Thực tế đã minh chứng, hiếm có ở địa phương nào mà sự phát triển của ngành kinh tế lại có quan hệ “máu thịt” như tỉnh Quảng Ninh với ngành Than. Sự phát triển tuy hai mà một này đã được tỉnh và ngành Than vun đắp bền vững xuyên suốt qua rất nhiều thời kỳ, nhiều thế hệ.
Phải khẳng định rằng, trong lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Quảng Ninh, ngành Than là ngành kinh tế quan trọng, luôn đóng góp trên dưới 50% GDP và thu ngân sách của tỉnh, tác động tích cực đến tình hình KT – XH, an ninh trật tự trên địa bàn. Song hành với đó, trong quá trình xây dựng và phát triển của mình, ngành Than luôn nhận được quan tâm chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ và đồng hành của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh trong SXKD than, trong bảo vệ khai trường ranh giới mỏ, trong bảo vệ môi trường, xây dựng các khu dân cư và nhà ở tập thể cho công nhân.
Trên thực tế, các cơ sở hạ tầng công nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hầu hết đều tập trung ở ngành Than. Nhân lực của ngành Than chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn nhân lực công nghiệp của tỉnh. Đồng thời, nhiều công trình phúc lợi có ý nghĩa lớn của tỉnh đều do ngành Than góp sức xây dựng. Với tinh thần chung tay góp sức cùng cộng đồng, hàng năm, CBCNV ngành Than đều đóng góp, hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn Quảng Ninh. Không chỉ vậy, phong trào văn hoá – thể thao của ngành Than đã góp phần quan trọng trong hoạt động văn hoá – thể thao của tỉnh Quảng Ninh, nhiều tác phẩm văn hoá, nghệ thuật về ngành Than đã góp phần nâng cao vị thế của tỉnh Quảng Ninh với bạn bè trong nước và quốc tế…
Ngược lại, trước những khó khăn của TKV, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp có tính lâu dài như: tạo điều kiện để tái cơ cấu ngành Than; giữ vững ổn định địa bàn bằng giải pháp quyết liệt trong ngăn chặn việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh trái phép; thúc đẩy việc áp dụng khoa học công nghệ trong khai thác than; dành nguồn lực để đào tạo và phát triển lực lượng lao động có tay nghề thông qua các chính sách đối với các trường nghề mỏ trên địa bàn tỉnh và các cơ chế khuyến khích đối với doanh nghiệp liên quan đến khai khoáng để thu hút và đào tạo lao động… Song song và cụ thể hơn, tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để TKV và các đơn vị thành viên ổn định sản xuất kinh doanh; ưu tiên để ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, gắn việc khai thác với sử dụng hợp lý, tiết kiệm có hiệu quả nguồn tài nguyên than, bảo vệ môi trường, đảm bảo thực hiện các hoạt động khai thác than sạch hơn, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Mặt khác, lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Tập đoàn thường xuyên tiến hành định kỳ có các buổi làm việc, thành lập tổ công tác để kịp thời có các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các đơn vị ngành Than. Đối với các khó khăn vượt khỏi tầm giải quyết của tỉnh, tỉnh thống nhất và cùng Tập đoàn kiến nghị với Trung ương.
Như vậy, ngành Than và tỉnh Quảng Ninh luôn có sự gắn bó mật thiết với mục tiêu hiện thực việc xây dựng ngành Than thành ngành kinh tế gương mẫu và tỉnh Quảng Ninh thành một tỉnh giàu đẹp như mong muốn của Bác Hồ. Kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ – Truyền thống ngành Than và 53 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh chính là dịp để các tầng lớp nhân dân Quảng Ninh, trong đó có đội ngũ những người công nhân mỏ cùng nhau ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của mình. Mỗi dấu ấn phát triển của ngành Than luôn ghi đậm tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Và không phụ tình cảm đó, ngành Than cũng đã nỗ lực, phấn đấu, góp phần tích cực vào sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong nhiều thập kỷ qua…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/moi-quan-he-mau-thit-201611131520463908.htm” button=”Theo vinacomin”]