“ Tôi nghĩ đến tình yêu của những người địa chất
Yêu ai, chắc hẳn yêu bền, hẳn là yêu chặt…”
(Anh Địa chất và những triệu năm – Thơ Xuân Diệu)
Trong tiết trời mát mẻ, nơi không gian tĩnh tại của một quán cafe ở góc phố Nguyễn Du nhìn ra mặt hồ Thiền Quang mênh mông, câu chuyện của chúng tôi được bắt đầu từ những vần thơ ấy và có lẽ hợp vô cùng khi lần này ông Nguyễn Trọng Khiêm – “cây đa, cây đề” trong lĩnh vực địa chất của ngành Than chỉ chia sẻ về tình yêu của những người địa chất.
Người địa chất không chỉ “yêu bền” – sống với nhau trọn đời, đến “đầu bạc răng long” mà họ còn “yêu chặt” – đó là yêu say đắm, có những thi vị riêng gắn kết trong tình yêu cũng như cuộc sống gia đình. Thế nên đã có những câu thơ được đúc rút: Cuộc đời địa chất chúng ta/Nhà là quán trọ, vợ là tình nhân. Tại sao lại như vậy? Ông Khiêm giải thích, công việc của họ vốn quanh năm suốt tháng ở rừng, xa nhà nên mỗi khi trở về tổ ấm là những gắn kết yêu thương, mong muốn bù đắp cho nhau, khó có những giây phút giận hờn. Lúc ấy người vợ luôn mới mẻ như một “tình nhân”. Còn nữa, công việc của nhà địa chất là tìm kiếm tài nguyên và với họ, chọn được một người vợ cũng như chọn được một viên khoáng sản quý nên phải giữ thật lâu, thật chặt. Phải chăng, xuất phát từ nghề nghiệp khổ ải như vậy, người địa chất quý cái duyên phận. Chẳng thế mà, dẫu Cuộc đời địa chất lắm gian nan/Suốt đời làm bạn với non ngàn/Đường mòn dốc núi không cây số… nhưng vẫn có biết bao cô gái sẵn sàng lội suối, băng rừng bén duyên và kết duyên cùng các anh địa chất với những tình cảm lãng mạn và sâu nặng.
Không chỉ là tình yêu đôi lứa, người địa chất yêu nghề cũng yêu bền và yêu chặt. Đã nhiều lần trực tiếp lên các tổ khoan – nơi những người thợ địa chất miệt mài ngày đêm với công việc của mình, tôi vẫn chưa tìm được cho mình câu trả lời thoả đáng: Vì sao điều kiện làm việc, ăn ở cực nhọc như vậy trong khi lương của thợ địa chất chưa cao? Vậy động lực gì khiến họ vẫn trụ lại và say sưa với nghề? Những thắc mắc ấy của tôi đã được ông Khiêm lý giải bằng chính những chiêm nghiệm của cuộc đời ông. Ông trầm ngâm: “Cả cuộc đời tôi gắn bó với nghề địa chất, cho đến giờ nghỉ hưu bao nhiêu năm rồi, vậy mà cứ nói đến những gì liên quan đến địa chất vẫn còn thấy thích lắm, say sưa lắm. Nhà tôi ở còn lưu giữ những hòn đá được chở từ Tây Nguyên ra… – nó như những kỷ vật quý giá mà mỗi khi nhìn lại nhắc nhở mình về những năm tháng đồng cam cộng khổ với nghề mà mình đã lựa chọn. Dù ai cũng biết, đã chọn nghề địa chất là chọn sự vất vả nhưng có những người bạn của tôi nay đã gần 50 tuổi, vậy mà vẫn ba lô trên vai đi bộ 40 – 50 km, xuyên rừng, xuyên núi, lội qua suối… để rồi vẽ lên được những lát cắt địa chất hữu ích. Có những gia đình, cả hai vợ chồng đều làm nghề địa chất. Địa chất có nhiều thứ hay lắm. Có lẽ, chính nghề nghiệp đã tôi luyện cho họ biết khéo léo thích ứng với mọi tình huống, rèn sự cẩn thận, tính toán căn cơ, ứng đối nhanh với mọi hoàn cảnh. Hơn hết, ông tự hào bởi trước đây ngành Than chỉ sản xuất 5 – 6 triệu tấn than/năm, đến nay sản lượng của Ngành đã trên 40 triệu tấn/năm. Trong sự phát triển ấy có những đóng góp không nhỏ của những nhà địa chất.
Vốn chỉ định nói chuyện về tình yêu của người địa chất, nhưng rồi bộc bạch của ông lại hướng về những trăn trở với câu chuyện tài nguyên của Tập đoàn. Ông say mê nói về những suy nghĩ, làm sao phải có một chiến lược tổng thể vừa dài hạn, vừa ngắn hạn về phát triển và quản trị tài nguyên của TKV, làm sao để mọi người hiểu đúng vai trò của những người địa chất…
Những tưởng đã từng viết bài “Ông địa chất than và 5 con số” về ông Nguyễn Trọng Khiêm thì lần này sẽ không biết viết gì đây. Vậy mà cứ mỗi khi có cơ hội được nghe ông trò chuyện, chúng tôi lại nảy ra những ý tứ mới, lại ăm ắp những câu chữ muốn truyền tải. Chia tay ra về, ông vẫn không quên dặn tôi, khi nào có thời gian sẽ cùng nhà báo nói về địa chất du lịch và phong thuỷ nhé – Đó cũng là một “dạng” tài nguyên cần quan tâm khai thác phục vụ con người.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nguoi-dia-chat-yeu-ben-yeu-chat-201611121816442986.htm” button=”Theo vinacomin”]