Buổi sáng trong lành, thành phố vẫn như muôn vạn ngày qua. Nhưng với riêng Phấn thì hôm nay là một ngày đặc biệt. Phấn vừa như muốn bực bõ, lại vừa như muốn vui hơn. Cái con bé mắt to như ốc nhồi ấy sao cứ ném xoáy cái nhìn vào mặt ông. Cái con bé đó ở đâu ra nhỉ, nó đáng tuổi con mình, chà chà… nếu mà… thì con gái mình cũng trạc nó.
Thuở ấy đang ở tuổi hai mươi rực lửa, Phấn là một cán bộ đoàn năng động của mỏ than Bình Minh. Con đường của anh cứ như có sẵn để anh bước những bước tự tin, thành công. Cái thời bao cấp khó khăn nhưng đời sống tinh thần thì vô cùng phong phú. Phấn không như các bạn cùng trang lứa chỉ chúi mũi vào làm lụng, không chú ý đến đời sống bên ngoài. Với hình dáng bề ngoài, ai cũng nói Phấn rất giống nghệ sĩ. Cái “danh” nghệ sĩ như khoác cho Phấn thêm những thăng trầm của cuộc đời thì phải. Từ chỗ chỉ là cán bộ phong trào của cái mỏ than già nua ấy, Phấn trở thành điểm sáng của cánh cán bộ trẻ trong mỏ, và đương nhiên nhiều cô gái trong mỏ rất mê Phấn. Nhưng khốn nỗi, với Phấn, công việc của một anh cán bộ trẻ đang có quá nhiều dự định, khát vọng, Phấn gần như… hờ hững với các cô. Ban đầu người ta còn nghĩ Phấn kiêu, nhưng sau thì đồng ra tán vào hình như Phấn bị… làm sao ấy nên nhất định không chịu yêu cô nào. Năm tháng cứ trôi, Phấn cũng trưởng thành lên nhiều. Từ cán bộ cấp phân xưởng, anh được điều động về phòng ban của Mỏ và được chuyển sang làm cán bộ chuyên trách công đoàn. Nói thì nhanh thế, nhưng quả thực Phấn cũng đã nỗ lực phấn đấu để có được vị trí như hiện tại. Phấn làm công việc về công tác công đoàn được rất nhiều công nhân yêu quý. Cái chất của anh cán bộ trưởng thành từ cơ sở lên rất được lòng những người lao động, anh biết giải quyết có tình, có lý để hướng cái lợi cho người lao động được hưởng lợi thật sự. Giúp họ không bị thiệt thòi về cái quyền lợi dù bé bằng móng tay anh cũng cố gắng giúp. Vì thế trong khu tập thể, đi đến đâu Phấn cũng được chào đón nhiệt tình, có mấy đứa trẻ nghe theo mẹ còn gọi “bố Phấn” rất thân thương như làm sáng bừng cái phố mỏ lam lũ. Âu cũng là hạnh phúc của cán bộ làm phong trào khi còn được dân tin, dân quý. Có những “ca” Phấn phải lấy cả danh dự để bảo vệ cho họ, người lao động chỉ chúi mũi vào lao động, có khi nào đọc nổi một văn bản luật đâu, nên khi vướng vào những quy định của luật pháp là rối như canh hẹ, và rồi lấy “võ mồm” để đấu khẩu với cán bộ hướng dẫn thi hành kỷ luật, thế là thành cãi nhau như hàng tôm, hàng cá ngoài chợ. Có những lúc như thế, Phấn thường phải “đấu dịu” với người lao động, lấy danh dự của mình để bảo vệ họ trước và rồi thì sẽ lấy lý lẽ, lấy văn bản pháp luật để phổ biến, giải thích cho họ hiểu rằng nó phải thế này, thế kia… Khi nghe ra và nhận ra quyền lợi của mình ở đâu, nghĩa vụ của mình ở chỗ nào người ta mới tâm phục khẩu phục là như thế. Từ những câu chuyện ấy, người trong mỏ càng quý mến Phấn hơn, anh được coi như vị “cứu tinh” của cánh công nhân cả đời bám mặt với tầng mỏ. Phấn được khen ngợi ở mọi lúc, mọi nơi, nhưng hiềm nỗi ai cũng mong anh có ý trung nhân thì đợi mãi chả được. Ở văn phòng mỏ nhiều người làm mai, làm mối cho anh, nhưng tuyệt nhiên chả đám nào anh… gật.
