Nghề nào cũng có nỗi vất vả riêng. Nhân ngày 21/6, xin “kể khổ” cùng bạn đọc một vài chi tiết trong hành trình tác nghiệp cũng không dễ dàng để được bạn đọc hiểu thêm về nghề và cảm thông với cánh phóng viên.
Trước hết phải khẳng định là Nghề báo rất vất vả về cái tâm. Nếu như là thợ lò, hết ca về đến nhà, đầu nhẹ như “lông hồng”, không phải, suy nghĩ gì nhiều, mặc dù có phải đúc rút ra kinh nghiệm gì đó trong ca làm việc thì cũng chỉ là tổng hợp lại một cách tự do thoải mái, không nay thì mai sẽ hiểu. Nhưng làm báo thì không. Xuống cơ sở tác nghiệp tìm được đề tài đã khó, về nhà triển khai bài viết lại càng khó hơn. Nhiều khi có 24 chữ cái thôi nhưng nó nhảy múa, lộn xộn, chẳng đâu vào đâu, viết mà không thành bài, bỏ đi, mai viết vẫn chưa thành… Nếu có thuận viết thành bài rồi, thì lại nghĩ làm thế nào cho hay hơn, tít thế có ổn không v.v. Thành ra, khi nào đầu óc cũng vẩn vơ. Nhiều khi vợ con hỏi, giật cả mình, không biết hỏi gì. Bạn đọc thông cảm, có nhiều khi ngồi trong xe, quán nước chè, quán ăn, thậm chí là WC khi nhìn thấy quyển báo hay dòng chữ nào cũng ngó xem thế nào, có học “đồng nghiệp” được gì không! Bài báo đăng rồi nhiều khi nghe phản hồi cũng là việc khá “nhức đầu”. Không chỉ có vậy, ngày nay trong thời đại bùng nổ thông tin, những người làm báo đang chịu sức ép dữ dội từ các công cụ truyền thông, nhất là thông tin trên các mạng xã hội. Đó là sức ép về tốc độ và tính cập nhật của thông tin… Mọi cái mới nhất đều có thể nhanh chóng trở thành cái cũ, đòi hỏi phóng viên phải có cái nhìn khách quan, tổng thể mang tính bao quát, nếu không bài viết ra đã là lạc hậu, hoặc có thể sẽ gặp sự cố, tai nạn nghề nghiệp… Đó là vất vả về cái tâm.
Vất vả thứ hai là những sự cố trong quá trình tác nghiệp. Bạn hình dung trong Thợ mỏ gặp sự cố như hỏng máy, tụt lò, mất điện… thế nào thì nghề báo cũng gặp sự cố không kém nguy hiểm như thế. Một lần anh Nguyễn Hùng, nguyên Tổng biên tập Tạp chí xuống làm việc tại Công ty CP than Mông Dương, khi đó Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm mỏ. Chẳng biết “súng ống” của anh thế nào mà khi Chủ tịch nước đến lại “lăn ra” hỏng không chụp được. Anh gọi điện cầu cứu nhưng không thể kịp vì Chủ tịch nước chỉ đến thăm mỏ rất nhanh. Cũng may, anh được sự giúp đỡ của mấy nhà báo lớn bên Thông tấn xã vì đây là sự kiện lớn nên có nhiều nhà báo tác nghiệp, chứ không sẽ hoàn toàn không có tư liệu ảnh. Còn những chuyện sự cố thường xảy ra như cơm bữa có thể là, khi tác nghiệp mà trong máy không có thẻ; đến giờ tác nghiệp máy hết pin vì trước đó chụp chơi, chụp dạo quá nhiều… Nhiều khi, có ai đó thấy máy ảnh đẹp, ngó xem, thò tay vặn nút gì đó, đến khi tác nghiệp máy tối om, ảnh tuyền một màu đen, thậm chí trắng xóa cũng là chuyện thường. Sự kiện thì qua rồi vì diễn ra quá nhanh, thế là ra về tay không. Nhiều khi đi tác nghiệp, ghi ghi chép chép trên công trường, bao nhiêu tư liệu quý. Khi về đến nhà thì không thấy sổ ghi chép đâu do để quên trên công trường, nhà máy. Có nhiều số liệu, tên tuổi, nhất