Cao Bằng – một trong 3 mũi tam giác của Tổng Công ty Khoáng sản – Vinacomin. Mời bạn đọc thả hồn vào một vùng non trước trời mây Cao Bằng thật lãng mạn, thật quyến rũ khi tiết Xuân về.
Non nước Cao Bằng như một bức tranh thủy mặc khổng lồ của người họa sĩ thiên nhiên khoáng đạt với núi với sông, với hồ với thác. Từ xa xưa đã có câu ca dao được nhiều người biết “Nàng về nuôi cái cùng con / Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”.
Không rực rỡ, không sôi động, không hiện đại nhưng thị xã thực sự xinh đẹp và quyến rũ giữa chiều xuân sương giăng khói phủ hình ảnh cô gái Tày ôm cây đàn tính với gương mặt phảng phất buồn.
Qua cầu Bằng Giang, ngược về Hòa An – Hà Quảng trên con đường Pắc Bó chúng ta đến với “Suối nguồn cách mạng”. Dọc hai bên con đường hơn 50km này hoa mơ, hoa mận nở trắng núi đồi. Xa xa là cọn nước quay guồng bên những dòng suối trong mát. Pắc Bó là nơi mà năm 1941, Bác Hồ sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đã trở về Tổ quốc trong một ngày đầu xuân: “Ôi sáng xuân nay, xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về im lặng con chim hót/ Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”. Bắt đầu từ ngày xuân ấy trên mảnh đất này, Bác đã mang đến cho cả dân tộc một mùa xuân bất diệt là độc lập, tự do, là cơm no áo ấm. Núi Mác vẫn vươn cao sừng sững in bóng xuống suối Lê-nin trong mát. Và, hang Pắc Bó, lán Khuổi Nậm, bàn đá lịch sử vẫn còn đâu đây hơi ấm của Người.
Chúng ta tiếp tục đi đến huyện Nguyên Bình. Nơi đây, vào lúc 17 giờ ngày 22/12/1944, trên đỉnh Slam Cao, núi Dền Sinh, dãy Khau Giáng, Tam Kim, châu Nguyên Bình (nay là Khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình) đã diễn ra Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân – tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Con đường Phai Khắt – Nà Ngần từ thị xã vào huyện Nguyên Bình chạy giữa ngút ngát núi đồi. Hoa lá thi nhau khoe sắc hòa cùng tiếng suối reo như xa như gần, như hư như thực. Tất cả vấn vít trong cái khí lạnh và sương mờ giữa ngày đầu xuân. Phai Khắt bây giờ đã có cầu bê tông, có đường nhựa rộng thênh thang, nhiều nhà kiên cố, nhiều quán hàng tấp nập.
Từ Phai Khắt vào Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo chỉ mất một quãng đường ngắn. Bây giờ, ngay dưới chân núi đã dựng một nhà bia tưởng niệm. Một số tư liệu lịch sử về “Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” và tên của 34 đội viên được khắc lên tấm bia bốn mặt, đặt chính giữa nhà tưởng niệm… Từ chân núi, chúng ta bắt đầu leo những bậc xi măng đầu tiên lên đỉnh Slam Cao – là đỉnh cao nhất trong dãy Khau Giáng. Hai bên đường lá khô rụng dày thành thảm. Khu rừng này vẫn giữ được vẻ hoang sơ. Lên đến đỉnh là vạt đất bằng phẳng, có dựng một cột cờ và tấm bia ghi dấu nơi đã từng đặt đài quan sát đồn Phai Khắt của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Cao Bằng còn nổi tiếng với những danh thắng như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao; hồ Thăng Hen. Thác Bản Giốc – là tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng. Thác nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, thuộc xã Đàm Thủy. Với độ cao 53m, rộng khoảng 300m, gồm 3 tầng, chia ra nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau… trông thác hệt như một bức tranh sinh động kỳ vĩ… Giữa thác có một mô đá rộng phủ đầy cây đã xẻ dòng sông thành ba luồng nước như ba dải lụa trắng tung bay.
Cao Bằng còn rất đặc trưng bởi nhiều dãy núi đá vôi thiên hình vạn trạng, ẩn chứa nhiều hang động, nhũ đá kỳ thú như Ngườm Ngao, Phia Oắc, Phia Đèn. Đẹp nhất, độc đáo nhất là động Ngườm Ngao (hang hổ), thuộc bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, cách thác Bản Giốc khoảng 3km. Động Ngườm Ngao có chiều dài 2.144m, gồm 3 cửa chính, phong cảnh rất đẹp với những dải thạch nhũ đá đa sắc trải khắp chiều dài động.
Điểm cuối cùng mà chúng ta đến là hồ Thăng Then thuộc huyện Trà Lĩnh. Hồ gồm 36 hồ đẹp trên đỉnh núi cao. Ngồi trên thuyền, chúng ta thực sự ngỡ ngàng trước một khung cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình với những cụm cây xanh cheo leo vách đá, soi bóng xuống mặt nước trong xanh, uốn theo lòng hồ mấp mô những mỏm đá ngầm.
Cao Bằng sẽ để lại trong chúng ta những hình ảnh thật quyến rũ, đẹp đến ngỡ ngàng với núi cao, suối sâu, thác lạ và những di tích lịch sử của mảnh đất cội nguồn cách mạng.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/mua-xuan-di-tray-nuoc-non-cao-bang-898.htm” button=”Theo vinacomin”]