Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, áp dụng đối với 8 nhóm tài nguyên khoáng sản, ngoại trừ dầu khí, than đá, than bùn…
Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với 8 nhóm tài nguyên khoáng sản quý hiếm.
Phạm vi quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng đối với các loại khoáng sản, ngoại trừ dầu khí, than đá, than bùn, quặng phóng xạ, cát, sỏi, đá vôi và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ theo quy định của pháp luật.
Đối tượng của quy hoạch bao gồm các loại khoáng sản, bao gồm các nhóm: Quặng chì, kẽm; quặng crômit, mangan; quặng đá quý, đất hiếm; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên; quặng thiếc, vonfram và antimon; quặng vàng, đồng, niken, molipđen; khoáng chất công nghiệp serpentin, barit, grafit, fluorit, bentonit, diatomit và talc; khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng, magnezit; khoáng chất mica, pyrit, quarzit, thạch anh, silimanit, sericit, vermiculit và các loại quặng apatit, bôxit, sắt, titan.
Theo yêu cầu của Chính phủ, việc lập quy hoạch phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với quan điểm phát triển; không thuộc khu vực cấm, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản đã được các địa phương khoanh định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở tài nguyên trữ lượng của các loại khoáng sản và được cập nhật đến thời điểm lập quy hoạch, thông tin cập nhật hiện trạng về các mỏ/dự án đã cấp giấy phép thăm dò, khai thác; các dự án/cơ sở chế biến khoáng sản đã, đang hoặc chuẩn bị đầu tư; phân tích, đánh giá hiện trạng, kết quả đạt được trong kỳ quy hoạch.
Quy hoạch cũng cần chỉ ra những vướng mắc, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân (khách quan, chủ quan); dự báo triển vọng và nhu cầu phát triển trong thời kỳ quy hoạch; tiến bộ khoa học công nghệ của thế giới, kết quả nghiên cứu trong nước; lợi thế cạnh tranh của khoáng sản qua chế biến.
Nhóm lập quy hoạch phải nghiên cứu xây dựng ít nhất 3 kịch bản tăng trưởng (thấp, cao và cơ sở) đối với từng nhóm/loại khoáng sản, phân tích, lựa chọn kịch bản quy hoạch có tính khả thi, hiệu quả, có tính đến dự phòng ứng phó khi nền kinh tế có biến động tích cực hoặc tiêu cực tác động đến quy hoạch.
Đối với các khoáng sản thuộc quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng thiếc, vonfram và antimon giai đoạn đến năm 2025, có xét đến năm 2035; quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken, molipđen Việt Nam đến năm 2025, có xét đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn hiệu lực… thực hiện rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch để tích hợp chung vào quy hoạch này đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Nhiệm vụ lập quy hoạch cũng hướng tới việc đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch cụ thể đối với từng nhóm/loại khoáng sản, phù hợp với cung-cầu sản phẩm cho từng giai đoạn của quy hoạch; đảm bảo tính kế thừa và hiệu quả các dự án thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản đã và đang thực hiện ở giai đoạn trước.
Nội dung quy hoạch đảm bảo đầy đủ các quy định tại Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch như: Thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin, dữ liệu phục vụ lập quy hoạch; phân tích đánh giá điều kiện tự nhiên, điều tra, khảo sát, thăm dò, hiện trạng khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thuộc phạm vi quy hoạch; đánh giá về tình hình thực hiện kỳ quy hoạch trước của các nhóm/loại khoáng sản trong phạm vi quy hoạch trước năm 2019.
Thời gian lập quy hoạch được thực hiện trong 24 tháng, tính từ ngày Quyết định có hiệu lực thi hành, ngày 25/2/2020./.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc/lap-quy-hoach-tham-do-khai-thac-8-nhom-khoang-san-quy-hiem-202002261501381784.htm” button=”Theo vinacomin”]