Sau chiến thắng năm 1975, Thắng được xuất ngũ về quê. Cũng như bao người lính khác, trên vai anh là chiếc ba lô căng phồng, ngoài quân trang ra còn có chiếc khung xe đạp bằng i-nốc, con búp bê to tướng được chằng buộc cẩn thận. Trên con đường lộng gió về làng, lòng anh vui phơi phới.
Vậy là anh đã xa nhà chín năm. Chín năm trời biền biệt nơi chân trời góc bể, bom đạn bề bề mà anh không hề sứt mẻ. Chín năm trời đối mặt với hòn tên, mũi đạn mà được nguyên vẹn như anh được mấy người. Anh rảo những bước dài trên con đê, lòng hồi hộp nghĩ tới phút giây đoàn tụ. Chín năm qua anh luôn hướng về nơi quê nhà, nơi mẹ và em gái đang đợi anh từng giờ, từng phút. Anh biết, những năm vừa qua ở quê nhà, mọi người vẫn chia lửa với các anh, biết bao bom đạn của kẻ thù đã dội xuống mảnh đất yên bình ở hậu phương. Lúc này, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã lùi xa bốn năm trời, mặt đất đã trở lại sự bình yên. Dẫu dấu vết vẫn còn loang lổ khắp nơi, song dưới cánh đồng đang vào vụ gặt, những bóng áo trắng thoăn thoắt cắt lúa, những chiếc nón trắng gợi nhớ cho anh những ngày ở quê hương trước lúc lên đường.
Thắng đã về đến đầu làng, anh gặp mấy người gánh lúa về sân kho hợp tác đang cười đùa ríu rít. Chợt một người nhận ra anh, bà kêu toáng lên:
– Thắng, có phải thằng Thắng đấy không?
Thắng xúc động kêu lên:
– Dạ vâng, cháu là Thắng đây!
Năm sáu gánh lúa vội quăng xuống vệ đường, họ chạy ào ra quây lấy Thắng, người nắm tay, kẻ nắm vai, người cười, kẻ khóc. Thắng đứng như trời trồng, anh chỉ cười, chẳng biết trả lời ai. Sau phút giây xúc động, mọi người lặng đi, Thắng linh cảm thấy điều chẳng lành, anh gặng hỏi:
– Cô ơi! Em cháu, mẹ cháu có khỏe không?
Không ai trả lời, người cúi xuống, người nhìn đi chỗ khác, có người lấy vạt áo lau nước mắt. Thắng giật mình hỏi dồn:
– Mẹ cháu đâu? Em cháu đâu?
Tiếng hỏi của Thắng rơi vào sự im lặng nặng nề. Một bà cụ nắm lấy tay Thắng:
– Thôi, con cứ theo già về nhà rồi khắc biết.
Thắng thẫn thờ theo bà cụ về phía nhà mình, mọi người đi theo sau. Lòng Thắng phấp phỏng lo sợ. Nhiều khuôn mặt, già có, trẻ có ló đầu ra khỏi ngõ, thấy anh, họ lại rụt vào ngay. Những cử chỉ không bình thường ấy lại càng làm anh khó đoán chuyện gì đã xảy ra. Anh theo bà cụ bước qua ngõ nhà mình. Vẫn hàng rào râm bụt được xén tỉa cẩn thận, vẫn chiếc cổng tre cũ kỹ, vẫn ngôi nhà ba gian, hai chái mái lợp rạ như ngày nào. Song, trong nhà lại kê những dãy bàn ghế ngay ngắn, một cô giáo đang chăm chú giảng bài, hơn hai chục cháu ở lứa tuổi mẫu giáo đang ngước đôi mắt ngây thơ chăm chú theo dõi từng cử chỉ của cô.
Mọi người bước vào sân, bà cụ hắng giọng đánh tiếng:
– Cô giáo ơi, anh Thắng về đây này.
Nhìn thấy mọi người lao xao bước qua ngõ, cô giáo giật mình đứng ớ ra như trời trồng. Thắng ngạc nhiên, anh gật đầu chào cô giáo và các cháu. Anh ngước nhìn lên bàn thờ và chợt hiểu. Chiếc ba lô tuột khỏi vai, anh từ từ khuỵu xuống, mắt anh hoa lên khi thấy ảnh mẹ và em gái trên bàn thờ nhìn anh độ lượng.
Bà con đến thăm hỏi chật cả nhà. Cô giáo cho các cháu nghỉ học, cô đun ấm nước chè xanh rót ra những cái bát sứ da lươn mời mọi người như chủ nhà.
