Phim tình báo “Ván bài lật ngửa” (Việt Nam) tạo ra cơn sốt người xem những năm 80 của thế kỷ trước. Trong phim có nhân vật Gã đầu bạc – gã có mái tóc bạc trắng, được nhiều người nhớ. Nhà báo Trần Giang Nam cũng có mái tóc bạc, ngoại hình giống nhân vật này, nên được gán cho biệt danh là “Gã đầu bạc”, từ thời ấy.
Tôi học Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Ngữ văn, ngành Ngôn ngữ.
Trước khi làm báo, tôi đã từng dạy học, nghiên cứu ngôn ngữ và sửa mo rát ở nhà in. Làm các công việc đó đều có ích cho nghề viết báo.
Vì thế, khi về báo Quảng Ninh, làm phóng viên theo dõi văn hoá, thể thao, viết bài đăng trang 3 – trang do nhà văn Lý Biên Cương phụ trách của tờ Quảng Ninh thứ bảy, chỉ trong vòng 2 năm, xét thấy năng lực của tôi có thể đảm trách cả trang thay ông, nên nhà văn đã chuyển giao toàn bộ phần việc của ông cho tôi, để ông rảnh tay viết văn. Tôi vừa làm phóng viên vừa làm các công việc đặt bài, tập hợp bài, biên tập bài vở và lên trang từ đó.
Khoảng 4-5 năm sau, khi tờ Quảng Ninh thứ bảy đổi sang thành Quảng Ninh cuối tuần, tôi được lãnh đạo báo tin cậy giao toàn bộ tờ báo cho đảm trách. Các chuyên mục “Trước đèn” (nhà văn Lý Biên Cương viết); “Cổ học tinh… ma” (nhà báo Lương Hùng viết); “Hương vị quê nhà” (tôi viết) do tôi mở trên báo này được nhiều người tìm đọc.
Tôi làm Quảng Ninh thứ bảy, rồi Quảng Ninh cuối tuần khoảng 20 năm thì xin chuyển về Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam. Bởi một cú điện thoại của nhà báo Nguyễn Thị Kim Phượng.
Chị Phượng trước đây từng làm ở Quảng Ninh thứ bảy và Quảng Ninh cuối tuần nên hai chị em biết rõ nhau. Chị chuyển về Tạp chí Than để hợp lý hoá gia đình và làm Thư ký toà soạn. Chị gọi điện, bảo: Chị sắp nghỉ hưu, chỉ 1-2 tháng nữa. Tạp chí sẽ khuyết chân Thư ký toà soạn, cần người thay thế. Chị soát xét lại những người làm báo mà chị quen biết, chỉ thấy có em là có khả năng và tin cậy hơn cả, nên chị gọi điện cho em. Em có về Tạp chí làm Thư ký toà soạn thay chị không? Nếu có, thì chị đề cử với Tổng biên tập nhận em về. Tôi suy nghĩ cũng không lâu lắm (mất vài ngày) thì gọi điện lại báo cho chị sẽ chuyển về, nếu Tổng biên tập Tạp chí đồng ý và có sự ủng hộ của chị.
Báo Quảng Ninh hơi ngỡ ngàng khi tôi xin chuyển công tác. Nhưng với lý do tôi đưa ra (hợp lý hoá gia đình), ông Tổng biên tập của báo đã đồng ý cho chuyển.
Hai
Tạp chí Than – Khoáng sản hồi ấy có tên Tạp chí Than Việt Nam, ra 2 kỳ, vào ngày 10 và 25 hàng tháng, số trang xê dịch từ 35 đến 40 trang. Lúc tôi về chỉ có 4 người làm nội dung: Tổng biên tập – nhà báo Nguyễn Hùng, nhà báo Lệ Huyền, tôi và nhà báo Cao Thâm (về sau tôi 1 tháng). Anh Hùng ngoài phụ trách chung có tham gia chụp ảnh, làm tin và làm trang quốc tế; còn lại 3 chúng tôi làm. Vì neo người nên chúng tôi đi công tác suốt, phân công nhau đến các đơn vị sản xuất của Ngành ở nhiều tỉnh, để lấy thông tin, phương tiện đi lại tự túc, nên khá vất vả. Cứ đến khoảng ngày 18-19 hàng tháng thì tụ họp nhau về toà soạn cặm cụi viết; tôi ngoài viết còn phải biên tập bài vở của cộng tác viên, đưa cho bộ phận đánh máy đánh máy lại. Nhà tôi cách toà soạn không xa, nhưng nhiều phen phải ở lại đêm, không về. Đói đi ăn bát bún, bát cháo. Cao Thâm cũng thế (Cao Thâm và tôi ngồi cùng phòng). Làm khoảng 2-3 ngày thì xong. Tổng biên tập soát xét lại lần cuối, tôi vào trang, chuyển cho Phân xưởng in, xong, lại phân công nhau đi công tác.
