Sáng cuối thu, trời se lạnh, nhận được “Tuyển tập văn chương Mai Phương” (NXB Hội Nhà văn) tôi mở ra đọc ngay và bao ký ức bỗng ập về như lá vàng rơi trên từng trang giấy khiến tôi bâng khuâng suy ngẫm nhiều hơn về một con người đắm đuối văn chương suốt cả cuộc đời.
Mới đó mà đã ngót 60 năm chúng tôi dấn thân trên từng cây số văn chương – báo chí khám phá nguồn lửa từ những người thợ mỏ Quảng Ninh. Cứ tưởng đã quá biết, quá hiểu nhau, nhưng nay đọc hết tuyển tập văn chương mới hay còn có một Mai Phương khác luôn tràn đầy khát vọng, sâu lắng yêu thương mà khổ đau đến tột cùng, chấp nhận từ bỏ hoài bão lớn với những ước vọng cao siêu để sống bình dị, nhân ái, bao dung, không chịu khom lưng, nịnh bợ, cúi luồn… Nó giải thích vì sao cho tận lúc cầm sổ lương hưu khiêm tốn ông chưa hề giữ một chức vụ nào của cơ quan, nhưng sau khi nghỉ hưu Mai Phương lại vui vẻ làm trưởng đại diện cho nhiều tờ báo và là chi hội trưởng Nhà văn Quảng Ninh không hề có lương. Ông là hội viên Hội Nhà văn VN, hội viên Hội Nhà báo VN, hội viên Hội Điện Ảnh VN. Ông được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, nhiều giải thưởng văn học, báo chí truyền hình của Quốc gia và Văn nghệ Hạ Long.
Những khát vọng văn chương
Nhà thơ Mai Phương tên thật là Lê Viết Thuận, sinh ngày 3/2/1933 tại Tuy An – Phú Yên, là con thứ năm trong một gia đình yêu nước nghèo. Từ nhỏ ông đã say mê đọc sách, chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, âm nhạc và thơ lãng mạn tiền chiến. Cha mẹ mất sớm, anh chị em ông tự lực nuôi nhau. Năm 17 tuổi ông theo anh trai vào bộ đội và cuối năm 1954 tập kết ra Hà Nội, được học thêm văn hóa, nghiệp vụ kỹ thuật rồi được điều động về Khu Mỏ Hồng Quảng công tác năm 1958.
Bút danh Mai Phương xuất hiện trên báo từ mùa Thu năm 1957 khi ông được cô sinh viên Hà Nội xinh đẹp Dương Phương Mai trao cho nụ hôn đầu đời trên ghế đá bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Anh ngồi phía nắng che em/ Phía mưa che ướt, phía đêm che buồn/ Phía xa che những tủi hờn/ Che cơn ác mộng chập chờn hiện ra…
Đây là thời kỳ Mai Phương làm nhiều thơ tình “ướt át”, nhưng hồi đó rất khó đăng báo (sau này mới hoàn chỉnh lại). Dẫu mối tình đầu nhanh chóng tan vỡ khi họ phải xa nhau, nhưng vẫn còn hiện hữu trong thơ Mai Phương lâu dài – kể cả khi ông kết hôn với cô nhân viên đánh máy đã bị chinh phục bởi những bài thơ tình của ông. Cùng với hạnh phúc khi vợ sinh con đầu lòng và những thành tựu bước đầu ở một tờ báo lớn có nhiều uy tín của Vùng mỏ, khát vọng văn chương lớn dần trong tâm hồn Mai Phương gắn liền với những nhận thức mới về vẻ đẹp kỳ vĩ của Hạ Long – Yên Tử và những người thợ mỏ. Khi đêm lạnh trùm lên ngàn đảo nhỏ/ Vạn thuyền câu lạc tận bến bờ xa/ Những chiếc cuốc mang tình người thợ mỏ/ Đi đào than thắp sáng ấm mọi nhà… Ai yêu trời thu/ Trong xanh như ngọc/ Tôi yêu than huyền/ Mượt như mái tóc…
Thơ Mai Phương thời đầu rất bình dị, nhưng cũng lấp lánh sự tìm tòi riêng. Ông coi trọng tư cách nhà thơ, nhà báo thiêng liêng như thiên chức trời ban vì sự tốt đẹp của nhân loại. Khát vọng văn chương lại trào dâng đến mức ông đã tự động xin vào học khóa đào tạo viết văn đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam cho dù cơ quan không đồng ý. Ngày ấy, vào biên chế đã khó, nhưng ra biên chế còn khó hơn, nhất là phóng viên, văn nghệ sĩ ở khu công nghiệp lớn – nơi khá nhiều người nổi tiếng liên quan đến “nhân văn giai phẩm” được đưa đi thực tế để có nhưng tác phẩm trong sáng về công nhân. Với sự tác động quyết liệt của tỉnh, Mai Phương buộc phải trở về trong nỗi thất vọng và cô đơn cao độ khi không còn được làm ở tòa soạn báo và nhất là buộc phải chia tay người vợ đã sinh cho ông hai cậu con trai tuấn tú… Là cán bộ miền Nam, ông may mắn được nhận về Đài Phát thanh Quảng Ninh với những cán bộ lãnh đạo, biên tập viên từng trải, năng động, nhân ái nên đã vững vàng vươn lên trở thành một cây bút sắc sảo .