Thắng quỳ gục trước bàn thờ, anh không chuẩn bị cho mình trước hoàn cảnh này. Mọi người không ai bảo ai, người đun nước, người bắt gà, đồ xôi, làm rau. Lúc sau, một người đàn ông đã bưng lên một mâm cơm cúng tươm tất. Một cụ già giục Thắng rửa chân tay, mặt mũi, thay quần áo để thắp hương. Thắng thẫn thờ làm theo như cái máy. Trước bàn thờ của mẹ, của em, anh nhắm mắt lại. Hình ảnh bà mẹ tần tảo, mò cua, bắt ốc, phơi nắng cả ngày, mót từng hạt thóc để nuôi anh ăn học. Hình ảnh đứa em gái nhõng nhẽo bên anh, bắt anh gấp cho từ chiếc thuyền giấy đến làm con trâu từ cái lá mít lại hiện lên trong anh mồn một. Trên bàn thờ, ảnh mẹ anh, em gái anh, nhìn anh vẫn tươi rói như ngày nào. Nhưng sao lại thế này hở mẹ ơi! Thanh ơi! Trước bom đạn bời bời con không làm sao mà sao ở nhà lại đến nông nỗi này hở mẹ! Hở Thanh!
Thắng cứ gục đầu trước bàn thờ, không ai nỡ làm kinh động phút giây thiêng liêng của anh.
Hiển – Chủ tịch xã đến. Hiển là người cùng nhập ngũ với Thắng một ngày, anh bị một cánh tay để lại chiến trường, nên được phục viên về quê từ năm bảy mốt, là một trong những người chứng kiến cái chết thương tâm của mẹ và em gái Thắng trong trận bom máy bay Mỹ năm ấy. Hai người gặp nhau, mừng mừng, tủi tủi, họ ôm lấy nhau, mặc cho nước mắt lăn dài trên má. Hiển an ủi Thắng:
– Tất cả đều do giặc Mỹ gây ra. Mọi việc đã xảy ra rồi. Thôi hãy cố nén đau thương mà sống ông ạ!
Thắng lặng lẽ gật đầu, anh thắp thêm tuần nhang cho mẹ và em, rồi quay ra cảm tạ bà con.
Mọi người lao xao, một cụ già lên tiếng:
– Anh không phải nghĩ ngợi nhiều, anh ra đi cũng vì dân, vì nước. Cụ ở nhà cũng sống có làng, có nước, có trước, có sau thì khi lâm nạn làng xóm phải có trách nhiệm!
Hiển nói:
– Thắng ạ, cô giáo Tâm là bạn rất thân với cô Thanh nhà mình. Ngày còn sống, bà cụ rất quý Tâm, coi Tâm như con. Khi cụ và Thanh mất đi, cô Tâm đã tình nguyện ở đây chăm sóc nhà cửa, hương khói cho cụ, cho Thanh. Hơn nữa, xã cũng đang thiếu phòng học cho các cháu, xã đã mượn tạm ngôi nhà này để làm lớp mẫu giáo và đồng ý cho cô Tâm dạy luôn ở đây. Thôi, bây giờ cậu về, cậu tự quyết định nhé.
Thắng xúc động cám ơn mọi người:
– Thôi thì mọi việc của mẹ cháu, em cháu đã xong xuôi, các việc khác tính sau. Bây giờ cháu mời các ông, các bà, các bác, mời mọi người ở lại uống chén rượu nhạt, ăn với cháu bữa cơm chia buồn.
Mọi người cáo từ ra về, chỉ còn chủ tịch xã và mấy cụ già do Thắng và Tâm giữ mãi mới được.
Bữa cơm diễn ra trong bùi ngùi, xúc động. Cơm nước xong, mọi người ý tứ ra về. Trong căn nhà chỉ còn Tâm và Thắng. Cả hai lúng túng chẳng biết nói gì với nhau.
Màn đêm đen thẫm trùm lên thôn xóm càng làm cho không khí căn nhà thêm tĩnh mịch, bức bối. Ngồi bóp chân, bóp tay chán, Tâm run run thắp mấy nén nhang đứng vái trước bàn thờ. Những nén nhang cháy đỏ, lập loè ánh lên sự khó xử trên gương mặt cô.
Ở mép bàn bên kia, Thắng ngồi lặng trước ngọn đèn bồn chồn rít thuốc. Những nén nhang đã cháy tới tận chân. Không đừng được, Tâm ra bàn, pha nước, vặn to ngọn đèn, rồi lấy cuộn len ra vụng về đan.
Thắng vẫn ngồi ở mép bàn bên kia. Đống đóm bị anh bẻ vụn cứ đầy dần trước mặt.
