Tôi nhớ, có lần, cánh phóng viên chúng tôi được đưa lên cổng trời của khu vực than Đồng Vông khai thác. Con đường cheo leo làm chúng tôi nghiêng ngả đến gần cả tiếng đồng hồ. Trên đỉnh cao mấy trăm mét, có thể nhìn bao quát cả một vùng núi non hiểm trở. Nơi đây cũng được mệnh danh là vị trí mà “con gà gáy 3 huyện và 2 tỉnh nghe thấy”. Ba huyện nghe thấy là Uông Bí, Hoành Bồ (Quảng Ninh) và Sơn Động (Bắc Giang). Giờ đây Uông Bí đã là một thành phố lớn thuộc tỉnh Quảng Ninh. Hai tỉnh nghe thấy là tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang. Theo quy hoạch khai thác than, tại khu vực xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ là một mỏ than do Xí nghiệp than Hoành Bồ thuộc Công ty than Uông Bí khai thác. Ở đây còn có Công ty than 45 thuộc Tổng Công ty Đông Bắc khai thác đều có nhiệm vụ cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động. Bên khu vực Uông Bí, Công ty than Đồng Vông khai thác tại dự án mỏ Đồng Vông. Các đơn vị này đều khai thác theo phương pháp hầm lò và được thiết kế độc lập nhau.
Do sản lượng khai thác ngày càng tăng, cách đây non một thập kỷ, sản lượng than cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động đã dư thừa. Làm thế nào để vận chuyển khoảng nửa triệu tấn than về Uông Bí tiêu thụ là một câu hỏi lớn đặt ra. Trong khi đó, địa hình khu vực này quá khó khăn, nhiều đồi núi cao và dốc cheo leo với cự ly lên đến trên 20 km. Hơn nữa, khu vực Tân Dân phần lớn nằm trong khu vực rừng đầu nguồn được quản lý đặc biệt. Do vậy, để mở ra những mặt bằng khu vực kho than và sàng tuyển, chế biến không hề dễ dàng. Cực chẳng đã, Tập đoàn phê duyệt cho Công ty than Uông Bí làm một con đường vận chuyển than dài gần 22 km kết nối từ Tân Dân (Hoành Bồ) ra Uông Bí. Tuyến đường này, ngoài việc có chi phí lớn, còn có một vấn đề xã hội không nhỏ. Nó đi qua nhiều khu vực làm khó khăn cho công tác bảo vệ tài sản, tài nguyên… Riêng lực lượng bảo vệ than, có thời điểm Công ty than Uông Bí phải huy động đến cả trăm người, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp làm đau đầu các nhà quản lý.
Chỉ đến khi các nhà kỹ thuật kẻ một nét bút kết nối hai khu vực khai thác Đồng Vông và Hạ My (Tân Dân) dưới hầm mỏ bằng một đường lò chỉ dài hơn 4 km. Nét bút này nằm ở vị trí trung tâm ruộng mỏ và nối thông toàn bộ hệ thống khai thác thuộc 3 huyện và 2 tỉnh nói trên. Đó là đường lò xuyên vỉa +131 vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Bá Trường, Phó Giám đốc Công ty than Uông Bí giở tấm bản đồ rộng trùm cả một phòng khách lớn. Chỉ tay về phía những khu vực khai thác trải dài, ông bảo, đường lò này trên bản đồ chỉ là nét bút vậy thôi nhưng có giá trị bạc tỷ. Chỉ riêng tính toán cho công tác vận chuyển than về tiêu thụ đã làm lợi khoảng trên 50 ngàn đồng/tấn, góp phần làm hạ giá thành khai thác. Ngoài ra, lợi ích về xã hội không tính bằng tiền thì không thể kể hết. Ngoài việc đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, nó còn làm thay đổi cả một vấn đề về tổ chức lao động. Chẳng hạn như, trước đây, công nhân làm việc tại khu vực Tân Dân phải sinh hoạt tại chỗ, hoặc nếu có đi lại cũng quá xa. Bây giờ, họ có thể ở tập thể hay nhà riêng tại trung tâm thành phố Uông Bí và đi làm bình thường như công nhân của các đơn vị khác. Chi phí cho việc phục vụ, chăm lo người lao động giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Bá Trường tâm sự, ý tưởng về việc liên thông này đúng là xuất phát từ cái khó khăn, trăn trở về giá thành khai thác, về tổ chức lao động rồi áp lực về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường… Nhiều đêm, ngủ chẳng được, anh Nguyễn Văn Yên, Giám đốc Công ty gọi điện cho tôi trao đổi giải pháp kỹ thuật, rồi ý tưởng đặt ra từ đấy. Sáng hôm sau, anh gọi tất cả các cán bộ kỹ thuật lại, vẽ một đường lò mới trên bản đồ hệ thống khai thác rồi bảo các kỹ sư nếu tính toán chỉ cần hòa giá thành cũng làm vì vẫn có lợi trong công tác an ninh trật tự, bảo vệ môi trường trong vận chuyển than trên bộ. Tuy nhiên, qua tính toán, hầu như các kỹ sư đều cho rằng sẽ mang lại lợi ích cả trong hiện tại cũng như lâu dài. Tập thể đồng thuận, Công ty báo cáo Tập đoàn và được Tập đoàn phê duyệt ngay. Trong quá trình thi công vì tình hình địa chất phức tạp nên cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng anh em đều quyết tâm đẩy nhanh tiến độ.
