Đồng chí Ngô Huy Tăng, sinh năm 1911 tại thôn Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình nông dân cùng khổ, cha mẹ mất sớm. Ngô Huy Tăng ra Cửa Ông với người anh họ và xin vào làm thợ nguội tại xưởng Cơ khí Nhà sàng Cửa Ông (khi đó anh mới 16 tuổi). Từ khi ra mỏ, cuộc đời Ngô Huy Tăng cũng chẳng có gì hơn lúc ở với bố mẹ trong cảnh nghèo xưa kia.
Tượng đài Liệt sỹ Ngô Huy Tăng – Công ty Tuyển than Cửa Ông
Hồi ấy, ở Nhà sàng Cửa Ông có “thầy ký” Môn (bí danh của đồng chí Đặng Châu Tuệ) tính tình vui vẻ, uyên bác, hay trò chuyện khuyên bảo điều hơn lẽ thiệt, ở gần khu lán thợ của Ngô Huy Tăng… Sau những lần trò chuyện, “thầy ký” Môn có hỏi: “Đồng chí có dám làm việc đánh đổ Tây không?” và Ngô Huy Tăng không ngần ngại nhận những công việc mà đồng chí Đặng Châu Tuệ giao cho, dù biết đó là công việc “quốc cấm”.
Nhờ sự giác ngộ, giáo dục của người cán bộ cách mạng do Đảng phái đến Vùng mỏ này, Ngô Huy Tăng thấy rõ tương lai tươi sáng của giai cấp và dân tộc. Anh bước vào con đường cách mạng bằng công tác tuyên truyền, vận động anh em thợ đoàn kết đứng lên đấu tranh chống áp bức bóc lột. Anh gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội vào cuối năm 1928 ở Cửa Ông. Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ, Ngô Huy Tăng vinh dự là người công nhân đầu tiên ở vùng Mỏ trở thành đảng viên Đảng cộng sản khi anh vừa bước sang tuổi 18. Anh nhận nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, chuyển báo chí cách mạng của Đảng cho công nhân xem như: Báo Búa liềm, Tạp chí Công hội, Báo Than; hay được giao trách nhiệm vận động chị em công nhân Nhà sàng đấu tranh chống những hành động đểu cáng của Tây, giám thị…; cũng có khi anh được chi bộ giao nhiệm vụ giao liên giữa Cửa Ông và Cẩm Phả. Gian khổ, hiểm nguy là vậy, nhưng bằng sự hăng hái, tích cực, trung thành với tổ chức, nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tất cả những chuyến giao liên. Tin tưởng vào sự nhiệt tình, hăng hái và tinh thần giác ngộ cách mạng, ý thức trách nhiệm trong công việc được giao, cũng năm ấy, Chi bộ quyết định giao nhiệm vụ cắm cờ đỏ búa liềm trên cấu Poóc tích số 1 tại Xí nghiệp Bến Cửa Ông để hưởng ứng và Kỷ niệm lần thứ XII Cách mạng Tháng mười Nga (7/11/1917 – 7/11/1929). Xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, vinh dự và cũng là trách nhiệm của người Đảng viên, bằng sự mưu trí và lòng quả cảm, ở nơi đầy nguy hiểm trong sự kiểm soát nghiêm ngặt của kẻ thù, Ngô Huy Tăng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng giao. Vào đêm ngày mùng 6, rạng ngày mùng 7/11/1929, lá cờ đỏ búa liềm tung bay trên đỉnh cầu Poóc Tích số 1 trước sự kinh ngạc và hoảng sợ của kẻ thù. Lá cờ đỏ búa liềm là minh chứng cho sức mạnh, sự sục sôi của giai cấp công nhân lúc bấy giờ. Lá cờ mở màn cho hàng loạt phong trào đấu tranh chống Thực dân Pháp mà đỉnh cao là thắng lợi của cuộc bãi công 12/11/1936 của công nhân vùng Mỏ.
Năm 1930, Ngô Huy Tăng cùng công nhân Nhà sàng Cửa Ông tham gia bãi công, đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập thợ. Sự hoạt động của anh không tránh khỏi con mắt dò xét của kẻ địch, chúng thẳng tay đàn áp, khủng bố, bắt bớ người bãi công, trong đó có Ngô Huy Tăng. Sau khi bị giam tại nhà lao Hải Phòng, không có chứng cứ anh được thả nhưng cũng bị trục xuất khỏi vùng Mỏ.
Năm 1932, sau cuộc đấu tranh bãi thực lớn ở Hỏa Lò, anh bị đày đi Sơn La. Chịu sự hà khắc của nhà tù thực dân Pháp, Ngô Huy Tăng đã hy sinh ngày 23/9/1933 với tuổi đời còn rất trẻ (khi anh vừa tròn 22 tuổi). Trước khi vĩnh biệt, anh không quên dặn lại những người đồng chí của mình nơi cất giấu tài liệu và mong các đồng chí của mình tiếp tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, giai cấp để giải phóng dân tộc.
Với những cống hiến to lớn cho cách mạng, hành động anh hùng quả cảm, sự hy sinh anh dũng kiên cường của Người cộng sản trẻ tuổi, Ngô Huy Tăng mãi mãi là một tấm gương, biểu tượng anh hùng cách mạng, người Đảng viên đầu tiên của Nhà sàng Cửa Ông. Cầu trục Pooc tích số 1 cảng Cửa Ông nơi anh cắm lá cờ đỏ búa liềm năm xưa đã được Bộ VH – TT xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa ngày 7/11/1997. Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Ngô Huy Tăng.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nguoi-dang-vien-cong-san-dau-tien-cua-vung-mo-201711131517346013.htm” button=”Theo vinacomin”]