Công tác quản lý cán bộ có nhiều nội dung, trong đó đánh giá cán bộ được coi là khó và nhạy cảm vì nó là tiền đề cho việc phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ. Đánh giá đúng sẽ chọn được cán bộ tốt, giúp cán bộ phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm. Ngược lại, nếu đánh giá sai hoặc thiếu khách quan, sẽ chọn “nhầm” cán bộ hoặc làm cho cán bộ giảm nhiệt huyết trong công việc, thậm chí gây mất đoàn kết nội bộ.
Thời gian qua, công tác đánh giá cán bộ đã có những mặt tiến bộ về nhận thức và cách làm. Đặc biệt, từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2015/NĐ-CP và Nghị định số 106/2015/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, trong đó có những quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục, nội dung đánh giá cán bộ lãnh đạo. Trong đó, nội dung đánh giá cán bộ có 7 yếu tố gồm: (1) Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; (2) Kết quả đánh giá doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền; (3) Việc thực hiện điều lệ của doanh nghiệp; (4) Việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của doanh nghiệp; (5) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; (6) Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành; (7) Tham gia các hoạt động do chủ sở hữu và doanh nghiệp tổ chức.
Trong 7 nội dung đánh giá cán bộ nêu trên, có nhiều yếu tố mang tính định lượng, song cũng khá nhiều yếu tố mang tính định tính, phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan hoặc cá nhân người tham mưu về công tác đánh giá cán bộ. Chính vì vậy, nếu không “lượng hóa” được các nội dung này thì sẽ không tránh khỏi việc chủ quan, cảm tính trong việc nhận xét, đánh giá cán bộ.
Xuất phát từ yêu cầu này, đồng thời để từng bước đưa việc nhận xét, đánh giá cán bộ hằng năm đi vào thực chất, tránh hình thức, nhằm động viên những cán bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giúp những cán bộ chưa hoàn thành nhiệm vụ, còn có những yếu kém, khuyết điểm nhận rõ những hạn chế, tồn tại của mình để khắc phục, ngay từ đầu năm 2016 khi tiến hành nhận xét, đánh giá cán bộ về kết quả công tác năm 2015, Tập đoàn đã thí điểm chọn 7 nhóm tiêu chí để áp dụng cho việc nhận xét, đánh giá. Đồng thời, kiên quyết thực hiện nguyên tắc nếu người đứng đầu doanh nghiệp hai năm liền bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ phải xem xét bố trí công việc khác. Kết quả cho thấy, việc đổi mới này đã nhận được sự đồng thuận cao và đã mang lại hiệu quả tích cực. Qua theo dõi, những Giám đốc đơn vị thành viên bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ năm 2015 thì sang năm 2016 đã có sự cố gắng rất lớn trong công tác để khắc phục những tồn tại, phấn đấu để được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ trong những năm tiếp theo.
Phát huy những kết quả đạt được, đồng thời để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện công tác nhận xét, đánh giá cán bộ định kỳ hàng năm, đầu năm 2017, Hội đồng thành viên Tập đoàn đã chính thức thông qua Bộ tiêu chí đánh giá Giám đốc và Người đại diện của TKV trong ban quản lý, điều hành, kiểm soát tại các doanh nghiệp thành viên để làm cơ sở triển khai công tác đánh giá cán bộ từ năm 2016 trở đi. Điểm mới của Bộ tiêu chí này (sau đây gọi tắt là Bộ tiêu chí 2017) đó là cụ thể hóa từng chỉ tiêu đánh giá cán bộ và lượng hóa những chỉ tiêu đó thành điểm số để phục vụ công tác đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ. Trong đó, ngoài các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thì Tập đoàn đã lồng ghép các tiêu chí đánh giá cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cụ thể, Bộ tiêu chí đánh giá đối với Giám đốc đơn vị sản xuất kinh doanh có 04 nhóm tiêu chí lớn, với tổng số điểm tối đa là 100 điểm, trong đó:
– Nhóm tiêu chí thứ nhất là về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch năm. Tổng số điểm chấm tối đa cho nhóm tiêu chí thứ nhất là 60 điểm. Trong nhóm tiêu chí này có 07 tiêu chí thành phần và được cụ thể hóa bằng 21 chỉ tiêu đánh giá.
– Nhóm tiêu chí thứ hai là về chấp hành đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, Điều lệ TKV, Điều lệ của đơn vị. Tổng số điểm chấm tối đa cho nhóm tiêu chí này là 24 điểm. Trong nhóm tiêu chí này có 06 tiêu chí thành phần.
– Nhóm tiêu chí thứ ba là về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc; Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tổng số điểm chấm tối đa cho nhóm tiêu chí này là 12 điểm. Trong nhóm tiêu chí này có 04 tiêu chí thành phần.
– Nhóm tiêu chí cuối cùng là về tham gia các hoạt động do TKV, do đơn vị tổ chức. Tổng số điểm chấm tối đa cho nhóm tiêu chí này là 4 điểm.
Dựa trên cơ sở kết quả chấm điểm theo Bộ tiêu chí nêu trên, TKV sẽ tiến hành phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo đơn vị thành viên theo 03 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (nếu số điểm được chấm đạt trên 90% tổng số điểm), Hoàn thành nhiệm vụ (nếu số điểm được chấm đạt từ 70% đến 90% tổng số điểm), Không hoàn thành nhiệm vụ (nếu số điểm được chấm đạt dưới 70% tổng số điểm, hoặc cán bộ vi phạm kỷ luật từ khiển trách trở lên, hoặc để đơn vị xảy ra các tình trạng như tai nạn lao động chết người vượt tần xuất quy định hoặc để xảy ra sự cố nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan; không có lợi nhuận mà không giải trình được nguyên nhân khách quan, vi phạm các các hành vi khác mà Tập đoàn đánh giá là nghiêm trọng).
Trong tháng 5/2017 vừa qua, Tập đoàn đã tổ chức Hội nghị nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo đơn vị thành viên và Người đại diện phần vốn của TKV tại các doanh nghiệp về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2016. Bộ tiêu chí đánh giá cán bộ nói trên đã được chính thức áp dụng. Kết quả, có 4 giám đốc được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 1 giám đốc bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ.
Qua đó có thể thấy rằng, việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã được TKV triển khai quyết liệt, song vẫn đảm bảo nguyên tắc khách quan, từ đó đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của cán bộ. Từ bài học kinh nghiệm này, các đơn vị thành viên có thể vận dụng trong việc nhận xét, đánh giá cán bộ đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo của đơn vị mình như phó giám đốc, kế toán trưởng, các trưởng phòng, quản đốc… để thay đổi tư duy “dĩ hòa vi quý” trong việc nhận xét, đánh giá cán bộ hằng năm.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/luong-hoa-cac-tieu-chi-danh-gia-can-bo-lanh-dao-201707201656396574.htm” button=”Theo vinacomin”]