Lấy hết can đảm, Tâm kể cho Thắng nghe tại sao cô đến ở đây. Qua chuyện Tâm kể, Thắng biết Tâm quen Thanh ở trường sư phạm mẫu giáo, hai đứa học cùng một lớp, kết bạn với nhau, coi nhau như ruột thịt. Mẹ Thanh nhận Tâm là con, vì Tâm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Từ lúc kết bạn với Thanh, cô đã coi gia đình này như nhà của mình. Trong suốt những năm học ở trường, Tâm đi về, làm lụng như một người con trong gia đình. Học xong Tâm xin luôn về đây dạy học, ở chính ngôi nhà này với mẹ con Thanh. Rồi cái ngày đau thương ấy xảy ra, khi một đàn thần sấm ào tới, mẹ và Thanh đang làm cỏ lúa ở cánh đồng cửa chùa, hai người không chạy kịp thì hai chiếc máy bay vòng lại và rồi cả cánh đồng chìm trong khói bom…
Thắng như người hóa đá. Vậy là suốt những năm ở chiến trường anh không sầy da, sứt vẩy thì ở nhà mọi người lại hứng chịu đau khổ thay anh.
Hai người cứ ngồi như vậy đến tàn đêm. Trên bàn thờ khói nhang vẫn lập loè cháy đỏ.
Sáng hôm sau. Cơm nước xong, Tâm dẫn Thắng đến nơi mẹ và Thanh bị thiệt mạng. Nơi ấy, những hố bom to tướng đã được san lấp chỉ còn dấu vết mấp mô. Lúa đã gặt, những cánh ruộng chỉ còn trơ gốc rạ. Thắng kính cẩn thắp hương cắm lên mô đất mà Tâm chỉ cho anh chỗ đã để thi hài của mẹ, của em…
Thắng rưng rưng cảm động, thắp hương rồi quỳ trước hai ngôi mộ. Anh nấc lên, những giọt nước mắt lã chã trên khuôn mặt sạm nắng gió. Hình ảnh mẹ, hình ảnh đứa em gái bé bỏng ngày tiễn anh lên đường lại hiện lên trước mắt. Thắng hình dung tới cảnh huyên náo sau khi trận bom Mỹ trút xuống. Cảnh những người dân hiền lành, tốt bụng quê anh đã thay anh lo thu dọn, chôn cất cho mẹ anh, em anh mồ yên, mả đẹp. Anh nghĩ tới Tâm, những tháng ngày dài đằng đẵng cô đã vượt qua những thành kiến, miệng đời để lo hương khói cho mẹ, cho em anh. Thắng cứ gục đầu trước mộ như vậy cho đến khi những nén nhang cháy tới tận chân anh mới bừng tỉnh…
Chiều ấy, Thắng đến thăm Hiển – Chủ tịch xã. Vốn là bạn bè, Hiển bảo:
– Thôi thì cuối cùng cậu cũng về đến nhà. Cậu cứ nghỉ ngơi, thăm thú một thời gian cho lấy lại thăng bằng rồi nhận một việc gì đi, xã mình đang thiếu cán bộ lắm.
Thắng trầm ngâm:
– Cám ơn cậu, nhưng cái đó từ từ, tính sau, tâm trạng mình đang rối bời chẳng còn thiết gì cả.
– Mình biết, nhưng dù sao cũng vẫn phải sống, lúc này mà cậu ngồi yên là sụp xuống không gượng dậy được đâu!
Thắng không trả lời bạn, anh im lặng xoay xoay chén nước trong tay. Thấy thế Hiển thăm dò:
– Còn việc cô Tâm, cậu tính sao, kể cũng tội, cô ấy là người có một không hai đấy.
– Mình biết, nhưng lúc này mình chưa thể nghĩ được điều gì khác. Có lẽ mình phải ngược Lao Cai, vừa để trao kỷ vật cho người đã hy sinh để cứu mình, vừa có thời gian tĩnh tâm để suy nghĩ mọi việc.
Hiển thở dài:
– Cái đó thì tùy cậu thôi, quê hương lúc nào cũng đợi cậu đấy, Thắng ạ.
Thắng lặng lẽ gật đầu và ra về.
* * *
Bữa cơm tối của Thắng và Tâm lại diễn ra trong gượng gạo. Sau bữa cơm, Tâm lấy trong chiếc hòm khoá chuông ra quyển sổ tiết kiệm đặt lên bàn. Cô trình bày với Thắng số tiền thu được từ hoa màu, vườn tược, ruộng phần trăm của gia đình anh trong bốn năm qua mà cô tích góp được và xin hôm sau được trở về khu tập thể của trường.
Thắng nghẹn lời. Lòng anh trống trải khủng khiếp trước biến cố của đời mình. Việc xin đi của Tâm làm anh khó xử. Anh khuyên Tâm cứ ở lại, lớp vẫn cứ mở ở đây, cứ giữ lấy cuốn sổ tiết kiệm, còn mọi chuyện tính sau.