là những thông số kỹ thuật không tài nào nhớ nổi. Lại nhiều khi đi tác nghiệp những sự kiện lớn bị đổi lộ trình mà không được thông báo kịp thời cũng là sự cố nghề nghiệp về tay không. Đặc biệt, có những sự kiện diễn ra đòi hỏi phải đến ngay mà lại ở dài ngày không được chuẩn bị về tư trang cá nhân cũng là những sự cố dở khóc dở cười. Chẳng hạn như thực tế đã có quá trình tác nghiệp ở các vụ sự cố bục nước mỏ, mưa bão… phóng viên Tạp chí cần xuống ngay hiện trường. Công tác cứu hộ lại diễn ra dài ngày, phóng viên không chuẩn bị đồ đạc, tư trang cá nhân, mà sự kiện diễn ra liên tục, chỗ ăn chỗ ở tạm bợ, thiếu quần áo thay… người hôi mù, đầu tóc tổ quạ, phát khiếp.
Vất vả thứ ba là chuyện đi trên đường. Làm báo thì đương nhiên phải đi nhiều để đến nhiều nơi. Mà đường xá, giao thông của mình thì bạn đọc quá hiểu, có thể nói là hỗn loạn. Trên tuyến đường 18 thuộc địa phận Quảng Ninh đi Hải Dương, Hà Nội, hay đường 10 đi Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội… thường xuất hiện những cỗ xe mà người ta thường đặt cho nó cái tên là những “quan tài bay”, vì lái xe đã lên xe là phóng như bay, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau, thậm chí là tranh giành khách… Hành khách cứ nhắm mắt lại mà đưa chân vì xe nào cũng vậy, rất ít nếu không muốn nói là không có sự lựa chọn nào khác. “Trăm bó đuốc thế nào cũng được con ếch”, thực tế phóng viên Tạp chí đã một lần bị xe khách đuổi nhau rơi xuống rãnh nước, tạt vào sườn núi. Rất may là bị xước nhẹ. Nhiều lần, dù đi xe cơ quan nhưng vẫn gặp phải những người “ngơ ngẩn”, những “ninda” sang đường bất thình lình, gây ra những cú choạng vạng. Thậm chí có những lần, mặc dù xe đã đỗ gọn bên đường, vẫn bị “hôn” bình thường… Do vậy, nhiều người đều đồng ý cho rằng, ngoài việc cần có các điều kiện về trình độ, năng lực, niềm đam mê… Nghề báo còn cần phải có sức khỏe, một sự khỏe mạnh thực sự và đầy đủ cả về tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ lẫn thể lực.
Đúng là một nghề không chí có hoa hồng và càng không phải được trải thảm đỏ, mà đó là cả một sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí có cả nước mắt của những người làm báo. Những tờ báo lớn, nhiều nhà báo có thể phải đánh đổi bằng cả máu. Thế nên mỗi năm đến ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, những người làm báo, đọc báo, người yêu báo, cùng nhìn lại để cảm nhận rõ hơn về nghề với công việc “phu chữ” đầy nhọc nhằn mà cũng rất đỗi vinh quang và càng trân quý hơn sản phẩm trí tuệ của những người làm báo.
Nhân ngày Báo chí Cách mạng, xin được mượn câu “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để gửi tới các nhà báo nhân dịp kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Lời chúc ấy cũng chính là sự kỳ vọng của bạn đọc về những nhà báo sẽ tiếp tục “xung trận” để đem lại những tác phẩm báo chí – món ăn tinh thần lành mạnh, có chất lượng cho bạn đọc.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nghe-bao-201806201638293656.htm” button=”Theo vinacomin”]