cơ giới hoá khai thác đồng bộ. Tức là thay thế công nghệ khai thác khoan nổ mìn thủ công trong các lò chợ bằng công nghệ khai thác sử dụng máy liên hợp khấu than với đồng bộ thiết bị giàn chống tự hành. Theo công nghệ cũ, Thợ lò phải khoan và nạp mìn để nổ phá than, sau đó chống lò bằng các vì chống thuỷ lực,thì với công nghệ cơ giới hoá đồng bộ, công tác khấu than và chống giữ được tiến hành đồng thời bằng tổ hợp máy khấu và giàn chống tự hành. Hiện nay công nghệ cơ giới hoá khai thác đồng bộ đang được triển khai áp dụng mạnh mẽ ở các mỏ hầm lò, mặc dù hiện tại sản lượng khai thác bằng cơ giới hóa chưa cao nhưng nó đã khẳng định một bước tiến dài trong đổi mới công nghệ khai thác của ngành Than. Áp dụng cơ giới hóa khai thác than đồng bộ trong các mỏ than hầm lò của ngành Than hiện nay cũng có không ít khó khăn do điều kiện địa chất mỏ phức tạp, nhưng các mỏ hầm lò chắc chắn sẽ làm chủ và phát triển áp dụng rộng rãi các loại hình cơ giới hoá đồng bộ phù hợp với đặc điểm điều kiện địa chất mỏ vùng Quảng Ninh, giúp cho ngành Than nhanh chóng tăng được sản lượng khai thác, tăng năng suất lao động,giảm giá thành và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Hiện nay, lò chợ Cơ giới hoá đồng bộ với thiết bị hiện đại đang áp dụng tại Công ty than Hà Lầm có thể cho sản lượng lên đến 1,2 triệu tấn/năm. Nhiều đơn vị cũng đã áp dụng như Khe Chàm, Nam Mẫu, Quang Hanh, Dương Huy… đều có sản lượng 400-600 ngàn tấn/năm.
Đã nghỉ chế độ được vài năm, nhưng ông Phùng Mạnh Đắc vẫn thường xuyên gắn bó với các mỏ than trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Ông có nhiều tham gia đóng góp cho các đơn vị trong việc áp dụng các công nghệ khai thác phù hợp với điều kiện thực tế, giúp tăng năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân. Ông cũng là người thường xuyên hướng dẫn các nghiên cứu sinh và học viên cao học, tham gia các hội đồng khoa học của các Bộ, soạn thảo giáo trình đào tạo và sách khoa học kỹ thuật. Hàng ngày vẫn thấy ông như những con thoi trên các công trường, hầm mỏ và ở những Học viện, trường Đại học trong niềm say mê với nghề.
Ở cái tuổi gần thất thập cổ lai hy, nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Mạnh Đắc vẫn bước những bước chân nhanh nhẹn, giọng nói ấm áp và đặc biệt trong ông vẫn luôn cháy bỏng ngọn lửa nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các mỏ hầm lò, lộ thiên của ngành Than – Khoáng sản. Ông quả là một nhà khoa học đích thực, đã gắn liền cuộc đời lao động của mình với 3 cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật khá thành công của ngành Than – Khoáng sản Việt Nam.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nha-khoa-hoc-dich-thuc-3-cuoc-cach-mang-doi-moi-cong-nghe-201611110021361618.htm” button=”Theo vinacomin”]