Năm 2018 chứng kiến sự “đảo chiều” ngoạn mục về công tác tiêu thụ than của TKV. Đầu năm, Tập đoàn nỗ lực căng mình điều hành tăng cường tiêu thụ than để giảm tồn kho bao nhiêu thì nửa cuối năm, TKV lại phải cố gắng bấy nhiêu để sản xuất thêm than cho nền kinh tế trước sức ép của nhiều bộ, ngành cũng như giới truyền thông. Chiến dịch “90 ngày đêm sản xuất than liên tục” được lãnh đạo Tập đoàn mở ra sau hơn một thập kỷ sản xuất cầm chừng, nhất là 5 năm gần đây. Điều đó thêm một lần nữa chứng minh rõ nét nhất về sự điều hành linh hoạt của lãnh đạo TKV và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, ý chí tự lực, tự cường, sự đồng cam, cộng khổ của giai cấp công nhân mỏ, những người thợ TKV.
Một góc nhà sàng tuyển than Vàng Danh
Sức mạnh từ bàn tay vô hình
Ngày Xuân, hãy cùng nhìn lại những điểm sáng trong sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực than, khoáng sản để cùng vui với những người thợ TKV. Điều dễ nhận thấy nhất là giá một số sản phẩm như than, các loại khoáng sản alumin, đồng, chì, kẽm… đều tăng. Chính xác hơn phải nói là tăng trên thị trường thế giới, bởi một số mặt hàng đặc biệt như than ở trong nước vẫn có chính sách điều hành về giá của Nhà nước, nhất là than bán cho các nhà máy nhiệt điện. Các loại khoáng sản được bán theo thị trường thế giới đều mang lại sự thuận lợi. Chẳng hạn như riêng đối với sản phẩm alumin, do giá tăng, hai Nhà máy alumin Nhân Cơ và Tân Rai đã đẩy sản lượng sản xuất lên đạt 100% công suất thiết kế 1,3 triệu tấn. Alumin sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó. Các đơn vị này đã nhân điều kiện thuận lợi, tăng nhanh mức khấu hao, giảm mức lỗ kế hoạch mà vẫn có lợi nhuận cao đạt hàng ngàn tỷ đồng. Năm 2019 dự kiến kế hoạch sản xuất có thể vượt công suất thiết kế. Tương tự, nhiều mặt hàng về kim loại màu cũng có mức lợi nhuận cao do giá thị trường khá tốt. Đối với sản xuất và tiêu thụ than, chứng kiến sự đảo chiều ở tốc độ nhanh chưa từng có, chỉ trong vài tháng cuối năm. Nếu đầu năm, lãnh đạo Tập đoàn TKV phải căng mình đi “bán từng tấn than” để giảm tồn kho, giữ việc làm cho người lao động, giữ chân thợ lò, thì cuối năm lại phải nỗ lực lo sản xuất tăng sản lượng cho các hộ tiêu thụ trong nước. Tập đoàn đã phải phát động “Chiến dịch 90 ngày đêm sản xuất và tiêu thụ than liên tục” và tuyên truyền vận động công nhân, cán bộ các đơn vị tăng cường đi làm đủ ngày công, đảm bảo năng suất.
Tiêu thụ alumin tại Nhà máy alumin Nhân Cơ, Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV
Thế mới thấy, sức mạnh từ “bàn tay vô hình” trên thị trường cung cầu như một siêu nhân vĩ đại. Nó có thể thổi bùng lên ngọn lửa trong sản xuất kinh doanh của bất cứ ngành nghề nào, nhưng cũng dễ dàng nhấn chìm chỉ trong gang tấc. Một số nền kinh tế của các nước phát triển có thể can thiệp nhưng tác dụng cũng chỉ được phần nào. Còn những nước kém phát triển có thể sẽ phải “đứng nhìn” hoặc là hưởng lợi, hoặc là chịu sự thiệt hại nặng nề của những cơn bão như thế. Và một thực tế không thể đứng ngoài cuộc, đó là thế giới đang ngày càng hội nhập, các hiệp hội kinh tế trên nhiều khu vực mở ra buộc các chính sách của một số quốc gia phải thực hiện công bằng, khó có thể bảo hộ. Nhiều chuyên gia kinh tế đều có nhận định, năm 2019 nền kinh tế thế giới tiếp tục sẽ có nhiều thay đổi bởi sự “đụng độ” trong chiến tranh thương mại của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và trong khối EU.