Ngay năm đầu tiên về làm ở Tạp chí tôi đã được tặng bằng khen của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ba
Một hôm đi công tác về, tôi vừa vào phòng bắt gặp một cô bé đang ngồi ở bàn uống nước, cô đứng bật dậy dõng dạc: “Cháu chào bác!”. Cao Thâm giới thiệu: Đây là cháu Thuỳ Linh, sinh viên học phát thanh về thực tập. Tôi chào lại và nói: Cháu về đây thực tập thì hay đấy!
Thuỳ Linh tỏ ra là một cô bé sáng dạ, tiếp thu nhanh các ngón nghề viết lách báo chí mà tôi và Cao Thâm mách bảo. Trong đó có ngón nghề gọi là “bắt chước”. Tôi đã tham gia giảng dạy báo chí cho nhiều sinh viên và cộng tác viên từ sau khoảng 8 năm làm việc ở báo Quảng Ninh (cho đến bây giờ, về hưu rồi, ai mời giảng dạy báo chí vẫn tham gia). Khi dạy, tôi thường mách cho họ cách bắt chước: Bạn muốn viết tin? Hãy đọc các tin người ta đã viết ở báo này, báo kia, và bắt chước viết như họ từ thông tin của mình. Muốn viết bài? Cũng làm cách tương tự. Chỉ khác, nó khó hơn tin nên phải nghiên cứu kỹ và đặt câu hỏi xem tại sao họ lại viết được bài báo hay như vậy; nếu gặp bối cảnh tương tự, mình có viết được như thế không, để mà tìm ra cách viết hoặc lựa chọn cách viết cho phù hợp. Bạn muốn thông tin? Cố gắng ít nhất một lần đi theo một nhà báo lão luyện nào đó học họ cách khai thác thông tin. Muốn xem bài viết của mình viết thế đã đạt chưa? Hãy đối chiếu bài viết của mình với bài đã được đăng xem người ta biên tập lại, chỉnh sửa lại như thế nào và tự đặt ra những câu hỏi tại sao họ lại sửa như thế, hãy tự trả lời, nếu có điều kiện hỏi được người biên tập bài là tốt nhất, chóng thạo nghề nhất. Chúng tôi đã giúp Thuỳ Linh tận tình, ngay từ lúc cô về thực tập và sau này khi cô về làm, truyền dạy mọi ngóc ngách của nghề cho cô. Thuỳ Linh giờ đã là cây bút cứng.
Tôi và Cao Thâm còn được giúp nhiều người khác đến thực tập nghề và thử việc. Tiếc là không có ai xin về Tạp chí như Thuỳ Linh.
Bốn
Một hôm, Tổng biên tập thông báo toàn thể anh chị em cơ quan đi họp bên Tập đoàn, không ai được vắng.
Một cuộc họp lịch sử: Lần đầu tiên, toàn thể CNCB Tạp chí được gặp mặt các vị lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn để giãi bày tâm sự.
Mở đầu cuộc họp, vị lãnh đạo cao nhất Tập đoàn lúc bấy giờ là anh Đoàn Văn Kiển, nói: Hôm nay Tập đoàn gặp toàn thể anh chị em Tạp chí để nghe những lời nói thẳng, nói thật của mọi người xem có những vướng mắc gì cần Tập đoàn giải quyết không. Chỉ nói thẳng nói thật thôi nhé! Tôi có chai rượu Tây người ta biếu, bây giờ mời mọi người, uống xong mới phát biểu, cho thêm khí thế. Nhờ anh Hưng (Chánh văn phòng Tập đoàn) rót rượu hộ.