Năm tháng cũng cứ vô thường trôi đi. Năm nay Phấn sắp bước vào cái tuổi nghỉ ngơi, công việc cũng không biến đổi nhiều, mọi sự đều đã an bài. Phấn vẫn ở cùng bà mẹ già ngót nghét chín mươi. Ai đó nói, cụ sốt ruột, thương Phấn lắm, nhưng cũng đành, chứ đến cái tuổi ngũ niên này bảo Phấn đi lấy vợ chắc khó. Thôi thì cứ kệ cho dòng đời tuôn chảy đi, tuôn chảy nốt những tháng năm tài hoa của Phấn cùng tiếng đàn ghi-ta làm say lòng bao thiếu nữ một thủa đi. Ngày đó, cái Phố Cũ chỉ hơn mươi nóc nhà ở xúm xít dưới chân núi Truyền Đăng. Cái ngọn núi đầy huyền thoại nhưng cũng rất nhiều giống khỉ đến sinh sống. Người ở Phố Cũ vẫn nhớ, ngày đó, khỉ nhiều đến nỗi, đêm hay ngày, bất kể khi nào bọn khỉ trên núi cũng có thể tấn công vào cái phố ngắn tũn ấy mà chén tất cả những thứ gì nó có thể chén được. Ấy thế mà từ khi có tiếng ghi-ta bập bùng của Phấn, bọn khỉ bỗng nhiên lại… ngừng tấn công vào chạn thức ăn của dân Phố Cũ! Ai cũng bảo, chắc tiếng đàn của Phấn có nỗi niềm gì nên bọn khỉ đã bảo nhau không tấn công Phố Cũ nữa. Câu chuyện vừa bi hài ấy giờ vẫn neo vào trong câu chuyện của những ai đã từng sống ở Phố Cũ. Bây giờ thành phố mở rộng, Phố Cũ như cũ hơn. Mấy ngôi nhà không thay màu sơn. Chân núi vẫn xùm xuề cây lá cổ thụ rũ xuống. Những mảnh đá trên vách núi vẫn như trơ ra cùng tuế nguyệt. Bọn khỉ lúc nhúc ngó du khách thăm quan thành phố, hóng hớt để cướp những thứ mà nó chưa nhìn thấy bao giờ từ tay các cô gái, các bé con muốn chiêm ngưỡng nó mà nó thì lại muốn… cướp đồ của họ! Hình như bọn khỉ ở núi Truyền Đăng bây giờ cũng không còn mơ màng mấy cái chạn thức ăn của dân Phố Cũ từ cái thuở xa lơ, xa lắc nào nữa, vì bọn chúng có cả một thành phố mới tưng bừng đang mở ra, với nhiều điều hấp dẫn khác, nên chúng cũng quên luôn tiếng ghi-ta bập bùng của chàng nghệ sĩ không tên tuổi ở Phố Cũ.
Hôm nay Phấn bỗng nhớ về ký ức ngày xưa, cái ngày xưa ở Phố Cũ và ngày hôm nay ở Phố Cũ vẫn cho Phấn những cảm xúc không thể nào thay thế được. Cái đêm Phấn đang ngồi bập bùng với mấy cái dây trên cây đàn ghi-ta cũ mèm ấy thì có tiếng người gọi cửa:
-Anh ơi, cho em nhờ, cho em nhờ tí…
-Ai thế, cô là ai thế, cô cần tôi giúp gì không?
-Dạ, anh ơi, em… em…
Và cái đêm mưa gió ấy, Phấn đã lặng lẽ đưa cô gái lên bệnh viện tỉnh, mọi việc cũng bình thường như muôn vàn chuyện bình thường khác đi qua một đêm mưa gió mà mình đã giúp được ai đó qua cơn nguy kịch. Nhưng rồi có một bữa Phấn về dưới Cái Cong làm việc, cái xí nghiệp làm than nhặt toàn con gái. Anh đến làm việc hết buổi sáng, cũng bình thường như muôn việc khác. Đến trưa thì anh ở lại ăn cơm với lãnh đạo xí nghiệp, anh ngờ ngợ nhận ra một đôi mắt trong veo. Hình như có một cái gì đó chạy dọc lưng anh, cô gái của đêm mưa tháng trước. Nhưng anh vẫn giữ trong lòng, dù gì, mình đã giúp thì nói ra cũng không hay, kệ đi, cứ để cô ấy nhận ra mình sẽ hay hơn. Nhưng điều đó hoàn toàn không xảy ra. Phấn lại đi tìm hiểu cái đôi mắt to nhung huyền ấy theo cách của anh. Rồi cũng gặp nhau, cũng hò hẹn, cũng ơn huệ… như chỉ tình cảm chân thành của cô gái bị phản bội đêm đó. Với cô gái nào thì Phấn là người thu hút số một, nhưng với cô mắt