Năm 1975, miền Nam được giải phóng, cứ tưởng Mai Phương sẽ trở về sống ở quê hương hoặc chuyển vào Sài Gòn, nơi có nhiều lãnh đạo đài báo từng quen biết muốn tin dùng ông. Nhưng sau vài lần khảo sát, Mai Phương đã quyết định ở lại Vùng mỏ lâu dài vì theo ông không ở đâu hùng vĩ thơ mộng hơn Hạ Long – Yên Tử và không ai chân tình đối với ông hơn những người thợ mỏ và nhân dân Quảng Ninh. Thời gian này, ông gặp và kết hôn với người vợ thứ hai – bà Trần Thị Bích, một người sinh ra trong gia đình có truyền thống văn chương – và có thêm hai cậu con trai.
Thời kỳ này ông làm nhiều thơ thế sự. Thơ của ông vẫn chân thực nhưng câu chữ đã lấp lánh những nỗi buồn nhân thế phảng phất triết lý dung dị: Hạnh phúc /Đâu chỉ ở ngôi nhà /Vườn hoa/ Vợ đẹp/ Càng không phải chức trọng quyền cao/ Hạnh phúc nhất trần gian là sáng tạo. Quan niệm sống của Mai Phương thể hiện rõ trong thơ: Suốt cuộc đời ta đã sẻ chia… ta nhường hết/ Nóng – lạnh – đắng cay – chua chát – đớn đau ta nhận cả về mình…/ Ta trọng nhất trên đời là nhân ái/ Chúa ghét kẻ thất đức/ Đừng đợi ai ngửa tay xin/ Hãy đơm trước khi họ đói/ Vẻ đẹp của người là không giận oán thù ai.
Dấn thân cùng thợ mỏ đào than bằng văn chương
Trong tuyển tập của mình, Mai Phương không thể đưa vào hàng chục phóng sự thu thanh, phóng sự truyền hình và nhiều bài báo từng nâng cao uy tín Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Ninh. Ông là phóng viên duy nhất của đài Quảng Ninh được đài Tiếng nói Việt Nam coi như là phóng viên thường trú suốt thời bao cấp – nhất là trong chiến tranh chống Mỹ. Ông cũng chính là người đã đem về những chiếc huy chương Vàng, Bạc đầu tiên tại những kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc bao gồm cả phim phóng sự, phim ký sự ca nhạc. Vốn là người có kiến thức văn học, lại rất chịu khó học hỏi, nghiêm túc, chu đáo trong cuộc sống, trong mọi công việc nên ở bất cứ lĩnh vực nào, đề tài nào khi đã chủ tâm thực hiện Mai Phương đều dốc hết sức lực tìm tòi, sáng tạo và dường như chất thơ trong tâm hồn ông luôn được tỏa ra trong từng câu chữ, từng khuôn hình, khiến cho tác phẩm phát thanh, truyền hình cũng có hồn phách riêng. Ngay đến cả phỏng vấn những người thợ mỏ hay giám đốc mỏ, Mai Phương đều gợi mở để họ nói những điều chân thực, bình dị mà sâu sắc – kể cả những thiếu sót chủ quan – không để họ đổ lỗi cho khách quan. Ông luôn thông cảm với sự nhọc nhằn của nghề mỏ – nhất là với những giám đốc mỏ trung thực, năng động nhiệt tình vì thợ mỏ luôn được ông ca ngợi, bênh vực. Ông tìm hiểu rất kỹ từng nhận vật mình viết và chỉ viết những ai mình yêu quý, thừa nhận phẩm chất của họ. Đó là sự độc đáo của Anh hùng Lao động Đặng Văn Bình – Giám đốc Than Đèo Nai, Lê Đình Trưởng – Giám đốc Than Cao Sơn, Nguyễn Văn Kiệm – Giám đốc Than Cọc Sáu…
Tính cách của Mai Phương là luôn đào sâu mọi việc, thích nói thẳng, nói thật dù ai đó có mất lòng. Ông thích sự sạch sẽ trong cuộc sống cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Khi đã biết rõ sự bất công thì sẵn sàng dấn thân chiến đấu đến cùng. Chỉ vì đấu tranh cho một phụ nữ mua nhà 8 năm chưa được ở, Mai Phương đã bị con người chiếm nhà dùng xe mô tô phân khối lớn đâm thẳng vào xe máy mình khi đang chở vợ con, may mà thoát chết. Đây là vụ hành hung nhà báo đầu tiên ở Vùng mỏ được báo chí cả nước lên tiếng và tòa án thị xã Cẩm Phả phải đưa ra xét xử nghiêm minh…
Dường như khắp mọi nẻo đường Quảng Ninh, mọi tầng than, lò sâu, nhà máy bến cảng và nhiều miền quê khắp đất nước đã in đậm dấu chân và ngòi bút văn chương của Mai Phương.
