Ngày 1/5/2018, TKV điều chỉnh tăng 5% tiền lương bình quân chung toàn TKV so với đầu năm 2018. Tiếp đó, ngày 1/10/2018, Tập đoàn tiếp tục ban hành quyết định số 1768/QĐ – TKV về việc sửa đổi, bổ sung mức tiền lương cho hầu hết các ngành nghề của TKV. Quyết định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2018. Vậy người lao động trong Tập đoàn, đặc biệt là đối tượng thợ lò có thực sự được hưởng lợi từ chính sách này? Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Trưởng ban Tổ chức nhân sự Trần Văn Cừ để bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về vấn đề này.
2018 – Năm TKV có nhiều cải thiện mạnh mẽ về công tác chăm lo đời sống cho người lao động
Xin chào Ông! 2018 là năm Tập đoàn có nhiều cải thiện mạnh mẽ về công tác chăm lo đời sống cho người lao động, đặc biệt qua 2 lần tăng lương vào tháng 5 và tháng 10. Ông có thể chia sẻ một số nguyên nhân khiến Tập đoàn liên tục tăng lương cho người lao động?
– Thực ra là có 3 lần điều chỉnh tăng chứ không phải 2 lần. Lần thứ nhất là từ 01/01/2018, khi xây dựng kế hoạch lao động tiền lương TKV đã điều chỉnh tăng 5% nguồn tiền lương cho thợ lò ngay từ đầu năm. Tiếp đó là 2 lần điều chỉnh vào tháng 5 và tháng 10 như Nhà báo đã nêu;
Về lý do tăng lương thì xin trao đổi với Nhà báo có mấy nguyên nhân chính sau đây: Thứ nhất, mấy năm qua TKV và các đơn vị thành viên gặp khó khăn trong kinh doanh nên chưa có điều kiện tăng lương, nhưng từ giữa năm 2018 sản phẩm tiêu thụ được, tình hình tài chính cải thiện hơn nên việc đầu tiên là phải tăng lương cho người lao động. Đây chính là một trong những việc cần làm ngay để xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà trong doanh nghiệp, hài hoà giữa quyền lợi của chủ doanh nghiệp và quyền lợi của người lao động. Thứ hai, thu nhập của người lao động ngành Than so với các ngành khác còn thấp, vì vậy TKV đang thực hiện lộ trình tăng lương để phù hợp với thị trường lao động. Và nguyên nhân thứ ba rất quan trọng, đó là năm 2018 mục tiêu tiết giảm lao động của TKV cho cả giai đoạn 2017 – 2020 đã cơ bản hoàn thành, vì vậy có nguồn lương do sử dụng tiết kiệm lao động để tăng lương cho những lao động được giữ lại theo đúng quan điểm điều hành của TKV đề ra là “Doanh nghiệp ít người, trả lương cao”.
Cụ thể, mức tăng tiền lương áp dụng với người lao động, nhất là đối tượng thợ lò được căn cứ trên những yếu tố nào, thưa Ông?
– Chỉ có 3 căn cứ thôi. Một là theo thị trường lao động, muốn thu hút lao động thì phải trả lương theo thị trường và không thấp hơn các đối thủ cạnh tranh. Hai là phải căn cứ vào khả năng cân đối tài chính của doanh nghiệp. Ba là tăng có lộ trình theo chiến lược phát triển của Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên, chứ không thể tuỳ tiện được.
Trả lương các chức danh công việc theo “vị trí việc làm”
Thông thường, việc tăng lương luôn gắn liền với việc tăng năng suất lao động (NSLĐ). Vậy chính sách tăng lương lần này của Tập đoàn có điểm nào mới, khác biệt để tăng NSLĐ, nhất là trong bối cảnh TKV đang đẩy mạnh sản xuất như hiện nay?
– Đúng như vậy, theo nguyên tắc do Nhà nước quy định thì tốc độ tăng tiền lương phải thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động, có như vậy thì mới có giá trị gia tăng và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Điểm mới trong các lần điều chỉnh mức lương năm 2018 đó là vừa tăng lương chung, vừa tập trung tăng lương cho những đối tượng lao động cần thu hút (những người mà tính chất công việc của họ có tính quyết định làm tăng được NSLĐ) với tốc độ tăng lương cao hơn so với mức chung. Cụ thể, không chỉ tăng lương cho thợ mỏ hầm lò, mà còn tăng lương cho các chức danh vận hành ở các nhà máy sản xuất alumina, nhà máy điện, luyện kim, hoá chất, tăng lương cho cán bộ chỉ huy sản xuất như quản đốc, trưởng phòng. Và điểm mới nhất, khác biệt của lần tăng lương tháng 10/2018 chính là đã ban hành mức lương chuyên gia với 3 mức 15 triệu đồng, 20 triệu đồng và 25 triệu đồng để các đơn vị thành viên có căn cứ trả lương cho lực lượng lao động là chuyên gia đầu ngành, các kỹ sư thực hiện chương trình cơ giới hoá, tự động hoá, tin học hoá mà doanh nghiệp cần thu hút.
