Đặc thù công việc của người làm địa chất xưa nay vốn âm thầm, lặng lẽ. Nhưng chính họ lại như những người lính trinh sát, tình báo đi sâu chinh phục lòng đất, khám phá tiềm năng khoáng sản, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp sản xuất than. Phóng viên Tạp chí TKV đã cuộc trao đổi cởi mở với ông Vũ Văn Đông – Giám đốc Công ty Địa chất mỏ xoay quanh những câu chuyện gần gũi, đời thường của những người tiên phong, khai phá vùng đất mới nhân dịp đơn vị vinh dự đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động.
P.V: Nếu nói ngắn gọn nhất những nét riêng không thể lẫn về công việc của người làm địa chất, ông sẽ nói điều gì?
Ông Vũ Văn Đông (V.V.Đ): Công việc của người làm địa chất đúng là có những đặc thù rất riêng, không thể nhầm lẫn với bất cứ ngành nghề nào khác. Đó là những người luôn tiên phong, chinh phục chiều sâu, giải những bài toán hóc búa trong lòng đất, từ đó có những nhận định, đánh giá về trữ lượng tài nguyên sát với thực tế, trực tiếp phục vụ cho quá trình lập kế hoạch, đầu tư và khai thác sau này.
P.V: Phóng viên Tạp chí đã được nghe rất nhiều về những vất vả, cực nhọc của người làm địa chất, cũng được thực tế lên các khoan trường chứng kiến điều kiện ăn ở, sinh hoạt của anh em tạm bợ, thiếu thốn đủ thứ. Phải chăng đó là những thiệt thòi của thợ địa chất?
Ông V.V.Đ: Quả thực, xưa nay chưa ai nói công việc địa chất là nhàn hạ, sung sướng bởi vạn sự khởi đầu nan, “đi đầu” ở những vùng đất mới đồng nghĩa phải đối mặt với muôn vàn thử thách. Đồng thời, do điều kiện ăn ở không ổn định, phải di chuyển liên tục, hết công trình này đến công trình khác nên cuộc sống sinh hoạt của anh em rất vất vả.
Vẫn biết vậy, nhưng khi nghề đã là nghiệp thì phải chấp nhận. Có những người đến với nghề địa chất như là một cơ duyên và chính cơ duyên ấy lại là số phận, không thể khác. Trong xã hội, nghề nào cũng có vất vả riêng, vấn đề là cách mình nhìn nhận và quyết tâm gắn bó với nó thôi.
P.V: Là người nhiều năm gắn bó với nghề địa chất, ông có thể trải lòng về những niềm vui cũng như nỗi buồn trong công việc?
Ông V.V.Đ: Mặc dù nơi chúng tôi đến đều là những vùng đất mới mẻ, nguyên sơ nhưng ở đó anh em được giao hòa với đất, trời, được hưởng sinh khí rất quý giá mà mọi người vẫn gọi vui “khí tươi” để thấy lạc quan hơn, yêu đời hơn. Niềm vui của người địa chất là những trăn trở, dự báo của họ sát với hiện thực, phục vụ tốt cho sản xuất, hay đôi khi chỉ là hoàn thành công việc đảm bảo tiến độ trong một ca sản xuất. Hoặc có lúc đơn giản là đứa con biết quan tâm đến công việc của bố, khi thấy bố về nhà trầm tư thì hỏi “Hôm nay máy lại hỏng à bố?”. Hạnh phúc đôi khi không phải sự no đủ về cơm áo, gạo tiền mà hơn hết là sức mạnh của tinh thần.
Vui là vậy nhưng thợ địa chất cũng có những nỗi buồn sâu thẳm, nhớ gia đình da diết, công việc không suôn sẻ, liên tục gặp những trục trặc, sự cố. Rồi đâu đó, có những lúc công việc của người làm địa chất chưa được ghi nhận đúng mức hay nhiều khi hoàn thành một công trình nhưng là lỗ khoan khó, mất chi phí lớn nên hiệu quả bằng không.