Chiêm nghiệm cuộc đời và văn chương
Vừa bước qua tuổi 86, Mai Phương gặp một cơn đột quỵ khá nặng, nhưng ông hồi phục nhanh nhờ lối sống điều độ, khoa học, không nghiện thuốc lá, không sa đà bia rượu, thanh thản tự coi cái chết nhẹ tênh khi mình đã hoàn thành nghĩa vụ với đất nước với gia đình và sự nghiệp văn chương. Mười năm gần đây, Mai Phương thường thao thức suy ngẫm tự chiêm nghiệm lại cuộc đời và văn chương. Có lẽ ông không quên một ai đã từng yêu mình, giúp đỡ mình, không quên những nỗi cô đơn, đau đớn khi phải bươn trải, dấn thân vào những nỗi nhọc nhằn, vất vả chăm lo cho hai người vợ và bốn con trai trưởng thành.
Quả thực, không chỉ các vị lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Ngành Than, các địa phương, các doanh nghiệp các thời kỳ đã qua mà đông đảo công nhân cán bộ đều dành cho Mai Phương những tình cảm sâu sắc, nể trọng. Ông tự hiểu chỉ những ai có lắm tật mới ngại tiếp xúc với mình và những kẻ như vậy có ném ra tiền tấn cũng khó lòng để Mai Phương động bút ngợi ca.
Cố nhà văn Hứa Văn Định từng nói: – Mai Phương khổ suốt đời vì quá sạch sẽ cả trong lẫn ngoài… Suốt ngày dọn dẹp lau chùi, tìm chùm chìa khóa; suốt ngày suy ngẫm mình có làm gì sai trái không… Còn cố nhà báo Nguyễn An Định thì thường đùa vui: – Càng đắm đuối văn chương thì Mai Phương càng phải chiều chuộng lắm đàn bà… cũng khổ lắm thay! Cả hai ông Định nói đều đúng. Dù đã có hai bà vợ, bốn cậu con trai, Mai Phương vẫn không hề thay đổi lối sống sạch sẽ, sôi nổi, nhiệt tình, chu đáo, lãng mạn nên vẫn có nhiều cô gái trẻ đẹp phải lòng. Ông đã từng đạp xe suốt đêm về Đông Triều để được nghe giọng đọc và bình thơ ông rất ấm áp của một cô nàng xinh đẹp mới bước vào nghề phê bình văn học. Những nụ hôn như vậy thật đáng được các nhà thơ ghen tỵ Nhưng vợ ông – bà Trần Thị Bích dường như quen rồi :- Chồng mình phải thế nào mới được người đẹp hôn chứ! Mai Phương đã có hơn mười bài thơ tặng vợ và cũng rất thành thực thú nhận : Vợ là vợ/Yêu là yêu/Xin em đừng nghĩ khác/Cho anh phải khổ nhiều/ Vợ là thật/Yêu còn thật hơn/Xin em chớ giận hờn/… Nhà là cung đình/ Vợ là Hoàng hậu/…Yêu ở ngoài bờ dậu… Nhưng rồi chính Mai Phương cũng phải tự phân loại đâu là tình yêu đích thực, tình yêu thủy chung: … Tình yêu sao thật lạ/ Lật nhào bao đế vương/Tình yêu làm nghiêng ngã/ Bao thành trì linh thiêng/… Tình yêu như giăng bẫy/ Mắc vào thật tự nhiên/ Chỉ tình yêu chung thủy/ Mới thành chuyện thần tiên.
Trước trang giấy trắng tinh, ngòi bút Mai Phương đã nhiều lần thành tâm sám hối, nhất là với người vợ đã hết lòng vì chồng con: Lỗi lầm xưa biết chuộc thế nào đây/…Làm sao trả lại em thời con gái /Thời thơ ngây nồng thắm để mê say/…Còn bây giờ day dứt suốt ngày đêm/ Lại cứ phải thỉnh cầu em tha thứ/ Còn như thể tội anh đem phán xử/Thì muôn năm xin trọn kiếp đọa đày. Và Mai Phương thở dài: Đạn thù chẳng sểnh thịt da/ Đạn tôi lại phá nát nhà của tôi. Thật may cũng lại nhờ sự sám hối bằng thơ ấy, gia đình ông vẫn luôn giữ được sự yên ấm yêu thương ngày càng sâu đậm. Bốn chàng quý tử của ông đều đã trưởng thành theo cách riêng của mỗi người nhưng đều giữ được vẻ đẹp riêng của cha mẹ và luôn ghi nhớ những điều giản đơn ông đã dạy: Không làm kẻ vô tâm, hèn nhát; Không theo tên kẻ trộm ngông cuồng…
Người xưa thường nói: Hổ chết để da, người già để tiếng. Với Mai Phương văn chương được người đời yêu thích truyền tụng là thứ danh tiếng vô giá, không một chức tước, danh lợi nào so sánh được.
Hà Nội thu Mậu Tuất 2018
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/mai-phuong-tren-tung-cay-so-van-chuong-201811011043225576.htm” button=”Theo vinacomin”]