nhung này thì chả có ý nghĩa gì. Mắt Nhung bảo, thời buổi bây giờ phải một yêu anh có… hai yêu anh có… chứ yêu anh chỉ có mỗi tiếng đàn em không yêu đâu. Ban đầu Phấn còn nghĩ Mắt Nhung đùa, nhưng rồi thì càng ngày anh càng nhận ra, anh và cô ấy chả có điểm gì chung, rồi mỏ có cả tá các chàng kỹ sư trẻ khỏe, tài giỏi, đẹp đẽ vừa từ nước Nga về. Hình ảnh các chàng kỹ sư được đào tạo ở nước ngoài về đã chiếm lĩnh các cô gái mỏ như Mắt Nhung. Các chàng ấy là biểu tượng đầy mơ ước của các cô gái mỏ giỏi giang thời ấy. Phấn biết, và mang theo Mắt Nhung trong trái tim mong manh của mình. Rồi chợt nhận ra mình đã già, rồi tặc lưỡi, và kệ…
Sớm nay cái con bé “mắt to” vừa được nhận vào phòng làm việc cùng anh, nó nhìn anh cứ như nó đọc hết được mọi ý nghĩ của anh không bằng. Anh định cáu với nó, rồi lại thôi, nó láu táu, miệng nói, mắt nói, nó coi anh như người đã quá già ở cái văn phòng này. Nó cầm mấy cuốn tài liệu trên bàn của anh buông một câu nhẹ bẫng:
– Đọc những thứ này nhức đầu bác nhỉ.
Phấn chưa kịp đáp nó đã tuôn một tràng:
– Kính phục thế hệ các bác làm việc cần mẫn, bọn cháu phải bó chân trong gầm bàn cả ngày thế này thì chết toi à, tại mẹ cháu cứ bắt cháu về đây, mà cháu thì chả muốn, ngồi văn phòng buồn thối ruột, chỉ hợp với người làm thơ.
– Hừ, con cái nhà nào mà dẻo mồm quá đấy – Phấn bâng quơ
– Ô, bác không biết cháu thật à, cháu con mẹ Nhung, bố Kiểm, bố cháu nổi tiếng thổi kèn ascmonia hồi đi học bên Nga về, mẹ cháu có đôi mắt đẹp hơn cháu, như nhung nên gọi tên Nhung, mẹ cháu mê tiếng đàn của bố cháu mà có cháu đấy. Ô, thế bác không biết bố mẹ cháu thật à, bác rõ là… chán.
– Hừm, cả mỏ có vạn người, làm sao bác nhớ hết.
– Đâu có, tùy loại mà nhớ chứ bác, thế bác không biết rồi, bố mẹ cháu là đôi trai tài gái sắc nhất của mỏ đấy. Mẹ cháu có đầy người theo đuổi, nhưng mẹ cháu ale hấp hết, chỉ ok mỗi bố Kiểm cháu. Heee
– Ơ hay… cái con này, mày đến làm việc hay mày đến để buôn chuyện thế hả cháu gái xinh đẹp.
– Hơ hơ… cháu thấy bác nghệ sĩ nên cháu mới dám… buôn đấy ạ. Chứ các bác là phải tôn kính chứ. Hơ hơ
Con bé đi rồi. Bóng nó như cái sếu vườn, bây giờ đang được coi là mốt. Lòng Phấn như rũ ra. Hóa ra là thế, vẫn là Mắt Nhung của mấy chục năm trước, chao chát và nhạt nhẽo thế nào. Chao ôi, con gái thời nay, chao ôi con gái của cái thời kín kẽ như Mắt Nhung bây giờ cũng như mở toang cả ra. Lòng Phấn rộn lên niềm đắng đót. Ừ, giá như, giá như, có lẽ, Phấn cũng có con gái bằng con bé. Nhưng thôi, giờ đã quá muộn. Mắt Nhung đã về quá khứ. Mà chắc gì có Mắt Nhung đã làm cuộc đời Phấn hay lên hơn. Chắc gì cái mà Phấn cố với tới bằng mọi cách để có được đã là thánh đường cho cả cuộc đời anh…
Và, Phấn chợt nhận ra, giờ chỉ còn Phấn với Phố Cũ vừa lên đèn, những giọt ghi-ta tự ru lòng mình thênh thang cõi khác. Chỉ còn thoáng mùi hoa dâu da đầu phố rũ vào đêm. Chỉ còn tiếng lũ dê con của núi tìm vú mẹ thao thức phía sau nhà. Chỉ còn… Phấn đã cố rũ bỏ mọi ưu phiền, nhưng anh vẫn chợt nhận ra mình đã bị Phố Cũ nuốt chìm từ những giấc mơ xa…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nguoi-pho-cu-201608221709536322.htm” button=”Theo vinacomin”]