“Kỹ sư trưởng môi trường và trồng rừng” là chức danh chuyên môn được giao cho nguyên Trưởng ban Môi trường TKV Trần Miên mà ông rất thích và tự hào mỗi khi nhắc tới ngay cả khi đã rời nhiệm vụ ấy vài năm nay. Một giờ với ông để hiểu hơn tâm huyết của người có nhiều ý tưởng, kinh nghiệm xử lý vấn đề môi trường của ngành Than một thời.
Dù đã nghỉ chế độ nhưng vẫn thấy ông làm việc mỗi ngày, đấy là bởi nhiệm vụ hay là vì đam mê?
Có lẽ bởi cả hai. Nhiệm vụ là do công việc đã nhận làm. Còn đam mê thì… chẳng có gì ngăn mình lại được. Môi trường với tôi như một duyên nợ. Trong cuộc đời công tác, tôi có hai thời điểm hạnh phúc. Thời điểm thứ nhất là khi tôi xuống vùng than Quảng Ninh để nhận nhiệm vụ phụ trách công tác môi trường và trồng rừng của Tổng Công ty Than Việt Nam. Lúc đó, tôi được vùng vẫy trong lĩnh vực chuyên môn ưa thích từ khi theo học cao học tại Pháp về phục hồi môi trường mỏ. Thời điểm thứ hai là ngay sau khi được nghỉ chế độ, tôi được Giám đốc Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin mời làm cố vấn cho Công ty về lĩnh vực môi trường. Lần này, tôi lại được đắm mình trong những ý tưởng kỹ thuật, công nghệ mà trước đây tôi không có điều kiện thời gian để thực hiện. Giờ đây, tôi thấy mình như trẻ lại vì xung quanh tôi là các đồng nghiệp rất trẻ trung, năng động và lúc nào cũng phải động não cho các ý tưởng, phương án.
Tôi cảm nhận được niềm đam mê của ông với nghề. Nhưng thiết nghĩ, điều hạnh phúc hơn cả, chính là khi những ý tưởng tâm huyết ấy lại gặp được sự đồng thuận của cấp trên?
Đúng thế. Điều này rất quan trọng. Tôi chứng kiến những biến cố, thăng trầm của Ngành nhưng chưa bao giờ thấy Lãnh đạo Tập đoàn xem nhẹ công tác môi trường. Những ngày đầu mới thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam, chi phí hàng năm cho công tác môi trường không nhiều do mức độ nhu cầu lúc bấy giờ chỉ ở mức như vậy. Rồi Quỹ Môi trường được thành lập với nguồn kinh phí 1% chi phí sản xuất của các đơn vị khai thác than, hệ thống quản lý môi trường hình thành với Ban Môi trường trên cơ quan Tập đoàn và các phòng môi trường dưới các công ty con, một công ty chuyên ngành môi trường được thành lập… Tính ra hiện nay cũng phải gần 1.000 tỷ đồng chi ra mỗi năm cho công tác này. Nếu không có sự đồng thuận của Lãnh đạo và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, làm sao Tập đoàn có thể duy trì đều đặn mức chi phí hàng năm cho công tác bảo vệ môi trường như vậy?
Có hai phát kiến quan trọng làm thay đổi hẳn tình thế môi trường vùng than là chuyển phương thức đổ thải từ bãi thải cao sang bãi thải phân tầng với giải pháp phù hợp để ổn định sườn bãi thải và quản lý nước thải mỏ trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hiếm có một doanh nghiệp nào trong lĩnh vực khai khoáng đạt được những thành tựu bảo vệ môi trường như TKV. Cũng đã đến lúc TKV nên nghĩ đến hợp thức hóa bản quyền về những giải pháp kỹ thuật, công nghệ môi trường độc đáo của mình.
Vừa qua, có những tập đoàn lớn coi nhẹ môi trường, dẫn đến hậu quả là gặp phải phản ứng gắt gao của xã hội. Ngành Than – Khoáng sản là một trong những ngành “nhạy cảm” về vấn đề môi trường, chúng ta cần ứng xử như thế nào, thưa ông?
Tôi biết rằng, thời điểm hiện tại, sản xuất của Tập đoàn đang gặp nhiều khó khăn nhưng không thể vì thế mà coi nhẹ môi trường, giảm trách nhiệm với xã hội. Tôi tin là dù có khó khăn đến mấy thì vấn đề môi trường cũng vẫn sẽ được Lãnh đạo TKV quan tâm. Là người có những kinh nghiệm nhất định, tôi nghĩ rằng điều quan trọng chính là cái “tâm” của người lãnh đạo dù ở bất kỳ cấp nào. Chúng tôi cũng đang tập trung nghiên cứu xây dựng các dự án chiến lược hoặc dài hạn về môi trường vùng than và khoáng sản. Còn bài toán tài chính cho công tác môi trường, đến giờ phút này, tôi đã nhìn thấy có những lợi nhuận do các dự án môi trường mang lại, thật sự chứ không phải là có thể. Đã đến lúc các dự án môi trường đơm hoa, kết trái, chỉ có điều ta nhận biết và đón nhận chúng như thế nào thôi!
Vâng, xin cảm ơn ông!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/mot-gio-voi-ky-su-truong-moi-truong-trong-rung-201611110008339665.htm” button=”Theo vinacomin”]