Đó là quan điểm chắc nịch của Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển, Chủ tịch – Tổng giám đốc Tổng công ty Đông Bắc xuyên suốt trong cuộc mạn đàm với Tạp chí Vinacomin gần đây. Ông cho rằng tổ chức quân đội làm kinh tế trong thời bình là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã được khẳng định tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX. Điều quan trọng đặt ra là làm thế nào để tổ chức quân đội làm kinh tế đạt hiệu quả cao cả về kinh tế – xã hội và quốc phòng
– Thực tế khách quan là sự chứng minh rõ nét nhất. Có thể nói Quân đội nhân dân Việt Nam, ngay từ khi mới ra đời, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu, làm công tác vận động quần chúng, đã tranh thủ tham gia sản xuất. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, hàng trăm nông trường, công trường ở những vùng xa xôi, gian khó nhất của Tổ quốc đã được ra đời nhờ bàn tay, khối óc của Bộ đội Cụ Hồ.
Sau ngày đất nước thống nhất, lực lượng quân đội làm kinh tế được tổ chức lại chặt chẽ và khoa học hơn, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, được sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các đơn vị quân đội xây dựng kinh tế đã có mặt tại những công trình xây dựng lớn của đất nước như khôi phục đường sắt Thống Nhất, xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Trị An, đường điện 500KV Bắc – Nam, các công trình dầu khí…Việc “khai sơn phá thạch” xây dựng các vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ… cũng được giao cho bộ đội. Đặc biệt trong chục năm trở lại đây, quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt xây dựng hệ thống các khu kinh tế – quốc phòng ở những địa bàn chiến lược. Các khu kinh tế – quốc phòng đã thật sự là điểm sáng, là hình mẫu kết hợp giữa phát triển kinh tế – xã hội với việc củng cố quốc phòng – an ninh trên các địa bàn này.
* Và ở vùng Đông Bắc Tổ quốc, Tổng Công ty Đông Bắc chính là một điểm sáng?
– Điều ấy cũng lại để thực tế trả lời là khách quan nhất. Song dù có khiêm tốn đến đâu Đông Bắc vẫn tự hào luôn phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, phấn đấu xứng đáng với truyền thống “Đội quân chiến đấu, đội quân sản xuất và đội quân công tác”. So với các doanh nghiệp ngành Than, Tổng công ty Đông Bắc thuộc hàng “sinh sau đẻ muộn”. Thế nhưng, vượt qua “cái thuở ban đầu” gần như tay trắng, Đông Bắc đã tiến những bước tăng trưởng thần kỳ, đứng trong “top” đầu của ngành Than về sản lượng.
Ngược lại thời gian để thấy, tháng 12-1994, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Công ty Đông Bắc trên cơ sở tổ chức lại hơn 20 đầu mối đơn vị, xí nghiệp khai thác than vốn do các Tổng cục, Quân khu, Quân binh chủng quản lý. Đây là một bước cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương về sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội, đồng thời là biện pháp thiết thực nhằm thực hiện chủ trương lập lại trật tự khai thác, kinh doanh than. Buổi đầu thành lập, khó khăn muôn bề khi Đông Bắc được giao quản lý những mỏ nhỏ, trữ lượng công nghiệp thấp, chất lượng than không cao, điều kiện tự nhiên kém, tức là ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế – xã hội địa phương chưa phát triển… gây áp lực về công tác đầu tư và cạnh tranh giá. Trang thiết bị của đơn vị hầu hết là những xe, máy dùng trong quân sự, lại lạc hậu, thiếu đồng bộ nên không đáp ứng được yêu cầu khai thác mỏ với quy mô lớn. Về yếu tố con người, nguồn nhân lực cơ bản là những cán bộ, chiến sĩ vốn quen với nhiệm vụ của người lính chiến. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý có kinh nghiệm thiếu nghiêm trọng. Công nhân phần lớn là lao động thủ công, tay nghề thấp, chưa qua đào tạo. Công nghệ khai thác thô sơ dẫn đến năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp…
– Để vượt qua khó khăn, Đông Bắc xác định yếu tố con người là quyết định, chúng tôi đã xây dựng hẳn một chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, Đông Bắc tích cực, chủ động đào tạo đội ngũ cán bộ, thợ kỹ thuật lành nghề nhằm đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu quản lý, chỉ đạo điều hành và sản xuất. Trong đầu tư công nghệ, chúng tôi đã chủ động xây dựng các dự án đầu tư có giá trị cho tương lai. Qua đó, từng bước thay thế những dây chuyền sản xuất, những xe, máy… lạc hậu bằng những thiết bị phù hợp với khai thác ở quy mô lớn.