Hơn hết là niềm tin với nhau
P.V: Trong rất nhiều khó khăn đã nêu trên, anh em địa chất còn có một vất vả khác nữa do phải xa gia đình thời gian dài, đi theo các công trình khoan. Theo ông liệu hạnh phúc gia đình có “lung lay”?
Ông V.V.Đ: Cũng có những trường hợp như vậy chứ. Nhưng nói thật tôi đã từng đi nhiều, chứng kiến nhiều hoàn cảnh mới thấy tỷ lệ tan vỡ gia đình trong ngành địa chất không nhiều. Có lẽ do đặc thù ít có thời gian dành cho gia đình nên anh em rất có trách nhiệm với vợ con. Những người vợ của thợ địa chất cũng khá đặc biệt, họ có sự sẻ chia, thông cảm, thậm chí hi sinh, không một lời kêu ca.
P.V: “Hậu phương có vững chãi, tiền tuyến mới yên lòng”. Làng công nhân địa chất 906 là một nét văn hóa như thế?
Ông V.V.Đ: Đúng vậy, làng công nhân địa chất 906 ( Xí nghiệp Địa chất 906 – Đơn vị Anh hùng Lao động, nay là Xí nghiệp Địa chất Đông Triều) được hình thành từ lâu và là niềm tự hào với thợ địa chất. Đây là làng công nhân duy nhất có hương ước riêng, có nhà văn hóa và đều đặn duy trì tổ chức hội làng hàng năm. ở đây mọi người sống đoàn kết, gắn bó, vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam xưa, con cái ngoan ngoãn, học giỏi, hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”. Hiện tại, ở làng có những thợ địa chất đã nghỉ hưu và đang công tác nhưng tất cả đều hòa đồng, sẻ chia với nhau mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Chẳng thế mà, nơi đây luôn là tổ ấm yên bình cho những người thợ địa chất mỗi khi trở về gia đình. Có lẽ “tình người” chính là gốc rễ để “giữ lửa”.
P.V: Thợ địa chất có những bản lĩnh riêng. Đôi khi không sợ những nhọc nhằn, những dữ dằn, nghiệt ngã của thiên nhiên nhưng đã có lúc nào các anh sợ đôi mắt của người vợ?
Ông V.V.Đ: Cũng nhiều lúc chứ! (cười). Nhưng hơn hết là niềm tin với nhau.

P.V: Nhiều năm nay, Tập đoàn đặc biệt quan tâm đến công tác địa chất, đặc biệt là khoan thăm dò chuẩn bị tài nguyên. Là một trong những “ông lớn” có truyền thống lâu năm thực hiện nhiệm vụ này, ông đánh giá như thế nào về vai trò của công tác địa chất?
Ông V.V.Đ: Tôi chỉ xin đưa ra một hình ảnh so sánh. Nếu trước khi khai thác mà không làm công tác địa chất thì chẳng khác nào người đeo kính đen. Vẫn bước đi nhưng không có con đường nào rõ ràng, hướng đi nào cũng mờ mịt, không biết hiệu quả đến đâu.
P.V: Như những điều ông nói, nếu bây giờ đặt ra một bài toán, không quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác địa chất thì chỉ cần một sai số nhỏ sẽ dẫn đến lãng phí rất lớn. Quan điểm của ông ra sao?
Ông V.V.Đ: Trên thực tế đúng là vậy. Làm địa chất luôn phải tiên phong nên theo tôi thợ địa chất phải biết “bước dài” nghĩa là có khả năng nhìn xa, trông rộng. Làm việc không chỉ cần kiến thức, kinh nghiệm mà còn cần linh cảm nghề nghiệp. Có thế mới đưa ra được những dự đoán, báo cáo sát nhất với hiện thực.
P.V: Trong những năm gắn bó với Địa chất mỏ, đâu là dấu ấn của Công ty cũng là điều ông tâm đắc nhất?
Ông V.V.Đ: Nói ngắn gọn nhé, CBCNV Địa chất mỏ luôn biết nghĩ, biết làm và với Công ty chúng tôi người lao động luôn là trung tâm.
P.V: Xin cảm ơn ông.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nguoi-dia-chat-biet-giu-lua-va-buoc-dai-1379.htm” button=”Theo vinacomin”]