Câu chuyện về chàng trai thợ mỏ Than Hòn Gai luôn ám ảnh tôi. Sau mấy tiếng đồng hồ vật lộn với “tử thần” trong đường lò do sự cố bục nước, tự cứu mình và cứu đồng đội mới đây, ra lò câu đầu tiên anh bảo các đồng nghiệp là: Cho xin chén rượu! Điều đó luôn cho chúng tôi hiểu rằng, thợ mỏ, trong mọi điều kiện dù khó khăn đến mấy cũng luôn mang một bản lĩnh vững vàng và ý chí sắt đá. Truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của gần một thế kỷ qua vẫn còn nguyên giá trị.
“Trở về từ lòng đất” tác phẩm đạt nhiều giải thưởng của nghệ sỹ nhiếp ảnh Mạnh Hùng
Là phóng viên trong Ngành, tôi cũng đã chứng kiến nhiều vụ cứu hộ khi những mỏ xảy ra sự cố. Chính khi đó, tôi luôn thấy thợ mỏ, từ lãnh đạo cho đến công nhân đều luôn bình tĩnh, giải quyết những vấn đề gai góc. Điển hình nhất có thể kể đến là việc Tập đoàn và các các đơn vị triển khai ứng cứu và khắc phục đợt mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh hồi cuối tháng bảy, đầu tháng tám vừa qua. Mưa lũ và những thiệt hại của nó đã nói đến nhiều. Nhưng người ta có thể sẽ khó tin nổi, chỉ sau chưa đầy nửa tháng, Vùng mỏ đã trở lại nhịp điệu sản xuất bình thường. Và sau chưa đầy hai tháng, cả đến những nơi gặp phải khó khăn nặng nề nhất như mỏ than Mông Dương, người ta cũng khó có thể tìm ra những dấu vết của một trận đại hồng thủy. Mọi vị trí dòng than tiếp tục chảy, tiếng choòng, tiếng máy lại râm ran. Nụi cười trở lại Mông Dương sau khi thợ mỏ nơi đây đã bơm lên gần 6 triệu mét khối nước dưới lò, tháo khô mỏ, sửa chữa thiết bị hỏng hóc và tiếp tục sản xuất than. Một con số mà nhiều người khó có thể tin nổi, nhưng đó là sự thật. Lần này thợ mỏ Mông Dương bình tĩnh hơn trong xử lý tình huống, bởi trên thực tế, năm 1987, mỏ Mông Dương cũng đã từng bị ngập. Khi đó, nhiều người còn tỏ ra lo lắng. Có ý kiến còn đề nghị đóng cửa mỏ vì khó có thể khôi phục. Nhưng thợ mỏ Mông Dương đã không chùn bước. Và cũng chỉ sau đó không dài, tiếng máy lại reo vang, từng đoàn tàu vào ăn than tấp nập.
Trong suốt quá trình cứu hộ các mỏ trong đợt mưa lũ vừa qua, cánh phóng viên chúng tôi được tiếp xúc với nhiều thợ mỏ của các đơn vị. Và cảm nhận nhiều nhất trong hoạn nạn chúng tôi thấy được là thợ mỏ đầy quyết tâm, sáng tạo, gắng sức để cứu mỏ, không mảy may quan tâm đến việc bồi dưỡng, chế độ làm thêm giờ… Họ cứu mỏ với tinh thần cao nhất. Nhiều người quên cả ăn, quên cả nhà mình nước cũng đang dâng lên và có thể ngập bất cứ lúc nào trong mưa lũ…
Còn nhớ, những năm 1998-1999, cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á đã tác động xấu đến thị trường than Việt Nam. Nhu cầu sử dụng than trong nước và các bạn hàng nước ngoài giảm sút. Khi đó, ngành Than tồn kho lớn, thu nhập của người lao động giảm sút. Trước tình thế đó, ngành Than đã bình tĩnh, đoàn kết, chia sẻ việc làm cùng nhau vượt qua khó khăn. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, cũng chỉ sau đó vài năm, ngành Than đã trở về thế ổn định sản xuất. Đời sống của người lao động dần được nâng lên. Sản lượng than thương phẩm lần đầu tiên đã đạt trên 30 triệu tấn, vượt 7 triệu tấn so với quy hoạch đề ra cho năm 2010, tăng gấp 2 lần so với chỉ tiêu than do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đề ra cho năm 2005. Cũng trong giai đoạn này, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của toàn Ngành tăng 12%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu 40%. Than Việt Nam đã hình thành rõ nét cơ cấu kinh doanh mới trên nền công nghiệp than bao gồm than – các nhà máy điện – chế tạo máy – vật liệu nổ công nghiệp – vật liệu xây dựng – thương mại dịch vụ v.v. Đây thực sự là một bước tiến ngoạn mục trong khó khăn.
