Nhà báo Trần Giang Nam nguyên Thư ký Tòa soạn, nguyên Trưởng Văn phòng Đại diện Tạp chí Vinacomin tại Quảng Ninh, nghỉ chế độ năm ngoái, khi tuổi đời mới có 54, vì lí do sức khỏe. Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi giới thiệu đôi nét về anh, mong bạn đọc chia sẻ với anh và chia sẻ với công việc của nghề báo – một nghề cũng lắm nguy cơ về bệnh lý.
Anh đọc thơ và hát như lên đồng. Có lần, tôi cùng ba nhà văn nghe anh nói chuyện, đọc thơ ở quán cóc nép bên tường Học viện Chính trị Quốc gia từ chập tối đến… bốn giờ sáng. Khi đọc bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, anh bật khóc. Anh mau nước mắt bởi những xúc động kỳ quặc. Lại có lần, trên căn gác nhà tôi, lúc hai giờ sáng, vợ tôi nghe anh khóc tu tu, hốt hoảng nhao lên. Thì ra, anh Giang Nam vừa đọc thơ vừa … khóc.
Khi hát cũng vậy, anh như lên đồng, mặc xung quanh là ai. Ở phố Nguyễn Quyền (Hà Nội) có quán lòng lợn tiết canh, đối diện là cơ quan công an. Bữa nọ, khi cao hứng, anh Giang Nam hát. Giọng anh nồng nàn, âm vực rộng; bài anh hát toàn “nhạc chế”, nhại theo các ca khúc nổi tiếng. Ca khúc “Sao em nỡ vội lấy chồng” của Trần Tiến, được anh “chế” rằng: “Mùi hương nồng, đây mơ lông, mơ lông/ Trong quán cô nàng, chú cầy tơ không lông/ Chú cầy, đã được ướp riềng thơm lừng…”. Ca khúc “Ngẫu hứng lý qua cầu” cũng của Nhạc sỹ Trần Tiến, được anh “chế” thành “Ngẫu hứng lý qua phà” thế này: “Bằng lòng đi em về với quê Than/ Tàu về Bến Đoan (thuộc TP. Hạ Long) rượu toàn napoleon/ Bằng lòng đi em anh đón qua phà (phà Bãi Cháy)/ Rượu đây ta uống cho say…” Rồi anh “cầm càng” hò theo điệu hò sông nước miền Trung: “Hò dô/ Hò dô/ Vợ to/ Vợ to/ Vợ to thì mặc vợ to/ Nếu mà to quá, thì ta ôm …đùi/ Hò dô…”. Nghe anh hát, khách trong quán đứng bật cả dậy, khách đi đường cũng dừng lại, mấy chiến sỹ công an ở trụ sở đối diện cũng nhao sang. Đồng nghiệp tôi phát hoảng, dễ chừng anh Nam lôi thôi vì hát nhảm nhí, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Nhưng không. Các chiến sỹ công an sang nghe, cũng vỗ tay tán thưởng rầm rầm.
Thường, những cuộc vui “xả thân” như thế, anh chỉ uống và hát, sau đấy anh như người bị rút ruột; dáng đi lại lù đù, cử chỉ chậm rãi như ông cụ vậy.
Anh Nam ngại dự họp; ít đưa tin thông tấn, tin vặt. Thế nhưng anh lại luôn hăm hở tới những vùng đất mới, dù khó khăn vất vả đến mấy. Anh đã tới tỉnh lỵ Strung treng (Campuchia) rồi từ tỉnh lỵ đi xe ôm 46 cây số đường rừng để tới tổ khoan địa chất của Công ty Địa chất GieoSimco. Anh đã tới đảo Lý Sơn khi Tập đoàn TKV khảo sát, chuẩn bị xây dựng nhà máy nhiệt điện tại đây. Những ngày áp Tết năm 2010, khi mọi người cuống cuồng sắm Tết thì anh theo đoàn xe tải, chở máy móc thiết bị của Công ty than Hà Tu vào Lâm Đồng, chuẩn bị cho việc khai thác bô-xít. Anh là nhà báo đầu tiên đặt chân xuống độ sâu âm 300 của giếng đứng Hà Lầm. Nhiều lần anh theo chân anh Mật, anh Khích (lãnh đạo Tập đoàn) và các anh lãnh đạo công ty đi lò. Trong vụ cứu hộ sự cố bục nước ở Xí nghiệp than Thành Công năm ấy, anh nằng nặc xin chỉ huy cho được xuống lò để tác nghiệp. Nơi xảy ra sự cố rất nguy hiểm, không ai được tiếp cận, ngoài lực lượng cứu hộ. Nhưng trước đề nghị quyết liệt của anh Nam, người chỉ huy cứu hộ đành phải “chiều” anh, giao nhiệm vụ cho ông Phạm Văn Mật (khi đó là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn) trực tiếp hướng dẫn an toàn cho anh rồi đưa anh xuống lò…
Nhờ những chuyến thâm nhập thực tế kỹ lưỡng, sâu sát, anh đã viết nhiều bài báo mang phong cách Giang Nam: dài nhưng nhiều chi tiết, được miêu tả tỉ mỉ với câu chữ chính xác; cảm nhận tinh tế và sâu sắc.
Đi nhiều nên anh Nam được thưởng thức nhiều ngón mon vật lạ khắp mọi vùng miền. Từ thời làm ở Báo Quảng Ninh, anh đã giữ chuyên mục “Hương vị quê nhà” trên Quảng Ninh Hàng tháng. Chuyên mục này duy trì hàng chục năm, được đông đảo bạn đọc yêu thích. Những bài viết của anh trong chuyên mục này không thuần túy giới thiệu khoa học thường thức về ẩm thực mà là những ghi chép, cảm nhận tinh tế của anh về miếng ngon lạ; đọc rất thú vị.
Anh không ăn tạp. Trước miếng ngon, anh cung kính nhẩn nha tận hưởng. Tại các cuộc vui, dường như anh không quan tâm đến ăn mà chỉ nói, hát và đọc thơ. Vậy mà anh lại mắc chứng bệch đường ruột kinh niên, không thể tiếp tục theo nghề báo được nữa. Khi tôi thông báo tình hình bệnh tật của anh cho người bạn thân của anh, bạn anh bảo “Đi như thế, sinh hoạt thất thường như thế, bạ đâu ăn đấy, ngủ đấy như thế thì không bị bệnh đường ruột mới là lạ”.
Ừ nhỉ. Ngay như chúng tôi, đa số đều bị bệnh tiêu hóa, chỉ có chưa đến mức trầm trọng như anh. Bất giác, tôi chợt nghĩ lại những chuyến đi; những vùng đất tôi đã đến. Những miếng ăn, đồ uống ở các nhà hàng, quán cóc mà chúng tôi đã nạp vào cơ thể trong những chuyến tác nghiệp, ai mà biết được nó có được kiểm soát tận gốc; biết đâu đó là những thứ được chế biến từ thực phẩm ôi thiu, thuốc bảo quản thực phẩm độc hại! Mới hay, tính chất công việc của nghề báo cũng có nhiều nguy cơ về bệnh lý, trong đó nguy cơ hàng đầu là bệnh tiêu hóa; các đồng nghiệp hãy thận trọng trong ăn uống, sinh hoạt khi tác nghiệp xa nhà.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nha-bao-tran-giang-nam-8334.htm” button=”Theo vinacomin”]