Nhiều năm qua, Viện KHCN Mỏ đã phối hợp với các đơn vị trong Tập đoàn nghiên cứu ứng dụng KHCN vào sản xuất, mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế, xã hội và các lợi ích khác. Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Viện KHCN Mỏ, Tạp chí Vinacomin lược ghi ý kiến của một số giám đốc công ty mỏ hầm lò về hiệu quả ứng dụng KHCN mỏ thuộc lĩnh vực khai thác, đào lò, chế biến than.
Hợp đồng liên doanh, liên kết chuyển giao công nghệ giữa Than Nam Mẫu với Viện KHCN Mỏ bằng hình thức góp vốn đầu tư, phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp được thực hiện từ năm 2002 với dự án đầu tiên là áp dụng giá khung thủy lực di động tại lò chợ vỉa 7, khu Than Thùng. Ðây là một hình thức chuyển giao công nghệ mới mẻ, được thực hiện xuyên suốt quá trình phát triển của Công ty. Ðến năm 2005, hầu hết các lò chợ của Công ty đã được chống giữ bằng cột thủy lực đơn, giá thủy lực di động, thay thế hoàn toàn vì chống gỗ, sản lượng than tăng gấp gần 5 lần so với năm 2000, đạt trên 1,25 triệu tấn và đến năm 2011 đạt trên 2 triệu tấn.
Năm 2007, Công ty than Nam Mẫu là một trong hai đơn vị đầu tiên (cùng với Công ty than Thống Nhất) phối hợp với Viện triển khai áp dụng giá khung thủy lực di động ZH1600/16/24Z vào chống giữ lò chợ theo hình thức tổng thầu EPC. Kết quả áp dụng cho thấy, giá khung di động có các ưu điểm vượt trội về khả năng chịu tải, đảm bảo an toàn, có khả năng di chuyển nhanh nhờ hệ thống điều khiển tập trung, công tác vận chuyển, lắp đặt, tháo dỡ thuận tiện, đơn giản và nhanh gọn. Sản lượng khai thác đạt 14.000 – 19.000 tấn/tháng, tăng 150% 180% so với giá thủy lực di động trong cùng điều kiện. Cho đến nay, Công ty đã có trên 10 lò chợ sử dụng giá khung thủy lực di động, chiếm gần 50% tổng sản lượng than của toàn Công ty.
Năm 2009, Công ty than Nam Mẫu đầu tư một lò chợ cơ giới hóa khai thác than và đã ký kết hợp đồng hợp tác chuyển giao công nghệ với Viện KHCN Mỏ tại Chợ Công nghệ và Thiết bị Techmart Vietnam Asean+3 tháng 9/2009. Công trình này cũng được thực hiện theo hình thức góp vốn đầu tư giữa hai bên. Tỷ lệ góp vốn là: Nam Mẫu 70%, Viện KHCN Mỏ 30%. Giá trị hợp đồng là 240 tỷ đồng. Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ đã được đưa vào hoạt động từ tháng 8 năm 2010, cho năng suất tăng cao, gấp 1,5 – 1,8 lần so với lò chợ giá thủy lực di động và giá khung di động.
Nói về việc ứng dụng giải pháp khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh ở Than Hòn Gai với sự đóng góp của Viện KHCN Mỏ thì nhiều lĩnh vực, hiệu quả rất lớn; góp phần nâng cao sản lượng than của Than Hòn Gai. Năm 2011, Công ty đạt sản lượng 3,1 triệu tấn than nguyên khai và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới.
Ở đây tôi chỉ điểm qua hai lĩnh vực, tuy giá trị đầu tư không lớn nhưng rất quan trọng: Thứ nhất, đó là việc giải quyết vấn đề an toàn về khí, nước ngầm, áp lực mỏ v.v… Với độ ngũ cán bộ khoa học đông đảo và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm soát khí mỏ, Viện KHCN Mỏ đã cùng với Công ty triển khai lắp đặt hệ thống cảnh báo khí mêtan cho các mỏ hầm lò. Đến nay, các hệ thống đã và đang hoạt động tốt. Trong những năm qua, một số khu vực mỏ Thành Công, Cao Thắng, nước ngầm đã ảnh hưởng đáng kể đến quá trình sản xuất. Từ năm 2009 – 2011, các cán bộ địa chất của Viện cùng với cán bộ kỹ thuật Công ty đã nghiên cứu, tìm nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phòng chống nước chảy vào các mỏ trên. Các kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng và góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của nước ngầm đến quá trình khai thác ở các mỏ.
