Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long vừa chủ trì cuộc họp để nghe và cho ý kiến về phương án sử dụng đất đá ở các bãi thải mỏ của ngành Than để phục vụ cho việc san lấp mặt bằng các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở ý kiến phân tích, tham gia của các sở, ngành chức năng, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý với phương án sử dụng nguồn đất đá thải từ các bãi thải Đông Cao Sơn (TP Cẩm Phả) và bãi thải Bắc Bàng Danh (TP Hạ Long) để san lấp mặt bằng cho các dự án. Tuy nhiên, các sở, ngành liên quan phải nghiên cứu kỹ phương án vận chuyển đất đá để không ảnh hưởng đến môi trường chung. Đồng thời thông báo cho các chủ đầu tư, nhà thầu vị trí lấy đất đá san lấp mặt bằng để tránh việc khai thác đất đá không đúng theo quy hoạch…
Có thể nói, chủ trương cho phép sử dụng nguồn đất đá ở các bãi thải của ngành Than để san lấp mặt bằng cho các dự án là việc làm có lợi cho cả đôi đường. Như vậy, cùng lúc giải được cả hai bài toán về nguồn đất đá phục vụ cho việc san lấp mặt bằng các dự án và bài toán về sự quá tải của các bãi thải, thiếu nơi đổ thải của các doanh nghiệp trong ngành Than.
Với việc tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm, động lực nên hiện tại Quảng Ninh có nhiều dự án đang được khởi động, triển khai. Như vậy sẽ cần khối lượng rất lớn đất đá để phục vụ cho việc san lấp mặt bằng của các dự án. Trong khi đó yêu cầu đặt ra là việc đầu tư phát triển phải đảm bảo yếu tố bền vững, không làm ảnh hưởng đến môi trường chung, nhất là phải bảo tồn, phát huy được giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và danh thắng Vịnh Bái Tử Long. Bên cạnh đó, việc khai thác nguồn đất phục vụ các công trình còn phải đảm bảo tuân thủ theo đúng quy hoạch. Do vậy, việc sử dụng đất đá thải của ngành Than để san lấp mặt bằng là giải pháp tối ưu hiện nay, vừa tạo thuận lợi cho chủ đầu tư, nhà thầu về nguồn đất san lấp mặt bằng, đồng thời cũng góp phần giảm chi phí đầu tư, hơn nữa còn góp phần hạn chế những tác động tiêu cực từ các bãi thải mỏ…
Đối với ngành Than, đây còn là giải pháp gỡ khó cho công tác đổ thải của các mỏ, khi mà thực tế hiện nay các bãi thải hiện có gần như đã quá tải, không còn đảm bảo được các yêu cầu về an toàn, nhất là đối với các khu dân cư ở phía dưới chân các bãi thải. Trong khi đó, để có nơi đổ thải mới, an toàn, không ảnh hưởng đến môi trường thì phải quy hoạch ở vùng sâu, xa, điều này đồng nghĩa với việc làm tăng chi phí, tăng giá thành sản xuất do phải vận chuyển đi xa…
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 bãi thải lớn của ngành Than đang hoạt động. Mỗi năm, ngành Than thải ra khoảng từ 250 đến 300 triệu mét khối đất đá từ các mỏ lộ thiên và gần 1,3 triệu mét khối xít thải từ các nhà máy sàng tuyển than. Và lượng đất đá thải này ngày càng có xu hướng tăng cao do các mỏ phải khai thác xuống sâu, nên càng gây áp lực lớn cho việc đổ thải của ngành Than…
Cũng theo tính toán của các ngành chức năng, hiện Quảng Ninh đang triển khai hàng loạt dự án lớn, trọng điểm, mang tính quyết định đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong hiện tại và tương lai. Ước tính, để triển khai các dự án này phải cần đến khoảng 500 triệu mét khối đất đá cho việc san lấp mặt bằng. Như vậy, lượng đất đá thải của ngành Than có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu đất đá san lấp mặt bằng cho các dự án…
Thực tế cho thấy, việc sử dụng đất đá thải để san lấp tạo mặt bằng đã được thực hiện hiệu quả ở một số dự án từ nhiều năm trước đây, nhất là trên địa bàn Cẩm Phả. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến là dự án san lấp mặt bằng xây dựng làng mỏ và công viên của Công ty CP than Cao Sơn. Cùng với đó là nhiều dự án san lấp tạo mặt bằng xây dựng khác cũng đã được triển khai trong những năm qua, nhờ đó đã hình thành nên nhiều khu đô thị, làng công nhân mới hiện đại, khang trang…
Vì vậy, chủ trương sử dụng đất đá thải mỏ để phục vụ san lấp mặt bằng của các dự án chắc chắn sẽ được các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, các doanh nghiệp khai thác than và người dân đánh giá cao. Việc làm “nhất cử lưỡng tiện” này không chỉ tạo thuận lợi cho công tác đổ thải mỏ, khắc phục khó khăn về nguồn đất san lấp mặt bằng – vốn đang là vấn đề nan giải – cho các đơn vị liên quan, mà qua đây còn khắc phục, hạn chế được tình trạng khoét đồi, đào núi để lấy đất san lấp mặt bằng như đã từng diễn ra trên địa bàn tỉnh…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc/loi-ca-doi-duong-201706301025360552.htm” button=”Theo vinacomin”]