Nâng cao hệ số thu hồi than sạch là một nhiệm vụ quan trọng trong khai thác, chế biến than, nhằm giảm tỷ lệ tổn thất trong khai thác, tiết kiệm tài nguyên. Để làm tốt vấn đề đó, mỗi đơn vị cần có những giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện địa chất, tính chất vỉa than hay áp dụng phương pháp khai thác, sàng tuyển khác nhau…
Sàng tuyển than tại Công ty Tuyển than Cửa Ông (Ảnh Đoàn Trung)
Loại đất đá ngay trong quá trình khai thác
Tỷ lệ thu hồi than sạch được thể hiện trong tất cả các công đoạn, tư khai thác đến chế biến tiêu thụ. Trong khai thác hầm lò, tỷ lệ thu hồi than sạch thường đạt thấp do các điều kiện địa chất và đặc thù công nghệ khoan nổ mìn trực tiếp vào các vỉa than. Công nghệ này làm cho tỷ lệ đất đá lẫn trong than cao. Nhiều đơn vị khai thác than hầm lò, ngoài việc áp dụng kỹ thuật nổ mìn phù hợp với tính chất của từng vỉa than còn phải vận động công nhân loại đất đá kẹp ngay trong quá khai thác. Sau khi nổ mìn, than được vận chuyển bằng máng cào từ lò chợ xuống hệ thống vận tải bằng băng tải hay goòng đều được loại đất đá kẹp bằng thủ công để nâng cao tỷ lệ thu hồi than sạch. Chẳng hạn như Công ty than Mạo Khê, mặc dù có đặc thù vỉa than chất lượng kém, nhưng do làm tốt công tác loại đất đá ngay tư trong lò chợ, nên tỷ lệ thu hồi than sạch của Công ty trong những năm qua luôn cao, đạt từ mức 85,64% trở lên, đảm bảo theo kế hoạch cơ cấu phẩm cấp đã bảo vệ với Tập đoàn. Ngoài ra, một số đơn vị khai thác hầm lò cũng có tỷ lệ thu hồi than sạch đạt và vượt mục tiêu Tập đoàn giao như than Công ty than Hạ Long, Quang Hanh, Thống Nhất, Dương Huy, Nam Mẫu… Trong đó, Công ty than Nam Mẫu là đơn vị điển hình về việc áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật công nghệ phù hợp nhằm thu hồi tỷ lệ than sạch đạt cao gần 89%.
Đối với các đơn vị khai thác than lộ thiên, mặc dù có thuận lợi hơn nhưng việc phân tầng, khai thác theo trình tự hợp lý các vỉa than cũng có tính chất quyết định đến việc thu hồi tỷ lệ than sạch cao hơn. Những năm gần đây, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị khai thác lộ thiên triển khai trình tự khai thác hợp lý các cụm vỉa. Tiêu biểu là các đơn vị Công ty CP than Đèo Nai, Cao Sơn, Cọc Sáu đã triển khai bài bản, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nói chung và tỷ lệ thu hồi than sạch nói riêng. Tại vùng Thái Nguyên, Công ty than Núi Hồng (Tổng Công ty CN mỏ Việt Bắc), do đặc thù các vỉa than của mỏ than Núi Hồng phân bố dạng thấu kính, chất lượng than không đồng nhất xen kẽ giữa các lớp đá kẹp, xít sét nên ảnh hưởng đến công nghệ khai thác và chất lượng than. Trước thực tế đó Công ty đã lập kế hoạch khai thác tài nguyên trên cơ sở tài liệu địa chất kết hợp với thăm dò bổ sung để nắm bắt chính xác chất lượng và trữ lượng than khu vực khai thác, đặc biệt là tại các vị trí trụ vỉa giáp lớp kẹp để có kế hoạch, phương án khai thác phù hợp.
