Chúng tôi vào thăm một gia đình người quen ở Mông Dương. Nhà anh có 2 thế hệ đã và đang làm ở các công ty Than Mông Dương, Khe Chàm. Khi tôi hỏi về tình hình đời sống việc làm của các thành viên trong gia đình, anh đủng đỉnh:
Cùng lúc, vợ anh đi chợ về. Nhìn vào làn đựng thực phẩm chị vừa mua lèo tèo mấy lạng thịt, mớ cá, mấy mớ rau, tôi bèn hỏi:
– Sao mua hà tiện thế, chị ơi?
– Ôi dào. Thời buổi này ăn cốt đủ kalo là được.
– Tôi nghe nói công việc, thu nhập của thợ mỏ ở đây vẫn ổn đấy thôi.
– Nhưng mà giá cả đắt đỏ kinh người, chú ạ.
Nói đoạn, chị nâng túi thực phẩm lên, “bắn” một tràng:
– Chừng này cũng mất gần hai trăm nghìn chứ ít à. Khiếp quá. Từ khi giá điện, giá nước, giá xăng dầu tăng, giá thực phẩm cũng ăn theo. Thịt lợn tháng trước bảy, tám chục, nay lên gần một trăm; mớ rau tháng trước ba nghìn nay lên năm nghìn; mực tươi trăm bảy nay lên hai trăm; tôm sắt trước bốn mươi, nay vọt lên năm mươi; cá ngạnh trước năm mươi nay bảy mươi. Khiếp quá. Giá cả thì leo thang, than tro thì ế đọng. Trong khi các cháu lại sắp bước vào năm học mới; mùa cưới cũng sắp đến. Biết bao nhiêu là việc cần phải chi tiêu trang trải…. Chú bảo, tình hình này không căn cơ sao được!
Tại chợ cá Bến Do, lúc mờ sáng, tôi gặp người quen làm ở Công ty than Dương Huy. Anh giải thích, tranh thủ buổi sáng, lai bà xã ra mua cá. Cá ở đây vừa tươi vừa rẻ. Loại cá thập cẩm ở đây chỉ có một trăm, trong chợ họ “chém” trăm hai. Loại cá này nếu chịu khó làm chả, ăn “vào” lắm.Thời buổi khó khăn đắt đỏ này, đành phải chịu khó thôi. Chỉ tay về phía mấy người đàn ông lố nhố bên vệ đường, anh bảo, toàn quân ta cả đấy. Trước, sáng ra làm mấy séc cầu lông, nay làm xe ôm cho vợ, vẫn kịp giờ làm ở Công ty.
…Có lẽ sự căn cơ của 2 người quen của chúng tôi cũng là sự căn cơ của đa số thợ mỏ Than – Khoáng sản Việt Nam trong lúc cam go này. Những ngày trung tuần tháng Tám, nhóm phóng viên Tạp chí đã tới các vùng than Đông Triều, Uông Bí, Hòn Gai, Cẩm Phả (Quảng Ninh); vùng than – điện Na Dương (Lạng Sơn); khu vực khai thác, chế biến kim loại màu Thái Nguyên, Lào Cai. Một trong những điều nổi bật mà phóng viên ghi nhận được, đó là đa số thợ mỏ đã thấu hiểu được thực trạng và nguyên nhân dẫn đến khó khăn của doanh nghiệp, của đất nước; thậm chí nhiều người còn dự báo cả thời điểm vượt qua khó khăn. Từ đó, họ cảm thông chia sẻ với doanh nghiệp và chủ động đối phó với khó khăn, chứ không hề bi quan nao núng. Trong các gia đình thợ mỏ cũng như các doanh nghiệp đều tính toán chi tiêu khoa học, hợp lí và tiết kiệm. Việc đầu tư mua sắm tiện nghi phải hoãn lại; những nhu cầu “xa xỉ” như nhà hàng đặc sản, vũ trường, karaoke…bỏ qua. Tất cả đều ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
Nói như vậy không có nghĩa đời sống thợ mỏ hiện đang sa sút trầm trọng. Vào nhà ăn ca các đơn vị, chúng tôi thấy chế độ và chất lượng phục vụ không hề suy giảm. Bữa ăn của các gia đình dù đạm bạc vẫn đủ dinh dưỡng và đầm ấm.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nguoi-can-co-2623.htm” button=”Theo vinacomin”]