Công việc biên tập, tổ chức nội dung của tờ báo – thường gọi là gác mặt báo, trực mặt báo – là công đoạn đặc biệt quan trọng trong quy trình làm báo. Những người làm công việc này, ngoài yêu cầu năng lực chuyên môn, kiến thức rộng lớn, họ cần phải nhẫn nại, cẩn thận, tỉ mỉ. Họ quanh năm bận rộn và lo canh cánh; tờ báo mới phát hành, không thấy sai sót gì, bớt lo; lại đến nỗi lo cho số tới. Công việc của họ giống như chăm con mọn vậy.
“Con mọn” con chữ
Chăm con mọn (con thơ) vất vả, bận rộn thế nào, ai cũng biết. Nhưng nỗi vất vả khi chăm “con mọn” cụ thể là chăm từng con chữ để đưa lên mặt báo, không phải ai cũng biết. Sự chăm ấy là thế này: Trước khi làm maket một số báo, Thư ký tòa soạn phải tập hợp bài vở của phóng viên đã thực hiện theo nội dung chỉ đạo của Tổng biên tập và cộng tác viên, sau đó cùng biên tập viên biên tập từng bài. Xong phần biên tập, TKTS nhóm bài vở theo các chuyên mục, trình Tổng biên tập duyệt. Sau khi TBT duyệt, TKTS chỉ đạo họa sỹ thiết kế theo ý tưởng của TBT và tiếp đó là mi trang, hoàn thiện nội dung, bố cục, hình ảnh. Trước khi trình TBT duyệt in chính thức, bộ phận biên tập phải đọc đi đọc lại ít nhất là 3 lần để thêm bớt, cắt xén, sửa lỗi chính tả. Đây là công việc tốn nhiều thời gian nhất.
Với nhiệm vụ và tính chất công việc như vậy nên bộ phận biên tập làm việc không quản thời gian; miễn là mỗi số Tạp chí đảm bảo nội dung, hình thức, không sai sót, phát hành đúng định kỳ. Đối với những số đặc biệt, Tòa soạn huy động thêm lực lượng phóng viên. Những ngày làm maket, chị em thường về muộn, thậm chí thức cả đêm; con thơ nhớ mẹ, bi bô qua điện thoại, thật thương; có chị còn sinh nhật đúng hôm làm market, chồng tự tay đi chợ vào bếp chuẩn bị bữa cơm thịnh soạn chiêu đãi vợ, con thì chuẩn bị nến cắm sẵn vào bánh sinh nhật đợi mẹ từ 5 giờ chiều; vậy mà sau khi tất bật hoàn thành nốt phần đọc bông cuối cùng để chốt in, chị về đến nhà cũng gần 12 giờ đêm; cơm canh nguội lạnh, chồng vẫn đợi, con ngủ gục bên bánh sinh nhật vì đợi mẹ lâu quá…
Nhà các chị đều ở xa, có chị nhà cách cơ quan 20 cây số. Những bữa đi làm về muộn, dù mưa rét, dù trong đêm khuya, các chị cũng tự đi xe máy về nhà vì chồng phải chăm con; không thể đi đón.
Nỗi lo con chữ
Nỗi lo thường trực hàng đầu của người gác mặt báo đó là lo từng con chữ, từng số liệu để mỗi bài viết đăng trên mặt báo nóng hổi, chính xác, đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc; đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước, của Ngành. Chẳng may sơ sểnh bỏ lọt một thông tin, thậm chí bỏ lọt một con chữ, một con số trên Tạp chí trái với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Ngành hoặc thông tin thiếu chính xác trong một vụ việc làm phương hại đến uy tín của cá nhân, tập thể thì tác hại khôn lường.
Bởi vậy, lực lượng biên tập phải căng mắt ra soi từng con chữ, lục bới trong đống tài liệu để đối chiếu, kiểm tra; khi một thông tin, số liệu chưa thực sự tin cậy, phải gọi điện cho tác giả hay những người liên quan để xác minh, thẩm định. Mỗi lần trước khi đưa Tạp chí đi in, dù hết giờ làm việc, bộ phận biên tập, chế bản vẫn dò từng dòng, từng chữ, bao giờ thấy yên tâm mới trình TBT ký duyệt cho in.
Nhưng dù biên tập cẩn thận bao nhiêu, chị em vẫn luôn nơm nớp lo. Chữ như ma! xét về nghĩa đen và nghĩa rộng. Đọc đi đọc lại rồi mà đôi khi vẫn tòi ra những lỗi chính tả. Những lỗi đại loại như là “phó chủ tịch” lại in thành “pho chủ tịch” thì bạn đọc có thể bỏ qua, cho rằng đó là sự sơ suất. Nhưng nếu chữa “p” in thành chữ “c” thì thật tai hại, bạn đọc sẽ cho rằng Tạp chí cố tình in sai, chứ đâu phải sơ suất(?). Thậm chí, có lỗi do tác giả cung cấp thông tin không chính xác hoặc do nguyên nhân khách quan mang lại… Dù là nguyên nhân gì, bộ phận gác mặt báo phải chịu trách nhiệm và người chịu trách nhiệm hàng đầu là Tổng biên tập.
…Chăm “con mọn” ở Tòa soạn mất nhiều thời gian như vậy, nhiều nỗi lo như vậy, chắc chắn ảnh hưởng đến việc chăm con thơ ở nhà. Rất mong bạn đọc và các chàng rể Tòa soạn cảm thông, chia sẻ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nha-bao-nu-cham-con-mon-8331.htm” button=”Theo vinacomin”]