Sau hơn 3 giờ đồng hồ rong ruổi từ mờ sáng trên chiếc xe mô tô, vừa đi vừa hỏi thăm, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được gia đình ông Nguyễn Duy Đông, một trong những gia đình làm nghề sửa chữa và chế tạo kèn đồng ở làng Phạm Pháo, Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định.
Từ hàng trăm năm trước, chiếc kèn đồng theo chân những người phương Tây (có lẽ từ những nhà truyền giáo) du nhập vào Việt Nam, chủ yếu là để phục vụ những dịp lễ trọng, các nghi lễ sinh hoạt tôn giáo của đạo Thiên Chúa. Các đội kèn đồng của các làng, các giáo xứ ở Nam Định cũng được hình thành từ đấy. Ngoài việc phục vụ các nghi lễ tôn giáo, các đội kèn cũng tổ chức dàn dựng những buổi hòa âm, chơi những bản nhạc đương thời biểu diễn phục vụ nhân dân vào những ngày lễ tết, hiếu hỉ… Tiếng kèn đồng dần trở nên quen thuộc, như một thanh âm của cuộc sống không thể thiếu được của người dân làng Phạm Pháo. Cũng chính vì thế mà người dân nơi đây đã tự mày mò học hỏi vừa chơi được kèn lại vừa biết sửa chữa và chế tác ra những chiếc kèn “Tây” Made in Việt Nam. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là, nhìn những cây kèn đồng bóng loáng kia, chẳng ai nghĩ nó lại được làm bằng tay, thủ công hoàn toàn. Theo như ông Đông – một người thợ giỏi của làng nghề – thì để làm ra được một cây kèn phải mất từ hai đến ba tháng. Có rất nhiều công đoạn từ cán, cắt, kéo, uốn những ống đồng đến chế tác các chi tiết của từng loại kèn, đòi hỏi người thợ phải hết sức cần cù, tỉ mỉ. Mặc dù có nhiều loại kèn hình dáng khác nhau nhưng chúng đều giống nhau ở bộ hơi gồm ba quả pháo, mỗi quả có 6 lỗ tạo ra các nốt nhạc. Đây là một trong những công đoạn khó nhất, người thợ ngoài việc có đôi bàn tay khéo léo, tính cần mẫn kiên trì còn phải có một đôi tai thẩm âm thật giỏi, phải có kiến thức chuyên về âm nhạc.
Cũng theo lời ông Đông, để có được các đơn đặt hàng tất cả các hộ sản xuất kèn trong làng nhà nào cũng phải có ít nhất một người biết về âm nhạc, và đặc biệt người đó phải có một đôi tai “đọc” được nhạc. Phải học âm nhạc, đó là điều cốt yếu để yêu và sống với nghề. Bản thân gia đình ông cũng có một người con trai đang theo học khoa kèn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia.
Loanh quanh trò chuyện ngoài lề cùng người thợ làm kèn được dăm điều, câu chuyện lại quay về đề tài kèn. Điều mà tôi nhận thấy từ trong ánh mắt của ông Đông, từ trong cách trò chuyện, ông luôn như khẳng định một điều: Với riêng ông, cuộc sống chỉ có tiếng kèn. Ông đặc biệt tự hào nói rằng chỉ có ở làng của ông mới có một đội kèn hoành tráng nhất Việt Nam, đội kèn lên đến cả nghìn người. Ông cũng mời tôi nếu có dịp hãy quay lại, nhất là vào các ngày Thánh lễ, để xem, nghe và kiểm nghiệm lời ông nói.
Chia tay ông Đông, một người thợ giỏi và hết mực say nghề, tôi chúc ông luôn vui khỏe, sống được bằng nghề. Mong rằng, những người như ông Đông luôn giữ và truyền lửa nghề cho các thế hệ con cháu sau này. Chúc cho bà con làng kèn Phạm Pháo mãi là làng nghề truyền thống giàu đẹp.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/lang-lam-ken-tay-duy-nhat-o-viet-nam-201707201647317336.htm” button=”Theo vinacomin”]