Mới đây, trong chuyến tác nghiệp tại Công ty Vật tư vận tải xếp dỡ – Vinacomin, chúng tôi được ông Giám đốc Công ty giới thiệu một sản phẩm mỹ nghệ than rất độc đáo mà Công ty thường sử dụng làm quà tặng cho các đối tác truyền thống của mình. Đó là chiếc trống bằng than với những họa tiết chim hạc tinh xảo, được chạm khắc mô phỏng theo nguyên mẫu trống đồng Đông Sơn. Hỏi ra mới hay, để làm ra được một sản phẩm như thế hết sức cầu công. Loại than có thể sử dụng để làm được chiếc trống đó phải là
Độc đáo mỹ nghệ than
Chế tác mỹ nghệ từ than đá vốn được biết đến là một nghề thủ công truyền thống độc đáo chỉ có ở vùng than Quảng Ninh. Nó được đánh giá là một nghề thủ công gắn liền với lịch sử hình thành của vùng đất, với giai cấp công nhân mỏ (từ thời Pháp thuộc). Bởi vậy, những sản phẩm mỹ nghệ than đá trở thành món quà lưu niệm độc đáo của Vinacomin với đối tác, bạn bè, thì càng thêm nhiều ý nghĩa.
Mỹ nghệ than đá là các sản phẩm mỹ nghệ được làm thủ công trên than đá. Những hòn than đá xù xì, vô tri, vô giác đó đã được những người công nhân than sử dụng khối óc và bàn tay tài hoa của mình “thổi hồn” vào. Nó trở thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, tinh xảo và tạo được sự thích thú cho những ai đã từng được chiêm ngưỡng. Tác phẩm nghệ thuật có nguyên liệu từ than đá rất phong phú và đa dạng. Từ những cánh buồm, đến cặp lục bình hay các bức phù điêu, những con sư tử cho đến những bông hoa, thần vệ nữ, con cá heo…
Nỗi niềm nghệ nhân
Ông bà Miền An (ở cọc 3, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) là một trong số ít những nghệ nhân vẫn còn nặng lòng với nghề chế tác than đá. Tận mắt chứng kiến những công đoạn đầu tiên của quá trình “thổi hồn” cho than đá thành những sản phẩm thủ công tuyệt mỹ mới thấy hết được sự công phu, cái khó nhọc của người làm nghề. Những cục than đá to, xù xì, được cho vào xưởng, người thợ sẽ tiến hành xẻ ra thành các cục nhỏ theo kích thước đã đo đạc, tính toán của sản phẩm mỹ nghệ. Việc xẻ đá tưởng đơn giản nhưng lại là công đoạn mang tính quyết định cho sự thành công của sản phẩm mỹ nghệ. Theo nghệ nhân An, than đá rất dễ bị mẻ, vì thế những kích cỡ than đá xẻ ra chỉ cho phép sai số rất nhỏ.
Nghệ nhân An nói vui: “Người công nhân than cả cuộc đời gắn với than nên lúc nào mà chẳng đen. Đã về hưu được gần chục năm, nhưng ngày nào vợ chồng tôi cũng đụng đến than. Thay vì xúc, đào, vận chuyển, bây giờ chúng tôi cặm cụi gọt, tỉa, cưa, xẻ, đục, đẽo hay nói mỹ miều hơn là sáng tác trên những cục than xù xì đó, làm đẹp cho đời”.
Theo bác Miền thì, hiện nay cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm nghệ thuật từ than đá đều không ổn định, bởi chủ yếu là sản xuất, chế tác nhỏ lẻ chưa mang tính tập trung nên đầu ra của sản phẩm liên tục bị thương lái ép giá.
Một mai có còn…
Ông Nguyễn Văn Luân, nguyên phó chủ tịch hiệp hội Thủ công mỹ nghệ than đá, là người đã làm nghề từ những năm 1980 của thế kỷ trước, chia sẻ: “Đây là nghề thủ công làm đẹp cho đời, có giá trị văn hóa. Xuất xứ của nó gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của đất mỏ và giai cấp công nhân mỏ từ thời Pháp thuộc.
Thời gian trước (vào những năm 1990), làm ra bao nhiêu sản phẩm cũng tiêu thụ hết. Rất nhiều sản phẩm mỹ nghệ từ than đá được đóng vào container, xuất khẩu ra nước ngoài. Ngày ấy, có cả những ông chủ Tây đến các gia đình thu mua hàng; thậm chí họ còn đặt cọc tiền trước. Làng nghề nhộn nhịp như công trường khai thác than vậy,… Một, hai năm về trước thôi, nơi này vẫn còn phong trào “thổi hồn” vào than đá bằng cuộc thi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật từ “vàng đen”. Vậy mà, hôm nay, những nghệ nhân chế tác sản phẩm từ than đá đã giảm đi rất nhiều.
Tại vùng đất này, không còn tồn tại các xưởng chế tác với quy mô lớn nữa. Hiện nay, chỉ có một số hộ gia đình đơn lẻ vẫn làm nghề vì đã quá yêu nó. Song giới trẻ thì tuyệt nhiên không theo nghề truyền thống của cha ông, nên nguy cơ thất truyền kỹ nghệ chế tác trên than đá là hiện hữu”.
Nhiều người làm nghề truyền thống trăn trở, lẽ nào một sản phẩm độc đáo, mang cả lịch sử, văn hóa và con người của vùng đất mỏ – sản phẩm thủ công mỹ nghệ than đá – lại không đáng được lưu tâm sao?! Sẽ có rất nhiều tiếc nuối của những nghệ nhân xuất thân từ công nhân than như bác An, bác Miền.
Xin lấy những tâm sự của ông Nguyễn Văn Luân thay cho lời kết bài “Tôi chỉ mong có một trung tâm đào tạo nho nhỏ để truyền lại nghề cho các thế hệ sau này. Nếu chính quyền không quan tâm đến việc này từ bây giờ, chắc chắn nghề sẽ thất truyền. Thất truyền rồi, khó có thể khôi phục lại nghề này lắm”. Mỹ nghệ than – đó là cách chúng ta trân trọng công sức lao động của người thợ mỏ, đó còn là cách để nâng cao giá trị hòn than!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nang-gia-tri-hon-than-3326.htm” button=”Theo vinacomin”]