Lâu nay, khi nói đến Công ty CP Than Sông Hồng, đơn vị được giao nhiệm vụ tiêu thụ than cuối nguồn của Tổng Công ty Đông Bắc, nhiều người ở Tập đoàn vẫn nói vui, “kinh doanh than cứ học “ông Sông Hồng”, có mấy chục người mà bán cả triệu tấn than”. Và một ngày đầu đông, PV Tạp chí Than – Khoáng sản đã đến mục sở thị các “ông Sông Hồng” đã kinh doanh than thế nào.
Biết được ý định của chúng tôi muốn tìm hiểu về các trạm chế biến kinh doanh than của Công ty, Thượng tá Nguyễn Danh Hiếu – Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty – tỏ ra rất vui mừng. “Tuy nhiên, một ngày thì tối đa chỉ đi được 3 trạm thôi nhà báo ạ”. Ba trạm ngẫu nhiên đã được chọn ra, và chúng tôi lên đường…
Điểm đầu tiên mà chúng tôi dừng chân là Trạm Chế biến Kinh doanh than Hải Phòng. ấn tượng đầu tiên của tôi về Trạm là sự quy củ, nề nếp và tác phong làm việc chuyên nghiệp của những người nơi đây. 9 giờ sáng, cái nắng đầu đông không đủ gắt gao làm rát mặt người nhưng cũng đủ làm cho lưng áo người thợ thấm đẫm mồ hôi. Tuy nhiên, trên những dây chuyền tuyển rửa, những người thợ vẫn cần mẫn làm việc. Bên sông, xe cẩu đang bốc than lên bãi, ánh than ánh lên lấp lánh mỗi khi cần cẩu vung lên. Chỉ với 7 biên chế và khoảng 30 lao động thời vụ, 9 tháng đầu năm, sản lượng than giao khách hàng của Trạm là gần 100.000 ngàn tấn, doanh thu trên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, ấn tượng hơn cả là sự dám nghĩ, dám quyết, dám làm của người Trạm trưởng còn rất trẻ – Đại úy Lê Xuân Đính.
Sinh năm 1975, quê Thái Bình, nhưng Hải Phòng mới chính là đất dụng võ của Đính. Và chàng Đại úy trẻ ấy đã thành công. Năm 2006, sản lượng của Trạm chỉ đạt con số rất khiêm tốn 20.000 tấn. Để đạt con số gấp gần 5 lần con số đó ở thời điểm hiện tại, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể anh em trong Trạm thì sự quyết liệt của người đứng đầu là rất đáng nói. Trước GĐ Công ty, Trạm trưởng đã mạnh dạn xin tăng lượng vốn và thành công hôm nay chính là lời giải thỏa đáng cho sự quyết liệt đó. Ngày nay, không chỉ sản lượng của Trạm luôn đứng trong tốp dẫn đầu Công ty, mà ngoài chế biến kinh doanh than, Trạm còn làm được nhiều hơn thế. Vốn không đủ, Trạm đã huy động các nguồn vốn khác để đầu tư máy móc, nơi ăn chốn ở cho anh em, mở rộng diện tích kho bãi để thuận lợi hơn cho công việc và chiến lược mở rộng sản xuất đa ngành sau này. “Tương lai, đây sẽ là cảng dịch vụ bốc xúc cho địa phương”, Đại úy Đính quả quyết nói.
Nhận thấy muốn doanh được tốt thì điều quan trọng là khâu chế biến cũng phải tốt. Tham khảo các hệ thống tuyển rửa của Vinacomin, Trạm đã tự xây dựng hệ thống tuyển rửa phù hợp với sản lượng tiêu thụ. Mô hình này đã được nhiều người trong Công ty và Tập đoàn đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm.
Không bàn nhiều về công việc thường niên là chế biến kinh doanh than và làm than dịch vụ, câu chuyện về Trạm Chế biến Kinh doanh than Bắc Thái bắt đầu từ… chuyện làm than tổ ong. Thoạt nghe qua, chắc hẳn nhiều người sẽ rất ngạc nhiên, thậm chí còn nghĩ “làm than tổ ong thì có gì đáng nói”, nhưng câu chuyện làm than tổ ong ở đây hoàn toàn khác.