Rượu uýt ki blách nặng uống cháy họng, nhưng mà thơm, ngon, uống vào là nóng sực người lên ngay và chẳng mấy chốc thấy người rất phấn khích. Anh Kiển biết tôi hay rượu, ngoài chúc chung mọi người, còn đến chúc riêng; một vài vị lãnh đạo khác cũng đến chúc, tôi đều cạn chén.
– Nào! Bây giờ mời ông Hùng, ông là Tổng biên tập, nói trước. Vị lãnh đạo cao nhất Tập đoàn yêu cầu.
Anh Hùng đứng dậy kính thưa khắp lượt rồi báo cáo. (Không thưa, không báo cáo sao được khi gần như chẳng vắng mặt vị lãnh đạo nào). Được một lúc thì anh Kiển bảo: Thôi, ông không phải báo cáo nữa, ông nói xem có cần Tập đoàn giúp đỡ Tạp chí gì không. Tôi cần cái đó.
Anh Hùng nói những gì đó một lúc thì xong, ngồi xuống. Anh Kiển có vẻ không được thoả mãn lắm.
– Nào! Bây giờ đến lượt người khác.
Thấy tôi nhấp nhổm, anh chỉ tay:
– Ông Nam. Đến lượt ông đấy!
Tôi đứng bật dậy:
– Anh muốn nghe những lời nói thẳng, nói thật?
– Thì tôi nói ngay từ đầu rồi còn gì!?
– Thưa anh. Một trong những tôn chỉ của Tạp chí là “Tiếng nói của công nhân, cán bộ ngành Than – Khoáng sản”, nhưng tiếng nói ấy mới chỉ “nói” được một nửa, là cán bộ. Công nhân chưa “nói” đâu.
– Vì sao?
– Vì Tạp chí có đến được tay công nhân đâu. Tạp chí một lần ra, mỗi đơn vị một số lượng ít ỏi, thấy có lác đác ở văn phòng, chỗ cán bộ làm việc. Đó là chưa kể tôi thấy ở Đèo Nai, chỗ phòng văn thư có cả mớ Tạp chí ở đó. Hỏi chị văn thư “sao vậy?”. Chị bảo người đi phát cho các phòng không đi phát, bỏ đấy, ai qua thích thì lấy. Chuyện này chả riêng Đèo Nai đâu, tôi còn thấy ở vài đơn vị khác. Tôi ngồi xe chở đất đá với lái xe, tôi chui hầm lò đến chỗ thợ lò làm việc, tôi đến với chị em cấp dưỡng, người ta hỏi tôi làm gì, ở đâu, tôi bảo tôi là nhà báo, làm ở Tạp chí Than, nhiều người không biết Tạp chí đó là tạp chí gì, vì họ có thấy nó đâu…
Tôi nói hăng, mạch lạc, có sức cuốn hút. Một phần do rượu. Đời tôi, tôi nhận thấy, hễ có chút rượu, uống vừa đủ độ, bao giờ tôi cũng hay. Nhưng lại hay “quá chén”. Đến đấy thì hỏng.
Tôi nói sang vấn đề khác:
– Cũng như người thợ. Làm phải có dụng cụ. Dụng cụ càng chất lượng, tinh xảo thì năng suất càng cao. Công cụ sản xuất quyết định năng suất lao động cơ mà. Vậy mà chúng tôi chưa có đủ tiền để sắm được láp tốp, máy ảnh, máy ghi âm những thứ dụng cụ quan trọng của nghề. Tập đoàn có giúp được không?
Mọi người chú ý lắng nghe ngay từ đầu, nay càng thêm chú ý. Anh Kiển lấy bút ghi nhanh lại cái gì đó.
Trên đà phát biểu của tôi, đến lượt Cao Thâm, Lệ Huyền, Lâm (Quản đốc phân xưởng in Tạp chí), bằng sự thẳng thật của mình bổ sung đậm nét thêm những vấn đề mà tôi nêu ra.