Phân loại than triệt để trong sàng tuyển
Công tác sàng tuyển, chế biến là khâu cuối của quá trình sản xuất tiêu thụ. Công nghệ sàng tuyển phân loại than có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thu hồi than sạch. Những năm gần đây, các đơn vị sàng tuyển đã áp dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại như tuyển huyền phù, bể lắng để thu hồi triệt để các loại than, kể cả than bùn. Chẳng hạn như, mới đây Tập đoàn đưa vào hoạt động dây chuyền sàng tuyển than bằng công nghệ huyền phù tự sinh tại khu vực Hà Ráng, Công ty than Hạ Long. Đây là dự án do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ – Vinacomin cung cấp thiết bị, lắp đặt dây chuyền, hướng dẫn, đào tạo vận hành. Dây chuyền sàng tuyển than bằng công nghệ huyền phù tự sinh có công suất đạt 300.000 tấn/năm. Nguồn than đầu vào cho dây chuyền sàng tuyển chủ yếu được lấy từ nguồn than khai thác hầm lò, một phần từ khai thác lộ thiên, than chất lượng thấp tồn đọng. Công nghệ của dây chuyền sàng tuyển than được lựa chọn sẽ sàng tách cám tối đa, tuyển than don xô cấp hạt (15-60) mm bằng máy tuyển huyền phù tự sinh, than sạch sau tuyển được nghiền thành than cám để tiêu thụ trực tiếp hoặc pha trộn với than cám sau sàng 250 tấn/h nhằm tạo ra các sản phẩm than cám 5b, cám 6a cung cấp cho các hộ tiêu thụ.
Hệ thống bể lắng công nghệ mới do Công ty Tuyển than Cửa Ông đầu tư xây dựng thay cho phương pháp lắng truyền thống trước đây đã mang lại hiệu quả cao, thu hồi được triệt để lượng than bùn. Đây là loại than cuối cùng trong dây chuyền tuyển nhưng vẫn có giá trị tiêu thụ, với khối lượng không nhỏ, đồng thời giúp bảo vệ môi trường, giảm lượng bùn thải như trước đây trong sàng tuyển, tiêu thụ. Giải pháp công nghệ của công trình có quy mô công suất thiết kế 1 triệu tấn than bùn/năm và có hướng mở rộng lên 1,7 – 2 triệu tấn/năm. Theo công nghệ mới này, bùn nước của các nhà máy tuyển được dẫn đến hệ thống của máy lọc ép tăng áp để khuấy đều, sau đó được bơm vào máy để tách nước. Làm theo công nghệ này bùn than chỉ có độ ẩm bằng và nhỏ hơn 20% rồi được chuyển vào băng tải, sang kho chứa để tiêu thụ. Nước sau khi lọc ép được tách bằng máy phân ly nước và không khí rồi chảy vào bể nước tuần hoàn và được bơm trở lại Nhà máy tuyển để tiếp tục quay vòng hoạt động. Đây là công nghệ tiên tiến có hiệu quả và năng suất cao, các chi phí về tiêu hao nguyên vật liệu phục vụ sản xuất không lớn, tiết kiệm diện tích. Sản phẩm sau khi lọc ép đáp ứng được yêu cầu chất lượng.
Ngoài ra, trong điều hành, Tập đoàn cũng chỉđạo quyết liệt các đơn vị khai thác và sàng tuyển có giải pháp thu hồi triệt để than lẫn trong đất đá. Tập đoàn không chấp nhận đưa vào danh mục các loại đất đá lẫn than, đồng thời yêu cầu các đơn vị chỉ vận chuyển đất đá khi đã được thu hồi triệt để than lẫn trong đất đá và nghiệm thu. Trong điều kiện tiêu thụ than thuận lợi như hiện nay, Tập đoàn cũng chỉ đạo tất cả các đơn vị từ các đơn vị khai thác đến các đơn vị sàng tuyển, chế biến than tận dụng tối đa các loại thiết bị sàng tuyển nhỏ lẻ, kể cả thủ công để phân loại các chủng loại than trong tiêu thụ. Công tác pha trộn các loại than chuyển vùng cũng đã được Tập đoàn triển khai hiệu quả, với mục tiêu cao nhất là nâng cao tỷ lệ thu hồi than sạch trong khai thác và chế biến.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nang-cao-he-so-thu-hoi-than-sach-20190503153002703.htm” button=”Theo vinacomin”]