Trên một số mạng xã hội cũng như khảo sát riêng của chúng tôi, một số anh em thợ lò bày tỏ quan điểm nghi ngờ về chính sách, đặc biệt khi Quyết định 1768/QĐ-TKV quy định phương án tăng lương theo bậc thợ, trong khi theo anh em thì khi vào lò, công sức để làm ra một tấn than là ngang nhau. Ông có thể làm rõ hơn vấn đề này?
– Tôi cũng thường xuyên theo dõi mạng xã hội và nghe phản ảnh từ các đơn vị thành viên nên cũng biết việc này. Có thể do cách viết các thuật ngữ về tiền lương và việc làm trong Quyết định 1768 hơi khác so với cách mà anh em công nhân hiểu, và cũng một phần do cách tuyên truyền chưa phù hợp nên có sự hiểu lầm “không hề nhẹ” (cười).
Cụ thể, có một số điểm đang được hiểu chưa đúng như sau:
Một là, có người hỏi tôi là thợ đào lò bậc 6/6, đi làm đủ công thì tiền lương phải được gần 30 triệu, sao thực tế lại không phải như vậy? Ở đây nên hiểu đúng thế này: Quyết định 1768 của TKV là quy định về trả lương các chức danh công việc theo “vị trí việc làm”. Tức là làm công việc gì thì trả lương theo công việc đó, chứ không phụ thuộc vào anh có trình độ gì, bậc thợ anh là bậc mấy. Mức lương xấp xỉ 30 triệu/tháng là mức lương để tính đơn giá tiền lương trả cho những công việc đặc biệt phức tạp trong hầm lò, khi đó cần phải sử dụng cấp bậc công việc của thợ bậc 6/6. Nếu công việc giao khoán chỉ đòi hỏi kỹ năng của thợ bậc 4 hay bậc 5 thì dù cho anh có là thợ bậc 6 cũng chỉ được trả lương sản phẩm theo mức của thợ bậc 4 hay bậc 5 thôi. Ngoài ra còn phụ thuộc vào định mức lao động của công ty giao khoán cho người lao động có phù hợp hay không nữa.
Hai là, nhiều người cho rằng thợ lò cứ đi làm là được trả 1 triệu/công. Ý này tôi xin giải thích như sau: Đúng là trong Quyết định 1768 của TKV có một số công việc trong hầm lò được xây dựng mức lương 1 triệu/công, nhưng để đạt được mức lương đó thì phải đảm bảo 3 điều kiện. Thứ nhất là người thợ phải được giao làm công việc đòi hỏi yêu cầu trình độ tay nghề của bậc thợ tương ứng với mức lương đó. Thứ hai là phải hoàn thành đủ định mức lao động giao khoán của công ty. Vì đặc điểm của trả lương trong hầm lò là lương khoán sản phẩm, chứ không phải trả lương theo thời gian. Thứ ba là sản phẩm làm ra của người thợ là sản phẩm tập thể, tức là muốn hoàn thành được định mức lao động và có lương cao thì không chỉ một mình mình làm tốt là được, mà mình còn phải có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ đồng đội cùng hoàn thành nhiệm vụ, chính vì vậy TKV lựa chọn khẩu hiệu là “Kỷ luật và Đồng tâm” là như thế.
Để hạn chế sự hiểu chưa đúng, năm 2019 chúng tôi sẽ tham mưu với lãnh đạo Tập đoàn tiếp tục điều chỉnh các quy định cho dễ hiểu hơn với số đông người lao động.
Chính sách tăng lương lần này có thực sự công bằng không khi ở một số mỏ, do điều kiện khai thác một tấn than rất khó khăn, anh em thợ lò phải bỏ ra nhiều công sức, trong khi việc tăng lương hoàn toàn phụ thuộc vào sản phẩm (tấn than)?