Đêm ấy, hai người trên hai cái giường mà như ở hai đầu trái đất. Họ trằn trọc suốt đêm, mỗi người đều đi ngược về quá khứ của mình… Ở giường bên kia, Thắng cũng nằm yên chịu trận. Anh biết ơn Tâm, sự vun vén, lo toan như một thành viên trong gia đình anh của Tâm làm anh cảm động. Anh trân trọng cô như một ân nhân, nhưng tiến xa hơn thì chưa thể. Sự mất mát quá lớn làm anh như rơi xuống đáy vực. Ở nơi này, anh không còn ai là ruột thịt, chỗ dựa duy nhất của anh bây giờ là Tâm. Tâm nằm kia, gần gũi và xa xôi biết chừng nào! Rồi đây, có thể thời gian và tình cảm sẽ gắn bó hai người với nhau. Nhưng bây giờ… anh thở dài, những ước mơ cháy bỏng ngày đoàn tụ lại hiện lên.
Rồi hình ảnh ngày cả nước mừng chiến thắng, cả Sài Gòn đổ ra đường, cờ hoa rực rỡ, anh em trong đơn vị ôm ghì lấy nhau mà lắc, mà đấm, mà cắn. Một người hát, cả tốp hát, rồi cả biển người hát vang bài ca Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Sau phút vui mừng bột phát, Thắng lủi ra một chỗ, anh lấy một gói nhỏ trong ba lô, giở ra, tấm ảnh một thanh niên người Dao cắt tóc ngắn, mặc bộ quần áo dân tộc đang cười phô cả hàm răng trắng bóng, mắt như nhìn hút vào anh. Thắng ấp tấm ảnh vào ngực, anh thầm kêu lên: “Tao còn được như ngày hôm nay là nhờ mày đấy Định ơi. Mày sống khôn, chết thiêng thì về vui cùng tao, cùng đồng đội. Mày phù hộ cho tao tìm được nhà mày nhé”. Thắng sờ tay lên ngực áo, chiếc lược đuya-ra cùng tấm ảnh bọc trong gói ni lông cộm lên nhắc nhở anh về người đã khuất: “Định ơi, tao đã về đến nhà, tao những tưởng sẽ được vui vầy đoàn tụ với gia đình mươi ngày thì sẽ tìm đến Lao Cai quê mày, tới quê anh Nhất. Song, cơ sự này tao phải đến giao kỷ vật cho mẹ, cho vợ mày rồi mới yên lòng”. Thắng nhắm mắt lại, những kỷ niệm năm xưa lại ùa về. Hồi ấy, bộ ba Nhất – Định – Thắng cùng ở một tổ thông tin. Nhất người xứ Nghệ, Thắng người Hà Nam, Định người Dao – Lao Cai. Họ từng đi với nhau suốt mấy mùa chiến dịch, sống chết cùng nhau, hiểu nhau từ cái vẫy tay đến cách đánh ma-níp, ba người coi nhau như ruột thịt.
Sáng hôm sau Thắng nói cho Tâm biết ý định của mình. Anh bảo:
– Tâm ạ, về nhà, thấy cảnh này, anh đứt từng khúc ruột, song được em và mọi người lo toan cho chu đáo, anh thấy đỡ đi phần nào. Ở chiến trường anh ơn nghĩa với một người lắm, nếu mà không trả được thì anh không sao yên lòng nổi.
Nói rồi, Thắng chậm rãi kể cho Tâm nghe về bộ ba, về buổi kết nghĩa ba người dưới gốc cây săng lẻ, về sự hy sinh của Định, về ước nguyện cuối cùng của Định trước lúc ra đi.
Tâm bất ngờ trước quyết định của Thắng, một đêm không ngủ cô nghĩ rất nhiều tới hoàn cảnh của hai người, nhưng cô không ngờ tới việc này. Sau một hồi lặng đi, cô nói, giọng như bị ngạt:
– Anh quyết định thế nào em không dám tham gia, chỉ mong anh ở nhà vài hôm cho khoẻ, còn sau buổi học hôm nay, em sẽ dọn sang trường.
– Tâm không phải đi đâu cả. Mọi việc cứ để nguyên như cũ, khi nào tôi về rồi hãy hay. Tâm hãy nghe tôi đi.
– Nhưng mà…
– Đừng ngại gì cả Tâm ạ. Thế Tâm quên Tâm là con của mẹ rồi à!
Tâm không biết nói sao. Cô lặng lẽ đi bắt gà, thổi cơm nếp, thắp hương rồi chặt lá chuối hơ mềm, gói con gà, đĩa cơm nếp bỏ vào ba lô cho Thắng. Sau bữa cơm, Tâm lấy xe đạp ra, Thắng chằng buộc ba lô cẩn thận, rồi hai người đèo nhau ra ga, con tàu chậm rãi đưa Thắng ngược Lào Cai…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ngay-tro-ve-20190429133502163.htm” button=”Theo vinacomin”]