Như một chu kỳ, mười năm sau, năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lan rộng. Ngành Than lại rơi vào khủng hoảng thừa không chỉ sản lượng than, mà còn nhiều loại khoáng sản cũng không thể tiêu thụ được. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến giá kim loại màu trên thế giới bị rớt thảm hại. Hầu hết các sản phẩm của Tổng Công ty Khoáng sản bị giảm tới 50% so với trước, thậm chí có sản phẩm giá bán còn thấp hơn giá thành. Do vậy, đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Tổng Công ty Khoáng sản. Trước tác động xấu của cuộc khủng hoảng đó, Tập đoàn đã đề ra nhiều biện pháp tích cực để đối phó. Tập đoàn chủ trương tăng cường hợp tác, củng cố các bạn hàng để đẩy mạnh tiêu thụ… Và cũng chỉ sau đó vài năm, năm 2011 là năm thợ mỏ đạt đỉnh cao về cả sản lượng khai thác lẫn doanh thu và lợi nhuận. Trong năm 2011, toàn Tập đoàn đã sản xuất 47,8 triệu tấn than nguyên khai; 4,6 tỷ kWh điện; 55 ngàn tấn vật liệu nổ công nghiệp và nhiều sản phẩm cơ khí, khoáng sản có giá trị cao; đào 71 ngàn mét lò xây dựng cơ bản mới; tiêu thụ 44,5 triệu tấn than sạch. Tổng doanh thu trong năm đạt 92 ngàn tỷ đồng; lợi nhuận 7.500 tỷ đồng… Bước tiến đó, một lần nữa như khẳng định, Thợ mỏ luôn biến thách thức thành cơ hội cho mình.
Trong giai đoạn hiện nay, Thợ mỏ cũng đang có nhiều nguy cơ và thách thức tác động đến sự phát triển bền vững của Tập đoàn như nhận định của Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải. Đó là: Năng suất lao động thấp so với một số nước trong khu vực có cùng ngành nghề, có điều kiện địa chất, kỹ thuật mỏ tương tự tác động đến sức cạnh tranh của các sản phẩm đang là nguy cơ trực tiếp có thể dẫn đến sự “thất bại thị trường” của Tập đoàn; sự tác động của biến đổi khí hậu cực đoan dẫn đến các nguy cơ rủi ro cao trong sản xuất… gây ra thiệt hại nghiêm trọng như tác động của thiên tai mưa lũ lớn trong thời gian đầu tháng 8 vừa qua; sự tác động nhiều hơn của những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường hàng hóa trong nước và quốc tế tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh doanh bền vững của Tập đoàn; môi trường lao động nghề mỏ nặng nhọc độc hại dẫn đến sự cạnh tranh về lao động ngày càng lớn; sự thiếu hoàn thiện của hệ thống pháp lý, thiếu đồng bộ giữa quy hoạch phát triển năng lượng của Nhà nước và các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương, các chính sách quản lý của Nhà nước đối với ngành Than hay thay đổi, biến động, đặc biệt là các chính sách liên quan đến thuế, phí ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của Tập đoàn v.v. Tất cả như đang một lần nữa thách thức Thợ mỏ.
Với truyền thống vượt khó của ngót 80 năm qua, tin rằng, Thợ mỏ sẽ tiếp tục phát huy tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, tổ chức sản xuất phù hợp, tiết kiệm chi phí tối đa, tái cơ cấu mạnh mẽ các đơn vị và ngành nghề… để vượt qua thách thức, duy trì sự vững mạnh của Ngành cũng như ổn định đời sống cho người lao động. Tinh thần 12-11 vẫn đang hiện hữu với mỗi thợ mỏ và chúng ta nhất định thành công.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nghi-ve-1211-20151211141501432.htm” button=”Theo vinacomin”]