– Từ nhiều năm nay, Tập đoàn đã quy định rất rõ, tiền lương của thợ lò được trả căn cứ vào hao phí lao động của họ đã bỏ ra, chứ không phụ thuộc vào sự quản lý yếu kém của cán bộ quản lý (nếu có). Do vậy, nếu người lao động làm đủ ngày công, hoàn thành định mức lao động được giao thì được hưởng đủ tiền lương giao khoán, chứ không thể nói là phụ thuộc hoàn toàn vào tấn than. Tất nhiên, nếu doanh nghiệp bỏ ra nhiều chi phí nhân công mà thu được ít sản phẩm thì hiệu quả sẽ thấp, thậm chí thua lỗ. Khi đó người lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng đến quyền lợi vì không có quỹ khen thưởng, phúc lợi, thu hẹp sản xuất.
Sẽ tiếp tục tăng thu nhập cho người lao động
Trên góc độ một chuyên gia về lao động tiền lương, Ông có thể chia sẻ một vài quan điểm cá nhân về ảnh hưởng của việc tăng thu nhập cho người lao động đối với sản xuất, nhất là với một ngành sản xuất đặc thù như TKV. Những dự định sắp tới về nâng cao thu nhập cũng như điều kiện làm việc cho người lao động?
– Quan điểm cá nhân tôi cũng không khác với quan điểm chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Tập đoàn, đó là phải thực hiện cho được các mục tiêu “Doanh nghiệp ít người, trả lương cao” và “Chi phí tiền lương của doanh nghiệp giảm, nhưng tiền lương bình quân của người lao động lại tăng”. Điều đó có nghĩa là, doanh nghiệp sử dụng ít lao động thôi, nhưng tiền lương phải trả xứng đáng để tạo động lực làm việc và cống hiến cho người lao động. Lương được trả xứng đáng thì người lao động mới có động lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt định mức lao động để có thu nhập cao hơn, mới gắn bó với nghề và với công ty. NSLĐ tăng thì chủ doanh nghiệp mới có lợi nhuận cao. Đây là mối quan hệ biện chứng giữa chi phí bỏ ra và hiệu quả thu được.
Tôi cho rằng, người lao động không chỉ cần lương cao, mà họ cũng cần được đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, môi trường làm việc tốt, quan hệ chủ – thợ đúng mực. Và đặc biệt là phải quan tâm đến chế độ phúc lợi cho người lao động như nhà ở, du lịch, bảo hiểm, chữa bệnh, thăm hỏi khi ốm đau, hiếu hỉ. Năm nay tôi cũng đã kiến nghị với cấp trên và tổ chức công đoàn, từ năm 2019 nên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao gắn với cuộc sống người lao động ở cơ sở, họ là chủ thể của các hoạt động và cũng là người thụ hưởng, chứ không nên chú trọng quá đến các phong trào mang tính biểu diễn.
Ở khía cạnh ngược lại, tôi cũng mong rằng người lao động gắn bó với công ty, kể cả khi thuận lợi cũng như khi khó khăn. Có việc gì mà người quản lý chưa đúng thì góp ý, phản ảnh đến cấp có thẩm quyền để xử lý, không nên nghe thông tin một chiều, hoặc thông tin chưa kiểm chứng dẫn đến hoang mang, dao động.
Trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng thu nhập cho người lao động theo hướng dành tối đa nguồn tiền lương để chi lương theo sản phẩm hàng tháng, hạn chế việc bổ sung lương những ngày lễ vì nó mang tính bình quân, ít gắn với công sức lao động bỏ ra. Làm như vậy thì tác dụng trả lương mới cao, mới khuyến khích tăng năng suất lao động. Một việc nữa chúng tôi cũng đang nghiên cứu triển khai “tiền tệ hoá” các khoản hỗ trợ để đưa hết vào thu nhập cho người lao động. Theo đó các khoản tiền mà doanh nghiệp hỗ trợ (cho không) người lao động như nhà ở tập thể, xe đưa đón, ăn uống v.v. sẽ chi vào lương, sau đó ai sử dụng dịch vụ gì thì trả tiền dịch vụ đó. Chứ như hiện nay do miễn phí nên ở một số trường hợp chưa có ý thức sử dụng tiết kiệm, làm giảm hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp nói chung và cá nhân người lao động nói riêng.
Xin chân thành cảm ơn ông!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nang-luong-tho-lo-co-thuc-su-huong-loi-201901171532443056.htm” button=”Theo vinacomin”]