Hãy công bằng hơn với hòn than
Nếu nhìn vào hành trình TKV mở ra nền công nghiệp khai thác bauxite, sản xuất alumin từ hơn một thập kỷ qua mới thấy có quá nhiều gian nan. Nhiều khi, những khó khăn không phải bởi cách làm, điều kiện làm như thế nào, mà ở dư luận. Những lo lắng của dư luận là đáng trân trọng. Nhưng điều quyết định nhất vẫn lại là thị trường. Đúng như Mác nhận định: Thị trường sẽ quyết định sản xuất. Nhưng đó là những sản phẩm được bán theo thị trường. Còn đối với hòn than lại là một câu chuyện khác.
Chỉ nhìn lại 5 năm gần đây cho đến nửa đầu năm 2018, do giá thị trường than trên thế giới sụt giảm sâu. Nhiều hộ tiêu thụ là khách hàng lớn, lâu năm của TKV đã quay ra đi nhập khẩu than. Điều đó dẫn đến toàn Tập đoàn những năm 2015-2016 tồn kho than lên đến 12 triệu tấn, chiếm 1/3 sản lượng than khai thác của toàn Tập đoàn. Trong khi đó, cùng thời điểm các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu về hàng chục triệu tấn than. Sau khi thị trường đảo chiều, giá than thế giới tăng cao, TKV đã chủ động đẩy mạnh sản xuất để tăng cường cung cấp đủ than cho nền kinh tế, trong khi các hợp đồng phối hợp kinh doanh với các đơn vị đã được thực hiện đảm bảo kế hoạch đề ra. Ngành Than nỗ lực như vậy, nhưng dư luận những tháng cuối năm 2018 vẫn nóng lên về việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện. Có lẽ, sở dĩ việc cung – cầu than của nền kinh tế còn phải bàn nhiều vì đây là sản phẩm vẫn được sản xuất nửa theo thị trường, nửa theo kế hoạch. Một mặt, Chính phủ vẫn để lỏng cho các doanh nghiệp có nhu cầu than đầu vào cho sản xuất có thể được tự do nhập khẩu than theo giá thị trường. Một mặt, Chính phủ vẫn giao kế hoạch sản xuất than cho Tập đoàn TKV với nhiệm vụ là một trong những trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.
Cũng từ những lý do trên, điều bất hợp lý hiện nay nhất đối với hòn than là việc giải quyết hài hoà cung – cầu than cho sản xuất điện còn bất cập. Đó là, giá bán than cho các hộ điện hiện nay thấp hơn giá thị trường, và thấp hơn nhiều so với giá than nhập khẩu, do đó cần sớm có chính sách giá, nhất là đối với than pha trộn từ than nhập khẩu với than trong nước sản xuất để ngành Than chủ động tính toán phương án nhập khẩu đảm bảo nhu cầu cho các nhà máy điện ngay từ đầu kỳ kế hoạch. Mặt khác, cần phải có cam kết của các nhà máy nhiệt điện về việc nhận đủ than theo hợp đồng kể cả trong trường hợp giảm điện phát để TKV có thể chủ động trong sản xuất, đầu tư. Không phải cứ lúc thị trường than thế giới thuận lợi, giảm giá thì quay đi nhập than về và lúc khó khăn, tăng giá mới lấy than của TKV. Thực tế, ít ai biết, để đầu tư xây dựng một mỏ than có sản lượng khoảng 2 đến 3 triệu tấn/năm cần phải có số vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng, và đặc biệt phải mất đến 5-7 năm xây dựng mới có thể đi vào khai thác. Ngoài tiền vốn và thời gian như vậy, điều khó khăn hơn cả hiện nay là, để có thể khai thác một mỏ than khoảng 2 triệu tấn than/năm cần tới trên 3000 lao động, trong đó phải có tới 2000 thợ lò, thợ cơ điện lò làm việc dưới lòng đất. Trong khi việc tuyển dụng thợ lò, thợ cơ điện lò hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Hãy công bằng hơn với Hòn Than.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nam-moi-nghi-ve-hon-than-201902011606225576.htm” button=”Theo vinacomin”]