Cả hai nhà máy sản xuất alumin ở Đăk Nông và Lâm Đồng đều do những nhà thầu Trung Quốc xây dựng. Vì thế, có khá nhiều người mang quốc tịch đất nước đông dân nhất thế giới này đang sống và làm việc tại đây.
Theo báo cáo của Ban QLDA tổ hợp Bauxite – Nhôm Lâm Đồng, lúc cao điểm số người Trung Quốc làm việc đông nhất ở nhà máy sản xuất Alumin Tân Rai lên tới 1.200 cán bộ kỹ thuật và công nhân. Hiện tại, số người Trung Quốc ở đây chỉ còn 446 người, trong đó có 209 cán bộ, kỹ sư, còn lại là công nhân. Nơi ở và làm việc của họ được chia làm 2 khu vực. Cán bộ quản lý và kỹ sư làm việc sinh hoạt luôn ở khu nhà sát với Ban quản lý dự án (của Việt Nam). Số công nhân ở ngay sát công trường xây dựng nhà máy để tiện làm việc. Tại khu vực xây dựng Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, số người Trung Quốc đang làm việc tại đây là 311. Họ cũng được bố trí nơi ăn ở và làm việc tương tự. Nghĩa là cán bộ quản lý và kỹ sư ở ngay nơi làm việc; còn công nhân ở liền kề với khu vực xây dựng nhà máy. Điều đáng nói là tỷ lệ người Việt Nam làm việc ở hai công trường xây dựng các nhà máy alumin Tân Rai và Nhân Cơ luôn ngang bằng với số người Trung Quốc. Hiện tại, ở Tân Rai có khoảng hơn 400 người Việt hàng ngày có mặt trên công trường. Người Việt Nam hầu hết là những nhà thầu phụ, đảm đương việc thực hiện một số gói thầu dưới sự giám sát và hướng dẫn kỹ thuật của người Trung Quốc. Ở Nhân Cơ, cũng với vai trò thầu phụ, có khoảng hơn 300 người Việt thường xuyên làm việc trên công trường này.
Nhìn chung, các Ban quản lý dự án đã kịp thời, chủ động đăng ký tạm trú, lưu trú cho người Trung Quốc theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Người đại diện của nhà thầu chính và các nhà thầu phụ Trung Quốc phải kịp thời lập danh sách, khai báo chính xác về những thông tin theo yêu cầu của từng người của họ cần đăng ký lưu trú, tạm trú; phô tô hộ chiếu và khai báo đầy đủ thông tin vào phiếu khai báo tạm trú. Những người nước ngoài mang hộ chiếu du lịch (C1) sang làm việc tại dự án là trái với mục đích nhập cảnh sẽ không được chấp nhận. Có trường hợp 3 người Trung Quốc mang hộ chiếu C1 sang làm việc tại Nhân Cơ đã bị Công an tỉnh Đăk Nông xử phạt vi phạm hành chính và đã yêu cầu họ xuất cảnh về nước.
Để được làm việc ở Việt Nam, theo quy định chung, người nước ngoài còn phải làm Hồ sơ xin cấp phép lao động và đương nhiên hồ sơ đó phải hợp lệ. Bộ hồ sơ này gồm có: Phiếu đăng ký dự tuyển lao động của người nước ngoài theo mẫu quy định của Bộ Lao động- Thương binh và xã hội; Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài cư trú ở nước ngoài khi đến Việt Nam cấp; Giấy chứng nhận sức khỏe được cấp ở nước ngoài hoặc giấy chứng nhận sức khỏe được cấp ở Việt Nam theo quy định của Bộ Y tế; Chứng nhận về trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao của người nước ngoài. Ở công trường xây dựng nhà máy Alumin Tân Rai, 100% người Trung Quốc đều có giấy phép lao động. Riêng ở khu vực Nhân Cơ hiện còn hơn 200 người chưa có giấy phép, chủ yếu do vướng mắc bởi Phiếu lý lịch tư pháp và Chứng nhận về trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao của người nước ngoài. Vấn đề này, các cơ quan chức năng của tỉnh Đăk Nông đang tiếp tục tiến hành thủ tục cấp giấy phép cho những người đã có hồ sơ và yêu cầu các nhà thầu phụ Trung Quốc khẩn trương hoàn tất hồ sơ cho số lao động còn lại của họ.
Về cơ bản, khi làm việc ở Việt Nam, người Trung Quốc chấp hành khá tốt các quy định của pháp luật Việt Nam. Hàng ngày họ dành rất nhiều thời gian cho công việc. Riêng công nhân, có thời điểm họ phải làm việc hàng chục tiếng mỗi ngày. Các nhà thầu Trung Quốc cũng có những quy định khá nghiêm ngặt để quản lý người của họ. Có trường hợp một thanh niên Trung Quốc ra ngoài uống rượu say ngoài giờ làm việc, bị ngã ngoài đường và công an xã Nhân Cơ đã đưa về Đồn và mời lãnh đạo đơn vị quản lý người này tới đón về. Ngay sau đó không lâu, Tổng giám đốc đơn vị của Trung Quốc đã ký quyết định sa thải người đó, không cho tiếp tục làm việc ở Việt Nam và lập tức phải về nước.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nguoi-nuoc-ngoai-tren-cong-truong-bauxite-353.htm” button=”Theo vinacomin”]