Kết quả là, ngay tại cuộc họp ấy, anh Kiển kết luận hai vấn đề cốt lõi. (1) Đổi phương thức ra Tạp chí. Tạp chí sản xuất ra, Tập đoàn mua rồi phát cho các đơn vị vì đâu chẳng là tiền của Tập đoàn. Đảm bảo ít nhất 10 công nhân phải có một cuốn. Thực hiện bằng ký kết hợp đồng giữa hai bên. (2) Sẽ trang bị cho phóng viên và xưởng in những dụng cụ theo yêu cầu.
– Cuộc họp kết thúc ở đây – anh Kiển nói Cũng vừa đến bữa trưa. Tạp chí đã có lời mời. Tôi có một cái phong bì, người ta vừa trả nhuận bút cho một bài viết của tôi, tôi xin trao cho cô Vân (Kế toán trưởng Tạp chí), góp vào, còn bao nhiêu thì Tạp chí chịu.
Bữa trưa hôm ấy tuyệt vời. Tôi lại uống thêm nhiều rượu.
Năm
Kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 năm ngoái (2014), Cao Thâm có một bài viết khá trung thực về tôi đăng ở Tạp chí và trên blog Cao Thâm (bài “Nhà báo Trần Giang Nam”). Anh nhắc đến tôi hay uống rượu và viêm đại tràng mãn – một bệnh nhà báo hay mắc phải. Tôi đúng là như thế. Tôi làm báo hay được mời uống, nhiều lúc bị ép uống, uống lại hầu như không ăn. Đêm hôm thức viết bài cho kịp hẹn. Ăn uống không điều độ, không ra buồn ra bữa, rượu cứ “tít cung thang”, ngủ nghê thấp thỏm vì lo bài vở, nên tôi bị đại tràng từ lâu. Đến một ngày ra thăm bạn ở Móng Cái, tôi bị cơn đau quặn dữ dội, tưởng chết. Bạn tức tốc đưa tôi sang Trung Quốc đề nghị bác sỹ là người bạn của anh thăm khám, chiếu chụp. Kết quả không sáng sủa: cảnh báo có thể dẫn đến ung thư đại tràng.
Tôi nhớ hồi bé ru em, học ở đâu đó thuộc câu ca dao: “Cái cò cái vạc cái nông/Cùng ăn một đồng nói chuyện giăng ca/Muối kia đổ ruột con gà/Mẹ mình chẳng xót bằng ta xót mình”. Tôi ru em, bố tôi nghe thấy, ông tỏ vẻ không thích. Còn tôi thì chưa hiểu lắm bài ca dao.
Đến khi nhận được kết luận của bác sỹ cảnh báo có thể bị ung thư đại tràng thì tôi nhớ đến câu ca dao đó và đã hiểu.
Và tôi tức tốc vào cuộc. Người bạn ấy giúp tôi vật chất “đắt mấy cũng mua” để chữa theo yêu cầu phác đồ điều trị của bác sỹ. Tôi thông báo cho Tổng biên tập Tạp chí sẽ nghỉ hưu.
Từ tháng 10/2013 tôi chính thức hưởng lương hưu.
Sau hơn 3 năm điều trị ngặt nghèo theo yêu cầu của bác sỹ và vật chất của “quý nhân”, gần đây, sau nhiều lần hội chẩn, các bác sỹ kết luận đại tràng tôi không bị ung thư, chỉ là bị viêm đại tràng mãn, thể nặng, có thể ổn định bệnh bằng dùng thuốc duy trì.
…Tôi viết bài này trên chiếc láp tốp dụng cụ trang bị của Tập đoàn sau kết quả cuộc họp nọ. Về hưu, tôi được Tạp chí tặng, vì nó được liệt vào vật dụng “đã hết khấu hao”. Và viết đến đây, nhìn giờ đã 5 giờ 20 sáng. Không biết bắt đầu viết từ lúc nào. Hình như từ 0 giờ 15.
Tôi viết bài này theo đề nghị của Tổng biên tập Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam hiện nay – Nhà báo Lệ Huyền nhân kỷ niệm 20 năm ngày Tạp chí ra đời. Lệ Huyền còn bảo: Hôm kỷ niệm anh lên (Hà Nội) nhé (tôi đang sống ở Quảng Ninh). Uống rượu và quậy; quậy bài mới nhé.
Tôi nhận lời.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nam-mau-chuyen-cua-ga-dau-bac-10550.htm” button=”Theo vinacomin”]