Tôi có người anh trai từ vùng đồng bằng Sông Hồng di cư vào Tây Nguyên làm ăn và lập nghiệp sinh sống ở đó từ năm 1986 đến nay. Thời ấy, cả đất nước nói chung đều khó khăn. Mang tiếng là các tỉnh đồng bằng Bắc bộ màu mỡ, nhưng cấy lúa năng suất thấp nên thường xuyên thiếu lương thực. Nhà nước tạo điều kiện cho nhân dân vào Tây Nguyên canh tác. Ngày đó, Tây Nguyên còn hoang sơ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Anh tôi kể lại, những năm đó, Tết Nguyên Đán vẫn còn là một điều lạ với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Nhưng ngày nay bà con đã cùng hòa chung niềm vui đón Tết cổ truyền với toàn dân tộc. Đó là một bước tiến khá dài trong đó có sự hòa đồng cùng bà con nhiều nơi về đây sinh sống.
Trước đây đồng bào dân tộc ở đây không đón Tết với nghĩa là chào đón một năm mới đến. Theo phong tục, đồng bào dân tộc Tây Nguyên ăn Tết vào thời điểm giao thoa giữa hai mùa mưa và khô. Đây là lúc để cúng tế tạ ơn thần linh đã cho mùa màng bội thu và cầu cho vụ mùa mới mưa thuận gió hòa, lúa thóc đầy kho. Từ khi có sự giao lưu với người Kinh, dần dần Tết nguyên đán cũng trở thành Tết của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, tuy nhiên họ cũng có những nét riêng của dân tộc mình. Với người Êđê, dân tộc chiếm số đông tại Tây Nguyên, trong những ngày đầu năm mới họ sẽ đi đến thăm người thân, bạn bè. Khi đi, họ mang theo 1 con gà, thịt lợn làm quà Tết. Đặc biệt là họ đến với những người trong năm qua có ấn tượng không tốt với mình để mong hâm nóng lại tình làng nghĩa xóm. Bạn bè ở các buôn xa buôn gần cũng đến thăm chúc Tết lẫn nhau.
Niềm vui của Nguyễn Quý Vinh, người con của núi rừng Tây Nguyên giờ đã là công nhân Nhà máy alumin Nhân Cơ
Những ngày trước Tết, thanh niên lên rẫy lấy lá chuối, dây lạc; phụ nữ ở nhà chuẩn bị nếp, nhân đậu xanh, thịt mỡ để gói bánh Tét. Cả gia đình quây quần gói và nấu bánh bên bếp lửa. Bánh Tét, dưa món củ kiệu cũng là món ăn đặc trưng trong những ngày Tết của đồng bào bên cạnh ché rượu cần. Bánh mứt cũng được chuẩn bị để tiếp khách trong những ngày Tết. Sau Tết Nguyên Đán, vào khoảng đầu tháng 3 dương lịch, đồng bào Êđê lại chuẩn bị lễ hội truyền thống của mình được gọi là Lễ cúng bến nước. Lễ cúng bến nước được bắt đầu bằng việc cúng tổ tiên, sau một hồi chiêng dài là lễ cúng Yàng (Trời) cầu mưa. Khi lễ cúng Yàng kết thúc, các cô gái trong trang phục truyền thống, lưng đeo gùi cùng mọi người theo chân thầy cúng về bến nước đầu buôn. Với hai mùa Tết Nguyên Đán và mùa lễ hội truyền thống trong phong tục tập quán lâu đời, đồng bào Êđê đều rất phấn khởi chuẩn bị, điều này đã góp phần làm nên nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Năm nay, Tết đối với gia đình anh trai tôi có một niềm vui mới. Cậu con trai lớn Nguyễn Quý Vinh được Tập đoàn TKV cho đi học tập đã về và vào Nhà máy alumin làm việc. Anh trai tôi tâm sự, đây cũng là một sự thay đổi lớn của Tây Nguyên, bởi đã từ lâu thế mạnh của vùng đất này vẫn chủ yếu trồng cây công nghiệp như cà phê, điều, cao su, tiêu… phụ thuộc nhiều vào thời tiết từng năm. Nhưng nay đã có thêm một ngành công nghiệp nhôm phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho con em đồng bào các dân tộc, phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Tết về, cả nhà cùng sửa sang nhà cửa, chuẩn bị gói bánh chưng, thịt lợn nhộn nhịp đón Xuân. Cả xóm cùng vui khi mỗi nhà đụng một góc lợn, y như phong tục đón Tết tại nhiều vùng quê khác.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/len-tay-nguyen-vui-tet-201602041359506157.htm” button=”Theo vinacomin”]