Chuyến công tác về huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cùng đoàn cán bộ để thực hiện nội dung Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ giao cho Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam giúp đỡ huyện nghèo, để lại nỗi niềm day dứt mãi trong tôi. Nếu ai cho rằng quê mình là nghèo nhất, khó khăn nhất, thì hãy đến vùng đất này, nơi địa đầu của Tổ quốc sẽ thay đổi quan điểm bởi sự nghèo, khó của quê mình chưa thấm vào đâu so với nơi đây. Đến vùng đất này người ta sẽ cảm nhận được một thiên nhiên hoang sơ nhưng hết
“Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Heo hút cồn mây súng ngửi trời”
Khi đã đến với Mèo Vạc gắng đi thêm một cung đường nữa độ dài chừng 45km để đến với cột cờ Lũng Cú – Đồng Văn, điểm thăm quan kỳ thú nơi địa đầu Tổ quốc. Chính nơi đây Lý Thường Kiệt, một vị tướng tài ba thời nhà Lý đã cắm cờ trên núi Rồng định rõ chủ quyền quốc gia … Cột cờ hiện nay là bản sao của cột cờ Hà Nội, cao 34,5m; lá cờ có diện tích 54m2 với kích cỡ 6x9m tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam. ở đây bốn mùa gió lộng vì vậy bình quân mỗi tuần phải thay mới một lá cờ. Khi vượt qua các bậc bước lên đỉnh cao nhất của cột cờ sẽ cảm nhận được hồn thiêng sông núi, Tổ quốc này ông cha ta không tiếc máu xương giữ gìn để truyền lại cho con cháu. Nếu ai đó để mất chỉ là một tấc đất sẽ cảm nhận được sự hổ thẹn với cha ông và mãi mãi là kẻ tội đồ với non sông đất nước…
Trở lại bức tranh toàn cảnh của huyện Mèo Vạc. Thực tế nguồn lực của huyện so với vùng khác là rất hạn chế. Cả huyện không có một khu công nghiệp hoặc một nhà máy nào hoạt động. Là huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang, thuộc cao nguyên Đồng Văn, phía Bắc huyện giáp với Trung Quốc và huyện Đồng Văn; phía Đông giáp với huyện Bảo Lạc (Cao Bằng); phía Tây và phía Nam giáp với huyện Yên Minh (Hà Giang). Huyện có đường biên giới Quốc gia tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Địa hình hết sức hiểm trở, chia cắt mạnh và có độ dốc lớn, chủ yếu là núi đá do vậy việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Tổng diện tích đất tự nhiên 57.668,6 ha, nhưng diện tích đất nông nghiệp chỉ có 16.320,4 ha chiếm 28%, diện tích còn lại chủ yếu là núi đá tai mèo.
Đi sâu tìm hiểu mảnh đất này, ta càng cảm nhận được sự khó khăn vất vả của người dân bản địa. Diện tích đất nông nghiệp của Mèo Vạc tính là 28% nhưng chủ yếu là đất trên các sườn núi xen lẫn đá tai mèo và cây lương thực chính được trồng là các loại ngô, nhưng ngô cũng chỉ trồng được một vụ trong năm. Mùa xuân trên các sườn núi còn thấy màu xanh của ngô, nhưng khi đông về thì một mầu đen sẫm của đá tai mèo phủ gần hết diện tích. Một số ít diện tích được trồng lúa cũng chỉ tập trung ở 4 xã, do đó lương thực chủ yếu của bà con nơi đây là ngô, dân địa phương thường chế biến làm món mèn mén (bột ngô hấp). Vì chỉ trồng tỉa một vụ nên ngô cũng chẳng đủ ăn trong năm, hộ nghèo theo chuẩn mới là 64%, hộ cận nghèo là 10% tức là toàn huyện chiếm xấp xỷ 74% hộ nghèo. Những đứa trẻ ở đây so với trẻ ở miền xuôi, vùng thành phố thiệt thòi hơn nhiều bởi ở nơi đây cơm còn chưa đủ ăn nói gì đến các thứ khác như bánh kẹo, hoa quả… ở vùng xuôi việc tắm gội hàng ngày là rất bình thường, nhưng với nơi đây đó là cả một sự xa xỉ. Vì địa hình toàn đá, độ dốc cao nên rất thiếu nước sinh hoạt, người dân ít tắm là chuyện dễ hiểu.
Sơ lược một vài nét về Mèo Vạc nơi có gần 6 vạn người Mông sinh sống, đời sống của họ dù khá lên nhiều nhưng cũng còn muôn vàn khó khăn, cần nhiều sự trợ giúp hơn nữa. Với chính sách đúng đắn của Đảng, ánh điện sáng lung linh đã về với thôn bản, trẻ em đến tuổi đi học đều được cắp sách đến trường, đời sống tinh thần và vật chất của bà con thôn bản ngày càng được cải thiện và nâng lên, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được loại bỏ dần ra khỏi cộng đồng; các ngôi nhà kiên cố thay dần ngôi nhà tạm liên tục được mọc lên; các hồ treo nhân tạo tích nước dùng cho sinh hoạt mùa khô được xây dựng khá nhiều.
Lời giải nào cho bài toán để Mèo Vạc thoát nghèo là cả một vấn đề khó của huyện và của tỉnh Hà Giang. Góp phần đơn giản hóa bài toán đó, những năm gần đây Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam đã tập trung hỗ trợ Mèo Vạc tới 23 tỷ đồng để xây dựng mới các trường học, trạm y tế, xóa những căn nhà tạm, dột nát trong dân… Tới đây, Tập đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ huyện bằng cách tuyển dụng con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao này vào học ở các trường dạy nghề của Tập đoàn, khi ra trường sẽ được bố trí việc làm tại các đơn vị trong ngành. Hiện có 61 người đã và đang theo học tại các trường nghề và chắc chắn họ sẽ được bố trí việc làm, có thu nhập đủ để đảm bảo cuộc sống cùng gia đình.
Đến với Mèo Vạc, với cột cờ Lũng Cú- Đồng Văn dù chỉ một lần nhưng tôi đã được cảm nhận rõ một không gian thơ mộng, kỳ vĩ của tạo hoá, nơi có cộng đồng các dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, bám trụ ngàn năm trên dải đât biên cương. Rời xa nơi này, điều đọng lại nhiều nhất trong tôi là những lời ca, giọng hát không thể quên: “Trên đỉnh núi lưng đèo, người Mèo ta hát…. Người Mèo ơn Đảng suốt đời…”
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/len-voi-cao-nguyen-da-meo-vac-567.htm” button=”Theo vinacomin”]