Với hai bước tiến quan trọng về con người và công nghệ, sản lượng khai thác than của Tổng công ty Đông Bắc tăng trưởng theo cấp số nhân. Năm 1995, năm đầu tiên sau thành lập, sản lượng than nguyên khai mới đạt hơn 788 nghìn tấn, với doanh thu 220 tỷ đồng thì đến năm 2011 đã đạt gần 4,8 triệu tấn, doanh thu đạt 10.649 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đến nay, Tổng công ty Đông Bắc đã trở thành một doanh nghiệp có uy tín và phát triển toàn diện, hoạt động SXKD đa ngành. Thương hiệu “Đông Bắc” đã được đánh giá, xếp hạng thứ 100 trong tốp 500 doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Song song với SXKD than, Đông Bắc vẫn đang và tiếp tục thực hiện chủ trương mở rộng sản xuất bằng việc tham gia thăm dò, khai thác các khoáng sản trong nước cũng như hợp tác vươn ra nước ngoài; đột phá vào lĩnh vực hạ tầng, xây dựng và thực tế đã rất thành công, tạo cho thương hiệu Đông Bắc lan tỏa hơn…
* Thời gian gần đây đi đến đâu cũng nghe mọi người nhắc đến hai chữ “khó khăn”- hệ lụy của suy giảm kinh tế toàn cầu, nhưng quân Đông Bắc lại gần như không nhắc đến, phải chăng Đông Bắc luôn lạc quan?
– Khó khăn thì vẫn là những thứ gắn liền với Đông Bắc từ ngày đầu thành lập đến nay, nên có lẽ hai chữ khó khăn đã… bão hòa rồi, khó thêm nữa cũng chỉ là “chuyện nhỏ”. Chúng tôi cho rằng chính khó khăn thử thách là cơ hội để Lính Đông Bắc rèn luyện bản lĩnh, thích nghi với mọi điều kiện. Tài nguyên thuộc diện “con nhà nghèo” thì chúng tôi phải tính sao thật tiết kiệm, tận thu triệt để, không được phép lãng phí dù chỉ tấn bã xít. Đó là vấn đề mấu chốt để Đông Bắc có hiệu quả trong SXKD. Đó cũng chính là trách nhiệm với đất nước, với con cháu sau này. Tuy vậy, năm 2012 sắp trôi qua có thể nói là một năm Đông Bắc phải “gồng mình” khi mà sản lượng than bị cắt già nửa triệu tấn, bóc đất đá giảm nhiều so với kế hoạch, doanh thu hụt hàng ngàn tỷ đồng. Làm sao để thu nhập của CBCS, CNVCLĐ không bị sáo trộn nhiều, làm sao để cân đối tất cả các chỉ tiêu của một doanh nghiệp lớn, rồi lo thủ tục, vốn liếng để đầu tư ruộng mỏ khi hàng loạt các mỏ đã, đang và sắp hết diện khai thác… là những bài toán đau đầu đặt ra cho Đông Bắc. Song với ý chí và nghị lực vượt khó, tinh thần đoàn kết và kỷ luật cao, toàn Đông Bắc không có khái niệm khó khăn, tất cả là nhiệm vụ. Mà nhiệm vụ là phải hoàn thành. Đông Bắc cũng quán triệt tinh thần của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Trần xuân Hòa ” khi sản xuất không còn quá căng thẳng cũng là dịp để nhìn lại mình, xốc lại đội ngũ xem còn đuối gì, kém gì để chỉnh đốn, để chuẩn bị mọi thế trận đón trước thời cơ”. Bởi vậy những vấn đề cốt lõi để đảm bảo cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững như kỹ thuật, công nghệ, an toàn, môi trường, nguồn nhân lực… đều được đem ra mổ xẻ, phân tích và đi tìm giải pháp tối ưu, trong đó vấn đề con người – giá trị cốt lõi được quan tâm toàn diện. Chúng tôi tập trung lo vấn đề nhà ở cho công nhân, quy hoạch đội ngũ kế cận từ TCT đến các Đơn vị, công trường phân xưởng, tiếp tục tổ chức đối thoại trực tiếp giữa TGĐ với các Quản đốc, Phó quản đốc lắng nghe nhịp đập sản xuất và tâm tư nguyện vọng của những người trực tiếp làm ra hòn than để điều hành sát hơn, tháo gỡ những ách tắc, thúc đẩy hiệu quả SXKD.
– Không bàn đến khó khăn nữa nhé. Còn thuận lợi ư? có chứ. Trong đó, thuận lợi cơ bản chính là một trong những cái “nhất” mà Tạp chí Vinacomin đã đúc kết trong bài “nhiều cái nhất làm nên thương hiệu Đông Bắc” khiến chúng tôi rất tâm đắc. Đó là tính kỷ luật cao của người Lính lại kế thừa toàn bộ truyền thống quý báu của quân đội “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Trong SXKD, lực lượng quân nhân là sức mạnh, là động lực giúp Đông Bắc vượt lên. Chúng tôi luôn đặt chỉ tiêu huấn luyện theo tinh thần hướng tới xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đông Bắc luôn thực hiện đầy đủ các chế độ trong ngày. Sáng ra đánh kẻng báo tập thể dục, tạo sự thống nhất trong toàn đơn vị. Đó là ý thức sẵn sàng chiến đấu. Đó cũng là nét văn hóa, là sức mạnh của một doanh nghiệp. Buổi chiều, hết giờ làm việc, các doanh nghiệp khác có thể tự do nhưng với Đông Bắc, mọi người ở lại tham gia thể dục thể thao. Đó chính là rèn luyện thể lực trong chương trình huấn luyện. Cuộc Diễn tập ĐB – 12 với quy mô hoành tráng vừa thành công tốt đẹp chính là thể hiện sự “chính quy, tinh nhuệ” của Đông Bắc. Tôi tin những con người hàng ngày vẫn úp mặt vào vỉa than, gương than, miệt mài trên công trường, xưởng máy nhưng khi đổi sang màu áo lính, được huấn luyện rồi, cơ bản anh em sẽ trở thành những người Lính xuất sắc.
