Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là hai Tập đoàn kinh tế quan trọng hàng đầu của đất nước, được Chính phủ giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Thời còn Bộ Điện – Than, sự phối hợp giữa hai ngành sản xuất năng lượng này khá tốt, nhìn chung “cả nhà cùng vui”. Thế nhưng, những năm gần đây có nhiều dấu hiệu chệch choạc, thậm chí xuất hiện những nghịch lý.
Gần đây, Vinacomin đã nhiều lần đề nghị EVN tăng mua điện và tăng giá mua điện của Vinacomin, nhưng EVN vẫn chưa đả động gì đến chuyện đó. Không những thế, EVN còn tiếp tục tiết giảm mua điện của Vinacomin. Cụ thể, trong tháng 6/2011, EVN mua của Vinacomin 658 triệu KWh điện, nhưng tháng 7 chỉ còn 400 triệu KWh, và khả năng tiếp tục giảm trong tháng 8. Cộng với EVN đang nợ Vinacomin gần 2.000 tỷ đồng khiến cho việc duy trì hoạt động của Tổng công ty Điện – Vinacomin trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Theo Tổng công ty Điện – Vinacomin, đã bắt đầu có nhà máy nhiệt điện phải ngừng hoạt động một số lò đốt. Điều này đã gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, bởi với nhiệt điện than, các lò đốt cần hoạt động ổn định trong thời gian dài, việc phải ngừng một vài lò đốt sẽ ảnh hưởng xấu đến thiết bị máy móc và khi khởi động lại sẽ rất tốn kém. Biết là thiệt hại, tốn kém nhưng các doanh nghiệp này chẳng biết làm cách nào, bởi EVN chính là khách hàng duy nhất, không bán cho EVN thì điện sản xuất ra không bán được cho ai.
Phía EVN cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến thừa điện và phải tiết giảm mua điện của Vinacomin (và cả của Tập đoàn Dầu khí quốc gia) là do tăng trưởng kinh tế thấp nên nhu cầu về điện tăng không đúng dự kiến. Tăng trưởng tiêu dùng điện 7 tháng đầu năm 2011 chỉ ở mức 9,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi các năm trước đó luôn ở mức trên 15%. Bên cạnh đó, năm nay lượng nước đổ về các hồ tăng đột biến nên EVN có nguồn khá dồi dào từ thuỷ điện. Vì thế, họ không cần phải nhập điện từ các nhà máy nhiệt điện mà vẫn đủ khả năng cung ứng điện trong toàn quốc. Vậy là một loạt nhà máy nhiệt điện được EVN liệt vào danh sách “phải” bảo dưỡng dù chưa có kế hoạch từ trước và chưa đến lúc cần thiết.
Trong lúc cần có sự chia sẻ, cùng đối tác chiến lược tìm cách tháo gỡ khó khăn thì EVN đã tự đặt mình ở thế “cửa trên”, không chấp nhận chịu thiệt một chút nào. Nếu đẩy hết khó khăn cho đối tác như vậy sẽ có những tác động rất xấu tới các dự án đầu tư nguồn điện. Và đến khi nhu cầu sử dụng điện trong nước tăng cao, lúc đó không hiểu EVN sẽ trông cậy vào những đối tác nào để huy động nguồn điện. Việc thiếu hụt điện khá lớn trong năm 2010 là một minh chứng rõ ràng nhất.
Giá than cho điện quá thấp!
Hiện Vinacomin còn chịu một thiệt thòi nữa là giá bán than cho ngành Điện quá thấp. Giá than cám năm 2011 được các Bộ thẩm định là 940.000 đồng/ tấn, song hiện giá bán cho EVN chỉ là 580.000 đồng/tấn, trong khi cũng loại than này đang được Vinacomin xuất khẩu với giá 108 USD, tức khoảng 2,2 triệu đồng/tấn.
Ở các nước, than cung cấp cho điện là loại than xấu, là cám 10 hoặc cám 8, trong khi các nhà máy điện ở Việt Nam vẫn “xài” cám 4, cám 5. Cơ chế giá bao cấp duy trì khá lâu khiến ngành Điện khá ỳ ạch trong việc đầu tư đổi mới công nghệ để tiết kiệm than – nguồn tài nguyên không thể tái tạo.
Đầu năm nay, 4 loại than được Vinacomin tăng giá bán, cụ thể là giá bán than cám 4b (chưa bao gồm VAT) cho sản xuất điện của EVN giao tại các kho, bến, cảng của Vinacomin là 648.000 đồng/ tấn, tăng 47%, than cám 5 là 520.000 đồng/tấn, tăng 28%. Các loại than trước đây chưa có nhu cầu sử dụng như than cám 6a nay có giá là 450.000 đồng/tấn và than cám 6b là 395.000 đồng/tấn. Mặc dù giá than cung cấp cho sản xuất điện tăng như vậy nhưng giá đó mới chỉ bằng 50-60% so với giá thành năm 2009 và bằng 70% so với giá thành năm 2010.
Trong khi giá thành sản xuất than tăng cao hơn, giá bán lại thấp hơn giá thành đã thực sự gây khó khăn cho Vinacomin trong việc cân đối tài chính, cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập cho Thợ mỏ- một ngành được xếp hạng lao động nặng nhọc, nguy hiểm trong các ngành kinh tế. Hơn nữa, Vinacomin cần lượng vốn rất lớn để tái đầu tư phát triển, chuẩn bị nguồn than đáp ứng nhu cầu tăng đột biến của ngành điện và các ngành khác trong thời gian tới.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nghich-ly-than-dien-dien-than-347.htm” button=”Theo vinacomin”]