Sau một thời gian thi công khẩn trương, đầu tháng 8 vừa qua, Công ty than Uông Bí đã chính thức đưa vào vận hành đường lò này. Những tấn than đầu tiên từ khu vực Tân Dân được kéo sang khu vực Đồng Vông về Uông Bí trong niềm vui khôn siết của các thế hệ công nhân, cán bộ Công ty. Nhiều người ví von như sự hợp nhất của “hai miền Triều Tiên”… Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải và các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo Công ty than Uông Bí đã trực tiếp đến hiện trường chứng kiến tấn than đầu tiên Dự án Bắc Đồng Vông được vận chuyển qua lò XV +131 kết nối giữa 2 khu vực Hạ My (Tân Dân) và Đồng Vông. Các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn cũng đã đi kiểm tra sản xuất cả 2 khu vực thông qua một tuyến đường lò này. Như vậy, đường lò xuyên vỉa này vừa có nhiệm vụ vận chuyển than, thiết bị, vận chuyển người đến vị trí làm việc vừa có nhiệm vụ quan trọng trong công tác thông gió, thoát nước. Nó dường như đã mở ra một lối đi mới cho các kỹ sư khi thiết kế mở vỉa, khai thác than cả một vùng rộng lớn của ruộng mỏ này. Tổng Giám đốc Tập đoàn đã thưởng cho công nhân, cán bộ Công ty than Uông Bí số tiền 50 triệu đồng. Phát biểu trong niềm vui hân hoan, Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải chỉ đạo các Ban Tập đoàn và các đơn vị cần học tập cách làm của Than Uông Bí và sẵn sàng phê duyệt những ý tưởng mới làm lợi trong sản xuất. Từ cách làm của Than Uông Bí, Tổng Gám đốc cho rằng, đây cũng là ý tưởng chung trong chỉ đạo của Tập đoàn. Tất cả các đơn vị trong Tập đoàn, kể cả lộ thiên hay hầm lò, nếu có thể thiết kế liên thông khi có lợi chung đều cần phải được thực hiện. Thực tế, trong khai thác lộ thiên, việc triển khai trình tự khai thác hợp lý 3 mỏ Đèo Nai, Cọc Sáu, Cao Sơn là cách làm như thế. Trong khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm II-IV và Khe Chàm III, Khe Chàm I tới đây cũng sẽ được kết nối để mang lại hiệu quả chung…
Tôi bảo, giá như ý tưởng này đến sớm hơn, thì ta chẳng phải làm một con đường dài hơn 20 km! Ông Nguyễn Bá Trường cho rằng đúng như vậy. Đó là vì cái khó ló cái khôn. Nhưng trên thực tế, công tác tổ chức sản xuất các đơn vị, công tác quy hoạch vùng cũng là một vấn đề không nhỏ. Trước đây, mỗi một Xí nghiệp có một khu vực khai thác riêng và nỗ lực trong sản xuất của đơn vị mình. Chỉ đến khi 2 tấm bản đồ đặt cạnh nhau, chúng ta mới có sáng tạo như vậy. Vấn đề quy hoạch vùng trở thành nhiệm vụ quan trọng. Nó phản ánh trình độ tổ chức sản xuất không chỉ của một Công ty mà cả Tập đoàn, hay của cả Ngành… Thiết nghĩ, ở đâu đó, chúng ta vẫn cần nhiều nét bút hiệu quả như thế.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/net-but-bac-ty-201611102351390554.htm” button=”Theo vinacomin”]