Thứ hai là trong công tác đào lò, các cán bộ khoa học của Viện đã chủ động đề xuất với Công ty triển khai ứng dụng công nghệ nổ mìn vi sai phi điện, nhằm tăng năng suất, cải thiện điều kiện lao động và giảm chi phí sản xuất. Từ cơ sở lý luận khoa học, các cán bộ của Viện đã ngày đêm say mê cùng với cán bộ kỹ thuật ở các mỏ triển khai ứng dụng vào thực tế tại các công trường. Kết quả ứng dụng công nghệ nổ mìn vi sai phi điện đã thành công và cho phép tăng tốc độ đào lò, rút ngắn thời gian xây dựng. Công nghệ này đang được các nhà khoa học triển khai ứng dụng rộng rãi tại các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh và đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công nghệ đào lò của ngành Than – Khoáng sản nước ta.
Thực hiện Quy hoạch phát triển ngành Than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, Công ty than Núi Béo ngoài việc phát triển khai thác lộ thiên còn phải triển khai thực hiện đầu tư xây dựng mỏ hầm lò mới với công suất 2 triệu tấn/năm và khai thác dưới gầm moong lộ thiên của vỉa 14, cánh Đông. Đây thực sự là bài toán khó, bởi ngành Than- Khoáng sản Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Từ năm 2009, Công ty than Núi Béo đã phối hợp với Viện KHCN Mỏ triển khai lập Dự án đầu tư xây dựng mỏ hầm lò. Kết quả của dự án đã được Tập đoàn phê duyệt và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác. Ngày14/10/ 2011, Công ty đã ký hợp đồng tư vấn thiết kế, lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lập tổng dự toán với Viện KHCN Mỏ. Công tác xây dựng mỏ do Công ty Xây dựng Hầm lò 1 – Vinacomin đảm nhiệm. Đúng vào dịp kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/2012), Công ty đã tổ chức khởi công xây dựng cặp giếng đứng. Đến nay, các giải pháp kỹ thuật công nghệ do các đơn vị tư vấn lựa chọn đang được áp dụng trong công tác thi công phù hợp với điều kiện của mỏ. Phấn đấu, Dự án sẽ tham gia sản lượng vào năm 2015.
Tôi khẳng định rằng, mọi thành công của Công ty than Quang Hanh đều có sự góp sức của Viện KHCN Mỏ. Đó là sự góp sức để đưa công nghệ mới vào khai thác, đào lò, vận tải, chế biến than … Đến nay, giá khung thuỷ lực di động và giá thủy lực loại không chỉnh thế đã được áp dụng ở tất cả những khu vực có điều kiện cho phép của Công ty than Quang Hanh với công suất lò chợ khoảng 100.000 tấn/năm, năng suất lao động đạt từ 3,0 – 3,5 tấn/công. Trong đào lò, chúng tôi đã cùng Viện phối hợp áp dụng công nghệ chống giữ các đường lò dọc vỉa đá, dọc vỉa than bằng vì neo chất dẻo cốt thép; nghiên cứu áp dụng thử nghiệm kíp nổ vi sai phi điện… Kết quả của các công trình hợp tác này đã nâng cao hiệu quả nổ mìn phá đá, nâng cao tốc độ đào lò đá tại các gương lò từ 48m/tháng gần 60m/tháng.
Nhiều công trình hợp tác giữa Công ty và Viện, thuộc các lĩnh vực vận tải, sàng tuyển v.v cũng mang hiệu quả rất cao. Điển hình là dự án đầu tư xây dựng tuyến băng tải từ mặt bằng sân công nghiệp +27 về xưởng sàng +21; dự án lắp đặt tuyến băng tải vận chuyển than từ mặt bằng sân công nghiệp mức +20 khu Nam về khu vực xưởng sàng trung tâm tại mặt bằng +21. Các hệ thống băng tải này được đưa vào sử dụng cho phép liên tục hoá quá trình vận tải toàn bộ than từ trong hầm lò về nhà sàng, không phải dùng ôtô, máy xúc như trước, chấm dứt hiện tượng thiếu phương tiện và ùn tắc giao thông, giảm hao hụt than trong quá trình vận chuyển, góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường sinh thái.
Hiện tại, chúng tôi đang triển khai thực hiện nhiều công trình hợp tác với Viện như áp dụng thử nghiệm công nghệ khai thác sử dụng dải lưu than để điều khiển đá vách đối với vỉa than mỏng, dốc nghiêng đến dốc đứng tại các khu vực có điều kiện địa chất mỏ cho phép; áp dụng các giải pháp công nghệ khai thác không để lại trụ bảo vệ để tận thu than… Sang năm 2013, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện dự án cơ giới hóa khai thác các vỉa mỏng, độ dốc đến 35o.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nghien-cuu-ung-dung-khcn-vao-san-xuat-cac-chu-mo-noi-gi-3087.htm” button=”Theo vinacomin”]