Tan ca, mặt mũi lấm lem than bụi, lưng áo rịn mồ hôi, vứt bó rau rừng to nuôi lợn giữa sân, chị tất tưởi xua mấy con gà rồi ngồi băm rau. Buổi chiều cuối thu vùng sơn cước nhàn nhạt nắng tạo cảm giác u hoài. Người đàn ông gầy gò, nhỏ thó ngồi cạnh đứa con con trai to béo nhưng ngờ nghệch, vô tri vô giác. Căn nhà tuềnh toàng trống trải, hun hút gió…
“Số phận cay nghiệt với tôi lắm. Khi anh ấy bị tai nạn mất hoàn toàn sức lao động, tôi gần như kiệt quệ. Kiệt quệ về vật chất đã khủng khiếp nhưng sự kiệt quệ về tinh thần còn đáng sợ hơn nhiều. Nhưng rồi tôi nghĩ, mình mà quỵ ngã thì chồng con biết trông cậy vào đâu. Thế là lại gượng dậy”, chị Nhung chia sẻ.
Cứ thế, vừa mải miết băm rau chị vừa chầm chậm kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh gia đình mình. Những sóng gió, những nghiệt ngã của số phận khiến người nghe không thể không chạnh lòng thương xót. Gia đình anh chị đã gắn bó với vùng đất Na Dương từ những năm tám mươi của thế kỷ trước. Chị làm công nhân nhà sàng Công ty than Na Dương. Chồng chị, anh Nông Mạnh Hùng, làm ở Xí nghiệp Xây lắp thuộc Công ty Than 3. Năm 1993, Công ty giải thể, anh chuyển sang làm tại Công ty than Na Dương. Năm 1995, bi kịch ập xuống gia đình nhỏ bé của chị như một định mệnh. Chồng chị không may bị tai nạn lao động gây chấn thương sọ não phải cắt bỏ 1/4 hộp sọ. Mặc dù lúc đó kinh tế rất khó khăn nhưng chị và gia đình vẫn cố gắng ngược xuôi vay mượn khắp nơi với một ước mong duy nhất là chạy chữa cho anh qua cơn hiểm nghèo. Sau hơn 2 tháng nằm điều trị tại bệnh viện, nguy kịch về tính mạng không còn rình rập nhưng anh đã hoàn toàn mất sức lao động. 17 năm nỗi đau sọ não đeo bám anh – 17 năm chị thay chồng cáng đáng tất cả mọi công việc của gia đình, mặt khác thuốc thang, chăm sóc anh mỗi khi trái gió trở trời, vết thương tái phát.
“Nhưng đó chưa phải là nỗi đau đầu tiên của tôi”, chị Nhung nói trong ngàn ngạt nước mắt. Nói chuyện với chúng tôi mà ánh mắt chị dường như vô định. Có lẽ chị đang dõi về một miền ký ức mà bản thân chị cũng không muốn nghĩ đến. Sau 1 năm kết hôn, ai cũng tưởng đôi vợ chồng công nhân người Tày ấy viên mãn hạnh phúc khi chào đón đứa con trai đầu lòng chào đời. Nhưng số phận thật trớ trêu khi đứa bé vừa ra đời đã mắc chứng thần kinh bẩm sinh. Năm nay Hiếu đã 25 tuổi, thường đập phá mọi đồ đạc trong nhà mỗi khi lên cơn động kinh. Trên tay em chằng chịt những vết sẹo, cái đã liền da, cái còn đang rỉ máu, hậu quả của những khi em lên cơn mà mẹ không có nhà, một mình bố không thể giữ nổi. “Xích con lại thì thương lắm mà để bình thường thì không yên tâm, đi làm cứ như có lửa đốt trong bụng”, chị Nhung khóc nấc lên.
Những công việc lẽ ra thuộc về người đàn ông trong gia đình
Cũng theo chị Mai, không hiểu sao tai họa cứ liên tiếp giáng xuống gia đình chị Nhung. Gần đây nhất là tháng 6 vừa rồi, cháu Thảo Hiền bị tai nạn giai thông nặng, tưởng bị chấn thương sọ não. May mắn thay cháu đã bình phục và đi học trở lại nhưng gánh nặng 20 triệu tiền viện phí, thuốc men phải đi vay vẫn treo lơ lửng trên đầu gia đình người phụ nữ ấy.
Bây giờ, hình ảnh người phụ nữ lọc cọc đạp chiếc xe đạp nhỏ chở vài mớ rau ngót đi từ sáng sớm tinh mơ đến tận tối mịt mới về đã quá quen thuộc với bà con chòm xóm. Bên cạnh việc phải lo cuộc sống hàng ngày cùng với tiền đóng học cho con, tiền thuốc thang cho chồng, chị còn phải cố gắng làm để có tiền trả số nợ hơn 20 triệu đồng khi trước vay để chạy chữa cho con gái. Công ty cũng thỉnh thoảng cử người đến động viên chị. Anh em, họ hàng cũng chẳng giúp được gì nhiều vì tất cả cũng đều nghèo khó nên tất cả đều đổ dồn lên đôi vai gầy guộc của chị.
Chia tay gia đình chị Nhung khi hoàng hôn đang dần buông xuống, trong chúng tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh tiều tụy của người phụ nữ đang ngồi băm rau lợn với những vết chân chim hằn sâu bên khóe mắt nhọc nhằn và đôi vai trĩu xuống.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nang-ganh-hai-vai-3319.htm” button=”Theo vinacomin”]