Tập đoàn TKV là nhà sản xuất than chính của đất nước. Để đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế quốc dân, Tập đoàn đã kiên trì mục tiêu đầu tư đổi mới công nghệ phù hợp với điều kiện địa chất các khoáng sàng than. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng không ngừng đầu tư theo hướng sản xuất sạch hơn, đưa TKV trở thành “ngành kinh tế gương mẫu” như Bác Hồ hằng mong muốn.
170 ngàn tỷ đồng hiện đại hóa khai thác
Công tác khoa học công nghệ luôn được lãnh đạo Tập đoàn coi là nhiệm vụ hàng đầu và đã có lộ trình đầu tư phù hợp. Trong khai thác lộ thiên, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị áp dụng sơ đồ công nghệ sử dụng máy tải trọng 58-60 tấn và xe đến 96 tấn, cùng với máy xúc 5-12m3; máy khoan thủy lực, máy cày xới, máy xúc thủy lực gầu ngược. Việc đầu tư thiết bị khai thác hiện đại có công suất lớn đã nâng cao sản lượng các mỏ lộ thiên như Cao Sơn, Cọc Sáu đều đạt 3-4 triệu tấn/năm. Mỏ Núi Béo cao điểm đã đạt trên 5 triệu tấn. Trong công nghệ khai thác than hầm lò, đến nay gần như 100% các lò chợ đã được áp dụng cột TLĐ, giá chống/khung chống TLDĐ. Công ty than Nam Mẫu, Khe Chàm sử dụng máy khấu than kết hợp dàn chống tự hành, năng suất gấp đôi so với NSLĐ lò chợ giá thủy lực di động. Công nghệ đào lò đã được đổi mới theo hướng sử dụng tổ hợp xe khoan và máy xúc đá hoặc khoan tay, máy xúc. Nhiều đơn vị đã đầu tư máy đào lò than, đạt năng suất gần 300m/tháng. Các mỏ cũng tăng cường đầu tư hệ thống sàng tuyển than bằng huyền phù tự sinh, thổi khí, lọc ép bùn đạt hiệu quả cao, nâng cao chất lượng than tiêu thụ. Trong công nghệ tiết kiệm điện năng, nhiều đơn vị đã áp dụng biến tần trong sử dụng điện, công nghệ nano trong nhiên liệu, công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành SXKD; vận chuyển, bốc rót than, vật tư, người bằng hệ thống Monoray, Song Loan… máy rót công suất lớn.
Kiểm tra hệ thống kiểm soát điều hành sản xuất hiện đại tại Công ty than Khe Chàm (Ảnh H.H)
Dự kiến, với tiến trình áp dụng công nghệ như hiện nay, tổng giá trị đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 của Tập đoàn sẽ lên đến khoảng 170 ngàn tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn đặt ra mục tiêu hoàn thành và đưa vào sản xuất than 13 dự án trên địa bàn Quảng Ninh; hầu hết các dự án có công suất trên 2 triệu tấn/năm gồm: Dự án lò giếng mỏ Khe Tam – Công ty Than Dương Huy; dự án lò giếng Công ty Than Nam Mẫu; dự án mỏ Khe Chàm III; dự án dưới mức -50, mỏ than Hà Lầm; dự án mỏ than Núi Béo; mỏ than Khe Chàm II-IV Công ty Than Hạ Long,… Ngoài ra, Tập đoàn đang chỉ đạo tiếp tục đầu tư 8 dự án khai thác than tại Quảng Ninh như: Mở rộng mỏ Hà Ráng; dưới mức -100 mỏ than Bắc Cọc Sáu; mức -100 đến -250 Công ty Than Dương Huy; dưới mức +131 mỏ Đồng Vông, dưới -250 mỏ Mông Dương… Đặc biệt hơn, Tập đoàn sẽ chỉ đạo các Viện nghiên cứu triển khai việc áp dụng tự động hóa một số dây chuyền vận tải trong sản xuất; tăng cường sử dụng băng tải thay cho máng cào ở các lò ổn định, giảm số giờ sự cố, ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát và điều hành tập trung công tác vận tải mỏ, áp dụng công nghệ định vị vệ tinh GPS kết hợp xử lý thông tin cơ sở dữ liệu để tối ưu hóa năng suất và hiệu