Trong những năm gần đây, ngành Than đã đầu tư rất nhiều cho công tác an toàn lao động, nhờ đó các vụ tai nạn lao động đã giảm đáng kể. Năm 2011 là năm Vinacomin có số vụ sự cố, tai nạn lao động thấp nhất trong 8 năm trở lại đây. Tuy nhiên sang năm 2012, tình hình lại có diễn biến phức tạp, số vụ sự cố, tai nạn tăng sơ với cùng kỳ. Điều đó, một lần nữa lại cho thấy, công tác an toàn không thể một phút lơ là.
Nhận thức tình hình đó, trong những năm qua, các đơn vị thành viên luôn quyết tâm, nỗ lực trong việc tổ chức thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Đa số các đơn vị đều có phòng an toàn, cán bộ làm công tác ATVSLĐ phần lớn có trình độ đại học. Công tác đầu tư thiết bị an toàn năm sau tăng so với năm trước với nhiều trang thiết bị hiện đại, đồng thời trong khai thác, đào lò cũng được đổi mới công nghệ đảm bảo an toàn hơn. Công tác huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động được thực hiện rộng rãi. Hầu như 100% người lao động đều được huấn luyện các nội dung công tác ATVSLĐ như: Quy định pháp luật về ATVSLĐ; quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn và phương pháp sơ cấp cứu cho người bị TNLĐ… Tập đoàn đã tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát các công trường, phân xưởng; rút kinh nghiệm sâu rộng mỗi lần xảy ra sự cố…
Mặt khác, để nâng cao nhận thức cho người lao động, Tập đoàn cũng thực hiện nhiều giải pháp mạnh như: Quy định xử lý nghiêm người đứng đầu doanh nghiệp khi để đơn vị xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng, quy định thưởng những đơn vị đạt mục tiêu đảm bảo an toàn lao động… với mục tiêu năm sau giảm hơn 10% tai nạn lao động so với năm trước, tiến tới mục tiêu giảm hẳn tai nạn lao động trong ngành. Đồng thời, xây dựng mỏ hầm lò “sạch an toàn tiết kiệm hiện đại…” là những mục tiêu lớn mà Tập đoàn đã và đang hướng tới.
Tập đoàn đang tiếp tục thực hiện và không ngừng nâng cao hiệu quả của chương trình tự chủ an toàn để nâng cao trách nhiệm về công tác an toàn lao động trong công nhân, cán bộ và người lao động, kiên quyết quán triệt tư tưởng chỉ đạo “Nơi nào không an toàn, nơi đó không được đưa công nhân vào làm việc”. Các mỏ hầm lò phối hợp với các cơ quan tư vấn, thiết kế cùng các chuyên gia trong và ngoài nước rà soát lại các công nghệ đang được áp dụng, đảm bảo phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện. Các đơn vị sản xuất chú trọng công tác huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, giám sát an toàn, chỉ huy sản xuất; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn lao động, trang bị sổ tay an toàn đến từng người lao động. Nâng cao tính tự chủ để tiến tới mục tiêu “Văn hoá an toàn nơi làm việc”.
Để quản lý tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, Tập đoàn đã thành lập bộ máy làm công tác an toàn chuyên trách thống nhất từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên. Trong đó, người đứng đầu doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính về an toàn lao động, bộ phận giúp việc chủ lực là các thanh tra an toàn lao động, thanh tra mỏ. Ở mỗi chi nhánh cũng đều có sự phân công rõ ràng. Ngoài ra cũng có nhóm giám sát viên an toàn và giám sát hầm lò để thông báo kịp thời khi phát hiện nguy cơ có thể xảy ra ở từng ca, từng giờ. Với mạng lưới kiểm tra, giám sát như vậy, cùng với nỗ lực nâng cao ý thức tự chủ an toàn cho người lao động, hy vọng sẽ hạn chế thấp nhất những vụ sự cố tai nạn trong sản xuất.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nang-cao-y-thuc-nguoi-lao-dong-ve-cong-tac-an-toan-2527.htm” button=”Theo vinacomin”]