Vậy rồi cái nắng nóng của mùa Hạ cũng dần qua đi. Thay vào đó là sự mát dịu của mùa Thu đúng như quy luật của đất trời. Mùa Thu gợi cho người ta nhiều cảm xúc, đan xen những hoài niệm, hồi ức. Trong đó, không thể không nói đến một mùa Thu Cách mạng. Đối với những người thợ mỏ nói chung và người dân Mạo Khê nói riêng, đó là những ký ức đầy tự hào.
Khánh thành khu di tích thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tại Mạo Khê
Trong số các vùng miền của Quảng Ninh, nếu như những người thợ mỏ thường nhắc đến Cẩm Phả với ký ức về năm 1936 của cuộc tổng đình công của 12 vạn thợ mỏ, nhắc đến Hòn Gai với không khí của năm 1955 khi tiếp quản vùng mỏ, thì thợ mỏ lại nhắc đến Mạo Khê với cái nôi của Cách mạng, nơi những người thợ mỏ, những nhà cách mạng đặt những viên gạch đầu tiên cho phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên Vùng mỏ. Năm nào cũng vậy, những ngày tháng 8, không khí cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 lại rợp các con đường, ngõ ngách của khu phố mỏ Mạo Khê. Trong không khí đó, ông Nhữ Xuân Hinh, Phó Chánh Văn phòng Công ty than Mạo Khê dẫn chúng tôi dạo qua một vòng khu phố mỏ. Con đường mỏ uốn lượn chừng hơn 2 km, mà dày đặc các công trình do những người thợ mỏ Mạo Khê các thế hệ xây dựng lên như: Khu tập thể công nhân, Nhà Văn hóa, Nhà Truyền thống, Nhà thi đấu thể thao, Văn phòng điều hành, khu vui chơi trẻ em, Trung tâm y tế khu vực Mạo Khê… Đặc biệt là khu truyền thống ghi danh những nhà Cách mạng đã hoạt động tại mỏ Mạo Khê nói riêng và khu mỏ nói chung qua các thời kỳ.
Lật từng trang sử viết về Mạo Khê, mới thấy đây quả là một vùng đất hội tụ của những nhà hoạt động Cách mạng, của những nhà yêu nước. Trước khi có Đảng lãnh đạo, ở vùng Mạo Khê, Đông Triều có tới trên 30 thủ lĩnh phất cờ tụ nghĩa hưởng ứng phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược nước ta. Những cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Đốc Tít (Nguyễn Văn Hiệu), Lưu Kỳ, Lương Tự Xuân, Tạ Sỹ Hiền… ở vùng này. Mặc dù thời kỳ đó, các cuộc khởi nghĩa đều thất bại nhưng đã thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của người dân nơi đây.
Trong thời kỳ đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, Mạo Khê là một trong những cái nôi hình thành giai cấp công nhân ở nước ta. Những người nông dân vùng Đồng bằng sông Hồng bị bần cùng hoá do chịu sự áp bức bóc lột tinh vi, nặng nề hơn, bị đánh đập, áp bức dã man của Thực dân Pháp. Chính vì thế nên lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh trong mỗi người thợ mỏ ngày càng trở nên nồng nàn, quyết liệt hơn. Những cuộc đấu tranh ban đầu của công nhân ở đây còn mang nặng tính tự phát, nhưng đây chính là môi trường tốt để gieo mầm cách mạng. Phong trào đấu tranh ở vùng mỏ Mạo Khê thực sự sôi nổi khi được các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Lịch trong Tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội về đây “vô sản hoá”. Tháng 3/1929, Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở vùng than Mạo Khê được thành lập. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào yêu nước, phong trào công nhân cùng với việc Chủ nghĩa Mác – Lênin được truyền bá tới những người công nhân mỏ, Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng tại vùng mỏ Mạo Khê được thành lập vào cuối quý 3/1929. Và chỉ 20 ngày sau sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930), Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của vùng mỏ Quảng Ninh được thành lập tại xóm thợ phía nam khu khai thác mỏ Mạo Khê, nay là khu phố Dân Chủ, thị trấn Mạo Khê do đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Bí thư. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử về công tác tại mỏ Mạo Khê từ tháng 9/1929.Tại địa danh này, năm 2017, Tập đoàn TKV đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng công trình Di tích nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Khu mỏ.
Có Đảng lãnh đạo, công nhân, nông dân Mạo Khê đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh trong các phong trào, cao trào cách mạng để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay công nông. Ngày 6/8/1945, công nhân, nông dân, lực lượng vũ trang ở Đông Triều dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Nguyễn Bình đã chiếm được đồn Đông Triều, phá kho thóc của Nhật để cứu đói cho đồng bào, giải tán chính quyền tay sai của Nhật. Với uy tín và sức mạnh của Việt Minh, việc tước vũ khí của bọn chủ mỏ Pháp ở Mạo Khê cũng diễn ra suôn sẻ. Hơn 100 công nhân cứu quốc đã hoà vào anh em công nhân đi làm ca sáng, tiến về án ngữ các ngả đường rồi bất ngờ giương cao cờ đỏ sao vàng bao vây sở mỏ. Bị bất ngờ nên chủ mỏ người Pháp, bọn chỉ huy người Nhật và toàn bộ lính bảo an đều xin quy phục. Cuộc nổi dậy giành chính quyền ở Mạo Khê, Đông Triều diễn ra sớm, thành công vang dội là cơ sở để thành lập chính quyền cách mạng lâm thời ở các làng, xã và thành lập “Đệ tứ chiến khu” để tiến hành giải phóng các vùng khác trong Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất.
Cách mạng Tháng Tám và các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đã mang lại độc lập, tự do cho cả dân tộc nói chung và người dân Mạo Khê nói riêng. Ngày nay, thực hiện công cuộc Đổi mới của Đảng, cán bộ và nhân dân Mạo Khê đang đoàn kết, thi đua phát huy nội lực để xây dựng vùng quê cách mạng này trở thành một điểm sáng về công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Vùng đất mỏ Mạo Khê đã trở thành một thị trấn sầm uất đang trên đà phát triển với nhiều ngành nghề công nghiệp, thương mại, du lịch, giao thông… Trong đó, mỏ than Mạo Khê đã trở thành một Công ty sản xuất than với quy mô hiện đại, sản lượng khai thác mỗi năm gần 2 triệu tấn than, tạo công ăn việc làm cho hơn 4.000 lao động, với mức thu nhập bình quân gần 14 triệu đồng/người-tháng…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/mao-khe-ky-uc-cach-mang-tu-hao-201909101405589531.htm” button=”Theo vinacomin”]