Nói đến truyền thống văn hóa công nhân mỏ, ai cũng có thể nói ngay rằng, giá trị cốt lõi nhất, cao quý nhất, làm nên thành công của Thợ mỏ trong nhiều thế hệ, từ công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho đến công cuộc tái thiết, xây dựng phát triển ngành Than đi lên mạnh mẽ như ngày hôm nay, đó chính là truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”.
Nét văn hóa rất riêng đó chúng ta đã nói nhiều và sẽ còn tiếp tục được nhắc đến trong hiện tại và tương lai. Bởi đó chính là nền tảng tinh thần vững chắc để Thợ mỏ vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức hướng tới xây dựng ngành Than phát triển mạnh mẽ hơn như mong muốn của Đảng, Bác Hồ đối với ngành Than: “Xây dựng ngành Than trở thành ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác”; “Xây dựng ngành Than trở thành một ngành kinh tế mạnh, với vị trí là một trong những trụ cột chính đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia…”
Tuy nhiên, ngoài giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi đó, trong lao động sáng tạo và đời sống văn hóa phong phú của mình, Thợ mỏ cũng có những nét văn hóa rất riêng mà khó có ngành nào có được. Người ta thường nói với nhau, và cũng không dưới một lần báo chí nhắc đến chuyện, đi đâu mà thấy công nhân mỏ là biết ngay. Cái nhận ra họ dễ nhất là trong các quán ăn, chỉ cần để ý chút là thấy: Thợ mỏ nói to, thẳng thắn, gọi nhiều đồ ăn và ăn xong ai cũng tranh nhau trả tiền. Nét văn hóa rất đời thường này của Thợ mỏ được hình thành thông qua cuộc sống lao động vất vả dưới hầm mỏ cũng như những khu tập thể công nhân đông đúc của nhiều thế hệ. Dưới hầm mỏ, thợ mỏ làm việc trong điều kiện môi trường khó khăn như chật trội, thiếu ánh sáng, máy móc thiết bị nhiều nên thường nói to mới nghe rõ, thậm chí là nóng nảy, lâu ngày thành quen. Đặc biệt, trong điều kiện làm việc có nhiều thiết bị nặng, chịu áp lực nên không thể làm chơi, mà luôn phải đòi hỏi sự tập trung cao độ.
Chuyện thật 100% tại một mỏ than, có anh chàng thợ lò trẻ đã nặng lời với một thợ già trong lò, và đây lại chính là bố vợ tương lai của mình. Nguyên nhân là bởi, ngay sau khi đi củng cố lò một lượt từ chân lò chợ đến đầu lò chợ dài hơn 100m, dốc đến 35-40 độ, mệt nhoài, chàng thợ lò trẻ bị bác thợ lò già bậc cao kiểm soát yêu cầu đi củng cố lại do chưa đạt yêu cầu. Bực mình vì còn đang thở chưa ra hơi, anh thợ lò trẻ đã lớn tiếng với bác thợ già… Tuy nhiên bác thợ già vẫn kiên quyết yêu cầu anh phải củng cố lại, nếu không sẽ báo công trường cắt công vì không hoàn thành nhiệm vụ. Phải nhấn mạnh rằng, trong lò chợ khai thác, công tác củng cố lò thường xuyên để đảm bảo an toàn là một nhiệm vụ quan trọng. Nếu làm việc không nghiêm túc, lơ là, chiếu lệ sẽ rất nguy hiểm, có thể dẫn tới đổ lò, gây sự cố, tai nạn. Vùng vằng… nhưng chàng thợ lò trẻ vẫn phải nỗ lực đi làm. Trong ánh đèn lò le lói, chỉ khi nhận ra đó chính là bố vợ tương lai của mình, chàng thợ lò trẻ mới “sởn gai ốc” nghĩ: “Phen này chắc đứt”. Sau này kể lại, chàng thợ lò trẻ vẫn còn bất ngờ. Tan ca hôm đó, “hai bố con” lại cùng nhiều đồng nghiệp khác khỏa thân trong nhà tắm tập thể – một trong những kiểu tắm cũng chỉ thợ lò mới có – ông bố vỗ vai chàng rể tương lai: “Anh khá lắm, có cảm xúc, bản lĩnh, tức nhưng vẫn biết việc thế là tốt, tôi hứa sẽ gả con gái cho anh…”. Cả nhà tắm cười vang! Còn chàng thợ lò trẻ mặt đỏ tía tai. Nhưng sau lần đó, anh thấy thực sự hòa nhập với nét văn hóa riêng của thợ lò. Giờ thì chàng thợ lò trẻ đã lên ngôi là thợ già. Một lớp thế hệ thợ lò trẻ mới đã kế tiếp. Nhưng câu chuyện và nét văn hóa riêng của thợ lò thì vẫn vậy.
