Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng mỏ Cẩm Phả, Quảng Ninh. Những đứa trẻ như chúng tôi lớn lên quen với những cái mũ lò với cái đèn tròn như quả cam sành, sáng quắc, những hòn than óng ánh đủ kích cỡ hơn là những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay với đàn trâu đủng đỉnh gặm cỏ. Cũng bởi vậy, chúng tôi quen với một ngày trong năm được gọi với cái tên rất hào hùng: “ngày miền mỏ bất khuất”.
Ngày ấy, bọn trẻ chúng tôi còn chưa hiểu: 12/11, miền mỏ bất khuất là ngày gì mà bố mẹ, cô chú đang làm công nhân lại được nghỉ làm, mỗi người được thưởng một khoản để “chào mừng”. Mấy đứa con gái hay đi văn nghệ được xúng xính trong chiếc váy điệu đà, được các thày cô đưa đến chúc mừng các đơn vị than kết nghĩa thường hát câu ca: “Quảng Ninh quê em vùng mỏ đẹp giàu bao la/Quảng Ninh quê em truyền thống bất khuất vang xa/ Quảng Ninh quê em nơi thành phố mỏ đẹp giàu/Tiếng còi tầm náo nức vào ca…”.
Lớn thêm một chút, tôi bắt đầu biết lắng nghe những câu chuyện mà người thân thường kể lại. Đó là câu chuyện ông nội nói về cụ ngày còn làm phu mỏ, mỗi ngày thợ phải làm từ 10 đến 12 giờ, tiền lương ít ỏi, cuộc sống cơ cực lầm than lại thường xuyên bị bọn cai ký đánh đập bớt xén. Không có con đường nào khác, những người phu mỏ như cụ đã vùng lên đấu tranh đòi chủ mỏ tăng lương, giảm giờ làm. Từ nhiều cuộc đấu tranh mang tính phong trào tự phát, manh mún đã đi tới đỉnh cao là Cuộc tổng bãi công vang dội của hơn 3 vạn thợ mỏ từ ngày 12/11/1936. Chỉ sau gần 10 ngày đấu tranh quyết liệt, cuộc bãi công đã thắng lợi vào 3 giờ chiều ngày 20/11, khiến bọn chủ mỏ và cả bọn thống trị Pháp ra thông báo chấp nhận tất cả mọi yêu sách của cuộc bãi công. Vào năm ông bà sinh ra bố cũng là năm mà ngày 12/11 được Ban Thường vụ Khu úy Hồng Quảng chọn là ngày kỷ niệm cuộc đấu tranh anh dũng năm 1936, “Ngày Hội lớn” của giai cấp công nhân và nhân dân khu Mỏ. Và còn cả câu chuyện ông truyền nghề lại cho bố, căn dặn hãy quyết tâm bám mỏ dù cho có đôi lúc gặp khó khăn. Quả thật, bố đã nhiều lần thuyên chuyển qua nhiều vị trí ở các xí nghiệp khác nhau, nhưng bố chưa từng bỏ nghề ra làm ngoài như một số người bạn đồng niên hồi ấy. Kiên trì bám trụ, bố tôi về nghỉ chế độ sau khi trải qua 35 ngày “Miền mỏ bất khuất” – cũng là 35 năm gắn bó với chiếc áo công nhân màu xanh đã bạc màu.
Sau này, khi có may mắn được công tác trong ngành, tôi thêm hiểu, ông tôi, bố tôi và tất cả những người thợ mỏ đã và đang mang trên mình sứ mệnh đi tìm vàng đen cho Tổ quốc – Tất cả họ đều là những người chiến sỹ kiên trung. Dẫu đã trải qua 82 năm kể từ ngày 12/11 lịch sử ấy, cho đến nay, ngành Than đã không ngừng lớn mạnh. Bằng chứng là những tấn than qua từng thời kỳ đều tăng vọt so với thời kỳ trước, đời sống người lao động không ngừng được cải thiện, nâng cao. Thậm chí, tinh thần hào hùng “Kỷ luật và Đồng tâm” năm xưa đã lan tỏa sâu rộng và trở thành niềm tự hào của người công nhân Quảng Ninh và cả những địa phương lấp lánh thương hiệu TKV.
Với tôi, ngày “Miền mỏ bất khuất” hàng năm là một dịp để gia đình tôi và biết bao những mái nhà thợ mỏ nhiều thế hệ cùng ôn lại những điều tốt đẹp đã qua. Tôi tự hào, bởi truyền thống hơn 80 năm do đấu tranh và xây dựng bền bỉ ấy, không phải ngành nghề nào cũng có được. Và tôi càng tự hào hơn, khi là một trong những thế hệ người trẻ đã và đang bước tiếp trên chặng đường vẻ vang, nơi tập ý chí, sức mạnh của lớp lớp thợ mỏ Việt Nam hăng hái thi đua để đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/mien-mo-bat-khuat-trong-toi-201811081540281013.htm” button=”Theo vinacomin”]