“Cách đây 3 năm, chúng tôi bắt đầu sản xuất than tổ ong, ngại ngùng lắm. Mình đường đường là một đơn vị kinh doanh than của một Công ty lớn mà lại đi sản xuất than tổ ong…”, câu chuyện bắt đầu bằng một giãi bày hết sức thật thà của Trạm trưởng Bùi Anh Phương. Khi mới bắt đầu làm than tổ ong, quy mô rất nhỏ, chủ yếu là để tiêu thụ than phẩm cấp thấp, sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ trong địa phương. Tuy nhiên, đã quyết làm gì thì phải làm thật tốt. ý thức rõ điều này, những con người nơi đây bắt đầu vạch ra kế hoạch đi tìm nguyên liệu cho những viên than sạch của mình. Và để có những viên than sạch ngày hôm nay, Bùi Anh Phương đã thử nghiệm không biết bao nhiêu lần với các chất liệu khác nhau mà anh tìm được. Bây giờ thì những viên than tổ ong không khói, không mùi, cháy đượm đã trở thành thương hiệu than Anh Phương, chiếm lĩnh độc quyền một trị trường rộng lớn từ khắp thị trấn Đông Anh đến tận Cao Bằng. 7 máy ép than làm việc hết công suất cũng không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, Trạm đang có ý định sẽ đầu tư thêm 4 máy ép nữa. Không chỉ mang lại lợi nhuận cao, mà công việc này đã tạo công ăn việc làm cho hơn 40 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng gần 3 triệu đồng/người/tháng. Đó là khoản thu nhập mơ ước của những người dân thuần nông xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên này. Khi được hỏi tại sao lại quyết định làm than tổ ong, Phương nói, mong muốn lớn nhất của anh là những người lao động nghèo, chưa có điều kiện dùng bếp ga sẽ được dùng những viên than chất lượng cao, không độc tố, và có như vây họ mới bớt phá rừng.
Nhìn những chiếc xe nối nuôi nhau vào nhận than, những viên than mới ra khỏi máy, chưa kịp ráo đã được chuyển lên xe mới thấy, một quyết định đúng đã làm thay đổi tất cả.
6 giờ chiều, trời mùa đông nên khá tối, không rõ mặt người, nhưng tại Kho Thanh Trì (Trạm Chế biến Kinh doanh than Hải Hưng), mọi người vẫn đang làm việc. Đem thắc mắc này hỏi với Đại úy Nguyễn Văn Chiến – Trạm trưởng, anh cười lớn: “Công việc của chúng tôi là như vậy, việc xuất nhập hàng thì không phụ thuộc vào giờ hành chính”.
Hiện, Trạm có 2 kho, kho Thượng Vũ ở Hải Dương và kho Thanh Trì ở Hà Nội. Địa bàn hoạt động kinh doanh tương đối rộng lớn, từ Bắc Ninh, Bắc Giang đến Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nội. 9 tháng đầu năm, sản lượng than chế biến và tiêu thụ của Trạm đạt khoảng 150 ngàn tấn. 8 biên chế và vài chục lao động thời vụ với khối lượng công việc lớn và địa bàn hoạt động dàn trải như vậy thật đáng nể. Đại úy Chiến chia sẻ, chỉ có một cách để làm tròn và làm tốt khối lượng công việc này, đó là mỗi người ở đây phải biết làm và biết kết hợp nhiều việc.
Anh Vũ Văn Hân, người phụ trách công tác thống kê của Trạm cho biết, làm việc và gắn bó với hòn than lâu năm, càng thêm yêu quý và trân trọng hòn than hơn. Sản xuất than nhọc nhằn nhưng những người kinh doanh than cũng vất vả không kém. Hàng tuần, anh vẫn đi lại giữa Hải Dương và Hà Nội để sao cho các số liệu thống kê của mình phải luôn thật chính xác, phục vụ tốt nhất cho công việc của Trạm.
Trời càng lúc càng tối, ngoài bến sông kia lại có tàu vừa cập bến giao than. Hân chào vội chúng tôi trước khi ra giao nhận chuyến hàng mới, và lúc đó đã là 8 giờ.
Lời kết
Trên đây chỉ là 3 trạm kinh doanh than mà chúng tôi đi qua, còn rất nhiều các trạm khác nữa. Mỗi trạm một sắc thái nhưng tựu chung vẫn là tình yêu lao động nồng nàn, sự phát huy có hiệu quả bản lĩnh và phẩm chất của người lính với tính kỷ luật-đồng tâm của thợ mỏ. Và chúng tôi hiểu rằng, đó chính là lời giải cho sự phát triển bền vững của Sông Hồng hôm nay. Làm một phép so sánh nhỏ, nếu như ở những năm đầu, sản lượng than tiêu thụ của Công ty chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn khoảng 200.000 tấn/năm, thu nhập bình quân đạt gần 1,5 triệu đồng/người/tháng thì ở thời điểm năm 2011 này, các con số đó đã tăng gấp nhiều lần: Sản lượng than tiêu thụ đạt xấp xỉ 2 triệu tấn/năm, thu nhập bình quân trên 9 triệu đồng/người/tháng… Những con số thống kê dường như khô khan, nhưng chắc chắn đằng sau một sự tăng trưởng mạnh mẽ, một thương hiệu uy tín là rất nhiều mồ hôi, công sức, trí tuệ và bản lĩnh của người lính thợ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/mot-ngay-cung-than-song-hong-791.htm” button=”Theo vinacomin”]