* Thiếu tướng vừa nhắc đến Văn hóa doanh nghiệp. Ông có nghĩ yếu tố này ở Đông Bắc cũng rất đáng bàn?
– Có nhiều quan niệm không thống nhất về Văn hóa doanh nghiệp giữa phương Đông và phương Tây, giữa Doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, nhấn mạnh yếu tố này hay yếu tố khác. Với chúng tôi, Văn hóa doanh nghiệp là nét đặc thù của Đông Bắc được hình thành bởi truyền thống, môi trường, phong cách lãnh đạo. Văn hóa ấy thể hiện qua ứng xử với bên trong và bên ngoài, qua phương pháp điều hành… trong đó kỷ luật và niềm tin chính là nền tảng. Tôi đặt niềm tin tuyệt đối vào cấp dưới và tôi muốn xây dựng trong họ một phẩm chất tự tin, năng động, sáng tạo. Họ thực sự là chủ thể sáng tạo, họ không chỉ là đối tượng quản lý. Vấn đề cần nói ở đây là phải có kỷ cương, nền nếp và lấy kỷ luật làm nền tảng và từ đó kỷ luật trở thành tác phong, trở thành thói quen, lối sống của bộ máy và được tập thể tiếp nhận một cách tự giác, trở thành nhu cầu, thành danh dự.
* Nghe anh em Đông Bắc nói, điều Tổng giám đốc khó tha thứ đó là không trung thực, phải vậy không ạ?
– Đa số mọi người ghét chứ riêng gì tôi. Với người Lính là điều tối kỵ. Sự trung thực ở cấp độ cao hơn chính là lòng trung thành. Đây là phẩm chất không thể thiếu của người Lính trên mọi mặt trận. Đó cũng là yếu tố cần và đủ để xây dựng văn hoá kinh doanh mang phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” giàu chữ tâm, chữ tín, mang sắc màu chiến thắng. Bởi vậy khi cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ… Đông Bắc luôn đặc biệt coi trọng tiêu chí này.
* Chữ Tâm! Thiếu tướng nhắc đến chữ tâm khiến tôi liên tưởng đến những câu chuyện được nghe về Ông rất ấn tượng. Ông thường ra đường lúc giao thừa chỉ với lý do đi tìm người quét rác để…lì xì. Ông thường làm từ thiện giúp người nghèo nhưng giấu tên. Thực tế không ít lần Ông đã giúp đỡ các nhân vật trong mục “Tình giai cấp” của Tạp chí mà chỉ đề “Một CBCS Đông Bắc”…
– Có vấn đề gì lớn lao đâu, làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ những người thân của đồng đội đã hy sinh vì đất nước…đó là trách nhiệm xã hội của những người Lính chúng tôi, cũng là thỏa chữ Tâm, chữ Thiện trong mình. Vì vậy chỉ cần “tâm” mình biết là đủ nếu như không phải nêu tên để kích thích nhân rộng công tác từ thiện trong xã hội.
* Xin lỗi Tổng giám đốc, hình như Ông làm việc ít có ngày nghỉ, ngày lễ ?
– Đó là nỗi đam mê công việc đến tận cùng mà thôi. Tôi cảm thấy sâu sắc câu nói của ai đó “Người đáng được sống và đáng được hưởng cuộc sống là những người trong từng giây, từng phút biết chiến đấu cho cuộc sống”. Càng lúc khó thì càng phải “chiến đấu” để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Người Lính thời bình không được đứng ngoài sự phát triển kinh tế đất nước. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có lần nói với thanh niên: “Nỗi nhục nghèo nàn lạc hậu, cũng như nỗi nhục mất nước”. Tôi nghĩ đó cũng là một mệnh lệnh thôi thúc tất cả chúng ta hãy đóng góp tâm sức nhiều hơn cho sự phồn vinh của đất nước.
* Xin cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa cuối năm. Nhân ngày thành lập QĐNDVN 22/12 kính chúc Thiếu tướng và CBCS, CNVCLĐ Tổng công ty Đông Bắc mạnh khỏe, ghi thêm nhiều chiến công mới, chúc thương hiệu “Đông Bắc” ngày càng lan tỏa…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nguoi-linh-thoi-binh-khong-duoc-dung-ngoai-su-phat-trien-kinh-te-dat-nuoc-3647.htm” button=”Theo vinacomin”]