Núi Béo là Công ty khai thác than lộ thiên có sản lượng cao nhất nhì Tập đoàn CN Than – Khoáng sản hiện nay. Thế nhưng, đằng sau con số ấn tượng trên 5 triệu tấn than đó, là những trăn trở của lãnh đạo Công ty trong vấn đề cải tạo, phục hồi môi trường ở các bãi thải để không làm ảnh hưởng đến người dân thành phố ở những khu vực tiếp giáp với ranh giới mỏ của Công ty.
Năm 2009, Than Núi Béo được Tập đoàn giao cho nhiệm vụ trồng thử nghiệm trên bãi thải loại cỏ Ventiver – một loại cỏ có xuất xứ từ Châu Phi, mới được biết đến ở Việt Nam, song đã áp dụng thành công ở nhiều nơi trên thế giới. Ưu việt lớn nhất của nó là có bộ rễ trùm rất dài, ăn sâu vào lòng đất nên có khả năng giữ đất khá tốt. Cùng thời điểm này, Công ty cũng triển khai nghiên cứu, áp dụng trồng cây keo tai tượng. Đây là loại cây dễ sống, có thể sinh trưởng cả trong những vùng đất cằn cỗi, khả năng cải tạo đất tốt, giá cả lại phải chăng, rất phù hợp để trồng trên bãi thải.
Sau thời gian phân tích kỹ và triển khai thử nghiệm, Than Núi Béo quyết định trồng cỏ ventiver ở sườn các bãi thải để chống xói mòn. Còn các cây keo tai tượng, Công ty tiến hành trồng trên bề mặt bãi thải để chống bụi nhằm tiến tới cải tạo môi trường sinh thái nơi đây. Cũng từ những nghiên cứu chuyên sâu đó, Công ty đã đánh giá được hiệu quả và quyết định đầu tư vào dự án trồng cây phục hồi bãi thải này với kinh phí lên tới hàng trăm triệu đồng. Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao để cả cỏ Ventiver và keo tai tượng đều sinh trưởng tốt ở nơi mà chất dinh dưỡng thiếu trầm trọng. Thách thức rất lớn này “đặt” trực tiếp lên vai đội ngũ nhân viên làm công tác môi trường của Than Núi Béo.
Để dự án phát huy hiệu quả, vừa trồng cây, Công ty vừa nghiên cứu, tìm tòi những cách thức trồng cây mới. Một trong những cách đó là việc quyết định rải sơ dừa lên những vùng có quá nhiều đất, đá khối to; kết hợp với việc dặm phân đều đặn cho cây nhằm tạo 1 lớp đất ban đầu cho cây phát triển. Thêm nữa, Công ty còn cử nhân viên môi trường đi tìm những mảng đất bùn ở nơi khác để đổ vào những vùng quá cằn cỗi trên bãi thải để cải tạo thổ nhưỡng.
Bên cạnh công tác tạo “độ mùn”, việc cung cấp đủ nước cho các cây non này cũng đặt ra nhiều “thách thức” cho nhân viên chăm sóc. Bởi đây là vùng đất cằn cỗi trong khi cây thì không thể thiếu nước một ngày, mà việc vận chuyển những xe nước từ dưới mặt bằng lên tới độ cao +256 rất khó khăn, lại tốn nhiều chi phí. “Trong cái khó ló cái khôn”, Công ty đã có sáng kiến đào trực tiếp trên bề mặt bãi thải những vũng đất sâu để từ đó tận dụng nguồn nước thiên nhiên làm nước tưới cho cây, vừa thuận tiện lại tiết kiệm được 1 khoản tiền không nhỏ.
Cứ thế, ngày này qua ngày khác, những người làm công tác môi trường của Than Núi Béo miệt mài “ăn cùng cây, ngủ cùng cây” với ước muốn thấy lại được “màu xanh nguyên thủy” trên tầng. Và rồi, hơn 6 tháng sau những ngày miệt mài, kiên trì, theo dõi sát sao mọi diễn biến của cây, họ đã nuôi dưỡng thành công những cây mầm, giúp cây vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, để từ đây cây có thể tự sống và phát triển độc lập mà không cần sự chăm sóc của họ.
Tính đến năm 2012, sau hơn 3 năm bắt đầu triển khai dự án, tổng diện tích cây xanh mà Than Núi Béo trồng được đã lên tới 25 ha, trong đó có 8,9 ha cỏ ventiver.
Hôm nay đây, trên khai trường Công ty Cổ phần Than Núi Béo, trước mặt chúng tôi là màu xanh ngút ngàn của những ngọn cây đã cao gần bằng đầu người, thấp thoáng đâu đó, những chú chim nhỏ về đây tìm nơi trú ẩn – một hệ sinh thái mới đã dần được hình thành dưới bàn tay chăm sóc của những người thợ mỏ Núi Béo. Và có lẽ, cũng không có gì bất ngờ khi Công ty liên tiếp được chọn là điểm đến của rất nhiều các vị lãnh đạo Nhà nước, các đoàn doanh nghiệp tham quan việc cải tạo đất và phục hồi môi trường. Song, với mỗi cán bộ, công nhân viên cũng như lãnh đạo Công ty Cổ phần Than Núi Béo, việc đem lại cho người dân đất mỏ một môi trường xanh, sạch mới là phần thưởng lớn nhất.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/mau-xanh-tren-khai-truong-than-nui-beo-2692.htm” button=”Theo vinacomin”]