“Giếng đứng lò sâu, lò sâu giếng đứng, đó là Mỏ than Mông Dương. Từ lò sâu đi đến tầng than, đường lò dài như chiều dài đất nước…”. Tác giả của những câu hát dung dị và đầy tự hào ấy là nghệ sĩ quần chúng trên vùng mỏ Nguyễn Huy Sơn. Anh sinh năm 1973 ở Hải Dương. Đến năm 1997, anh theo học tại trường nghề Hữu nghị Việt Xô cơ sở Uông Bí, chuyên ngành Khai thác Mỏ. Ba năm sau, anh vào làm công nhân chính thức của Mỏ than Mông Dương, làm việc ở Công trường KT3. Nhận thấy anh luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động văn nghệ của đơn vị, năm 2001, Công ty tạo điều kiện cho anh đi học một khóa Nhạc lý cơ bản ở Cửa Ông. Sẵn có năng khiếu âm nhạc cộng với vốn kiến thức được học, anh Sơn dành nhiều thời gian sau ca kíp của mình cho những thanh âm và nhạc phổ.
Như một cơ duyên đúng thời điểm, năm 2005, Ban Thi đua của Công ty phát động phong trào sáng tác ca khúc về thợ mỏ Mông Dương, khuyến khích mọi đối tượng công nhân tham gia với giải thưởng chung cuộc tương đối lớn. Chính từ xúc tác này, anh Sơn đã quan sát, cảm nhận và viết nên ca khúc về những người thợ mỏ trên khai trường Mông Dương. Chất liệu của ca khúc được anh xây dựng trong 4 đêm đi làm ca ba, những đường lò tổ máy, những gương than lấp lánh trong ánh đèn lò chính là nguồn cảm hứng chân thực nhất cho “Âm vang giếng đứng”. Anh Sơn là người thợ mỏ sáng tác nghệ thuật và nói lên tiếng nói của giai cấp mình. Sau khi hoàn thiện phần lời, giai đoạn sáng tác giai điệu gặp khá nhiều khó khăn đối với một người làm nhạc không chuyên như anh Sơn. Nhưng bằng niềm đam mê và tình yêu với đất mỏ Mông Dương, anh Sơn đã hoàn thiện ca khúc với sự chỉn chu và tâm đắc nhất.
Không dừng lại ở đó, ca khúc còn chứa đựng sự biết ơn mà anh Sơn trân trọng gửi gắm. Điệp khúc vang lên rằng: “Hỡi các bạn ơi hãy đến với chúng tôi. Con người mới với niềm tin quyết thắng, làm Mông Dương thay đổi từng ngày…”. Anh Sơn chia sẻ: “Đây xem như là đoạn tôi tâm đắc nhất. Con người mới mà tôi muốn nói đến chính là đồng chí Giám đốc Doãn Văn Quang, người làm lãnh đạo ở mỏ Mông Dương những năm 2002, 2007. Tôi viết nên ca từ này như một sự cảm mến và biết ơn đồng chí, người đã dành nhiều tâm sức cho mỏ than Mông Dương”. Ca khúc “Âm vang giếng đứng” đã thực sự đi vào đời sống và sinh hoạt văn nghệ của thợ mỏ Mông Dương. Một dịp may mắn vào năm 2009, ca khúc được trình diễn ở Hội diễn văn nghệ cấp Tập đoàn. Đó là niềm vinh dự lớn lao không chỉ với riêng anh Sơn mà còn là niềm vui chung của thợ mỏ Mông Dương.
Sau “Âm vang giếng đứng”, anh Sơn cũng đã sáng tác thêm một số tác phẩm âm nhạc, thơ trữ tình và kịch bản sân khấu ca ngợi vẻ đẹp và con người vùng mỏ. Trong đó nổi bật là ca khúc “Đến với An toàn” đang được anh trình bày vào buổi lễ mít tinh trong tháng 3 vừa qua, tháng cao điểm về thi đua giữ an toàn lao động của Công ty. Ca khúc được anh Sơn tạo nên bằng những ca từ chân thực như lời kêu gọi, động viên anh em thợ lò dù tăng gia sản xuất nhưng không quên nhiệm vụ an toàn và bảo hộ lao động:
“Nghề ngành Than, làm an toàn dành cho sản xuất
Giữ an toàn là hạnh phúc hỡi các bạn ơi
Triệt tiêu rủi ro là bước làm công ty ta đó
Phát triển lâu dài là điều đó mọi người đáng ghi.”
Câu chuyện về thợ mỏ Nguyễn Huy Sơn trên vùng than Mông Dương tuy bình dị nhưng khiến người nghe cảm nhận được chất thơ, chất nhạc phảng phất trong một tâm hồn nghệ sĩ khoác áo xanh lấm lem than bụi. Dù trong tương lai, khu mỏ Mông Dương có chuyển mình ra sao đi nữa thì những ký ức đẹp đẽ trong các ca khúc của anh vẫn sẽ ghi dấu mãi, góp thêm vào lịch sử kiên cường của mảnh đất này những tư liệu đáng quý.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nghe-sy-doi-mu-lo-201704261449279613.htm” button=”Theo vinacomin”]