Là một trong những đơn vị được lãnh đạo Tập đoàn biểu dương vì đạt được nhiều kết quả tốt trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý vật tư trong năm qua. Hãy cùng tham khảo cách làm của Công ty CP Than Vàng Danh ra sao?
Toàn cảnh Nhà máy sàng tuyển than Vàng Danh 2 (Ảnh Thanh Thảo)
Trao đổi với phóng viên Tạp chí TKV, lãnh đạo Công ty CP than Vàng Danh cho biết, Công ty đã xây dựng hoàn thiện quy chế quản lý vật tư nội bộ phù hợp với quy chế quản lý vật tư mới của Tập đoàn. Cùng với đó, Công ty tiến hành rà soát, ban hành nhiều quy định về quản lý vật tư, thiết bị như quy định về công tác theo dõi và quản lý vật tư, tài sản của các đơn vị sản xuất; quy định về quản lý vật tư, thiết bị sửa chữa, lắp đặt, gia công tái chế; quy định về quản lý gỗ trụ mỏ… Trong quản lý tồn kho vật tư, quan trọng là Công ty đã làm tốt công tác lập kế hoạch vật tư hàng tháng từ các đơn vị sản xuất đến Công ty, từ đó tính toán, cân đối kế hoạch mua sắm vật tư, đảm bảo chủ động sản xuất, dự trữ hợp lý; đồng thời gắn chỉ tiêu tồn kho vật tư với nhiệm vụ của phòng vật tư – coi đây là chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo và đơn vị phòng vật tư.
Việc tổ chức mua sắm vật tư được Than Vàng Danh thực hiện theo quy trình từ khâu lập kế hoạch vật tư – kế hoạch mua sắm – lập dự toán – tổ chức mời chào giá – đánh giá xét duyệt lựa chọn đơn vị cung cấp đến ký hợp đồng, tổ chức nghiệm thu vật tư hàng hoá nhập kho đến thanh quyết toán hợp đồng được thực hiện theo đúng quy trình, quy định hiện hành, đảm bảo công khai, minh bạch và khách quan. Năm qua, Công ty đã thực hiện giảm từ 3 – 5% giá vật tư so với giá mua năm trước ngay từ khâu lập dự toán mua sắm.
Mặt khác, để quản lý định mức sử dụng, tất cả các vật tư của Công ty khi đưa vào sử dụng đều được tính toán và xây dựng định mức để quản lý và giao khoán cho các đơn vị. Kết thúc tháng, quý, Công ty tổ chức quyết toán khoán. Nếu đơn vị tiết kiệm thì được bổ sung thu nhập 60% giá trị tiết kiệm, nếu vượt định mức khoán (lỗ) thì sẽ bị giảm trừ 100% giá trị vào quỹ lương của đơn vị và khi đó lãnh đạo đơn vị coi như không hoàn thành nhiệm vụ. Hàng tháng, quý trên cơ sở kết quả thực hiện, Công ty tổ chức rà soát và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế của từng phân xưởng.
Đặc biệt trong công tác quản lý vật tư thu hồi được Than Vàng Danh thực hiện tốt. Công ty đã tổ chức thu hồi triệt để các vật tư thiết bị trong quá trình sản xuất, để phục hồi tái chế đưa trở lại sản xuất, giảm chi phí vật tư mới. Thực hiện nguyên tắc chỉ cấp phát vật tư mới khi không còn vật tư phục hồi, tái chế. Đồng thời, tất cả các vật tư thu hồi về kho được tổ chức phân loại cụ thể. Với các vật tư sử dụng lại được ngay thì chuyển về kho cấp phát cho các đơn vị sản xuất; đối với các vật tư phải phục hồi sửa chữa thì giao cho Phân xưởng Điện và cơ điện lò thực hiện sửa chữa phục hồi sau đó nhập kho Công ty để cấp phát cho các đơn vị; còn đối với các vật tư không thể phục hồi sửa chữa thì Công ty tận dụng, gia công, chế biến thành những loại vật tư khác như cầu máng cào cắt làm be máng cào và chèn lò, vì lò không phục hồi được thì cắt làm thanh giằng.
Với các giải pháp quản lý vật tư như đã nêu ở trên, chỉ tính riêng năm 2016 đã góp phần mang lại lợi nhuận gần 40 tỷ đồng cho Công ty than Vàng Danh. Năm 2017, Công ty đã và đang tiếp tục tổ chức theo dõi, quản lý chặt chẽ việc sử dụng vật tư, hoàn thiện hệ thống định mức vật tư nội bộ để nâng cao chất lượng khoán chi phí vật tư ở các phân xưởng; kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm vật tư đầu vào, đảm bảo nguyên tắc giá cả mua là thấp nhấp với chất lượng tốt nhất; tổ chức cân đối, lập kế hoạch mua sắm phù hợp với nhu cầu sản xuất, duy trì mức tồn kho vật tư hợp lý, tránh ứ đọng vốn làm tăng chi phí lãi vay…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-vat-tu-cach-lam-cua-than-vang-danh-201707201704587277.htm” button=”Theo vinacomin”]