quả. Quyết liệt chỉ đạo áp dụng cơ giới hóa phù hợp với từng điều kiện khoáng sàng ở các mỏ hầm lò để tăng năng suất, tiết kiệm tài nguyên, góp phần đảm bảo an toàn, như: giá thủy lực di động dạng khung, xích; giá XDY; cột thủy lực đơn; giảm dần công nghệ khấu buồng, đào lò lấy than. Áp dụng rộng rãi các loại vì neo, bê tông cốt thép, bê tông phun. Nghiên cứu trình tự khai thác, đổ thải các mỏ lộ thiên hợp lý, kết hợp hoàn nguyên cải tạo phục hồi môi trường; đồng bộ thiết bị công suất lớn xe ô tô 97-96 tấn. Hoàn thiện hệ thống sàng tuyển, chế biến, kho bãi chứa than nâng cao chất lượng, hệ số thu hồi than…
100% nước thải đã được xử lý
Song song với đẩy mạnh đổi mới công nghệ khai thác hiện đại, Tập đoàn đặt mục tiêu phát triển công nghiệp than một cách hài hòa với địa phương và cộng đồng, thân thiện với môi trường như: tăng cường trách nhiệm và đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường quá khứ, giảm thiểu ô nhiễm trong sản xuất hiện tại và tương lai; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, hiện đại trong khai thác than bằng phương pháp hầm lò, khống chế ô nhiễm phát sinh ngay tại nguồn; ưu tiên khai thác than lộ thiên với hệ số bóc tối ưu để tận thu than; quy hoạch vị trí đổ thải hợp lý, tận dụng tối đa các bãi thải trong, áp dụng công nghệ đổ thải phân lớp, xây dựng hệ thống thu gom nước tại chân tầng và ngang tầng bãi thải để thoát nước và xử lý nước mặt.
Đối với bãi thải nhà sàng, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị tạo vành đai tường chắn để chống trôi lấp đất, bùn ra xung quanh. Việc bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc được tiến hành theo hướng kết hợp kinh doanh với bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc triển khai xây dựng mới các công trình xử lý ô nhiễm môi trường, Tập đoàn còn khắc phục ô nhiễm môi trường trong quá khứ. Việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Tập đoàn đang được triển khai có hiệu quả như chương trình hợp tác VINACOMIN-RAME (CHLB Đức) để giảm thiểu bụi tại mỏ than Núi Béo, phục hồi môi trường và tái sử dụng đất sau khai thác mỏ tại Công ty Than Hà Tu, Núi Béo…; hợp tác với MIRECO (Hàn Quốc) xử lý bãi thải, nước thải mỏ, nhiễm độc đất…
Đến nay, toàn bộ nước thải các mỏ đã được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; cải tạo phục hồi môi trường xong các bãi thải đã kết thúc đổ thải; chấm dứt vận chuyển than ra cảng bằng ô tô tại vùng Đông Triều – Uông Bí; chất thải nguy hại được thu gom, xử lý tại nhà máy xử lý tập trung của TKV… Tiếp đó, đến năm 2020 sẽ chấm dứt vận chuyển than ra cảng bằng ô tô tại vùng Hòn Gai (trừ ra cảng Làng Khánh), Cẩm Phả; hoàn thành cải tạo phục hồi môi trường các khu vực bãi thải nhìn thấy được từ quốc lộ 18A; mặt bằng công nghiệp các mỏ được cải tạo cảnh quan, môi trường; công tác BVMT đi vào nề nếp. Sau năm 2020, TKV tập trung cải tạo phục hồi môi trường các mỏ đã kết thúc khai thác; duy trì và phát triển các khu vực đã cải tạo trước đây thành các khu vực sinh thái; đẩy mạnh chiến lược “Sản xuất sạch hơn”, cơ bản đưa công nghiệp sản xuất than thành ngành kinh tế “xanh”…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nganh-kinh-te-guong-mau-201508190954090234.htm” button=”Theo vinacomin”]