Thợ mỏ thường sống quấn túm thành những khu tập thể đông đúc. Có khi là những dãy nhà tập thể của công ty được thanh lý sau khi hầu hết các thế hệ thợ mỏ ở đây đã lập gia đình. Từ mỗi người một quê, họ trở thành đồng nghiệp, hàng xóm, trong mọi công việc và sinh hoạt hàng ngày từ khai trường về nhà, họ đều có nhau. Họ đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng xây dựng cuộc sống. Lúc người có điều kiện giúp đỡ người khó khăn và ngược lại, không tính toán thiệt hơn. Thế mới có chuyện, nhiều khi ngồi quán làm chầu bia hơi, lúc đầu chỉ có 2 người, đến lúc đứng dậy ra về có tới cả chục người. Mà lạ là cả chục người ai cũng đứng dậy đòi trả tiền. Chủ quán không biết nhận của ai. Có bà chủ có sáng kiến: “Hôm qua chú trả rồi, nay để chú này…” .
Và đây cũng là chuyện thật 100%. Bác thợ lò già tại khu tập thể nọ có thói quen cứ tan ca 3, mặc dù đã ăn bồi dưỡng nhưng về đến một quán gần nhà, bác lại ngồi làm một bát phở và nửa cốc rượu để ngủ cho ngon. Bác gọi chủ quán cho nửa “SNG”. Đó là tên của một loại cốc uống bia to, còn gọi là cốc Liên Xô. Sau này Liên Xô tan rã thì lại gọi là SNG. Chỉ có điều, đã nhiều lần cứ khi đứng dậy trả tiền, chủ quán lại bảo: “Của bác trả rồi” mà không nói ai trả. Quán gần khu tập thể nên rất đông. Hỏi lại, chủ quán cũng chỉ bảo vậy, rồi vội vã với công việc của mình. Hôm nay, cũng là tuần bác thợ già đi ca 3 về. Như thường lệ, ông lại rẽ vào quán gọi như mọi ngày. Chỉ có điều, ông định bụng sẽ để ý xem ai đã là người trả tiền cho ông. Rồi người đó cũng xuất hiện. Ông nhìn từ xa. Đó là một chàng trai tuổi trung niên. Đúng hơn là một kỹ sư ở cuối dãy tập thể trên đồi. Ăn một bát phở nhanh nhẹn, không uống rượu rồi anh đứng dậy trả tiền, nhưng không quên chỉ tay về phía bàn của bác thợ già. Hai ánh mắt gặp nhau. Bác thợ già đỏ phừng mặt vì đã nhâm nhi gần hết khẩu phần rượu của mình: “Thằng Hân, mày chê tao nghèo?! Nay tao phải để mắt mới bắt được mày. Tao nói cho mày nghe, ngày nào cũng tao khấu 4 vì lò, lương hơn 600 ngàn, lại không phải trả tiền phở, tiền để đâu cho hết…”. – Rồi họ phì cười khiến cả quán rượu ồ lên. “Phen này, em phải tập uống rượu để ngồi với bác. Em sướng cái đoạn bác cứ vẩy vẩy rau thơm rồi nhâm nhi li rượu, nhìn rất “chuyên nghiệp”. Nhưng thú thật em không uống được, chán lắm…”. Bà chủ quán cũng cười vang: “Bao giờ chú Hân uống được rượu, ngồi lại sau, chị sẽ thu tiền của bác Bá…”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/net-van-hoa-tho-mo-201605170928429567.htm” button=”Theo vinacomin”]