Ai cũng biết, cơ giới hóa không những nâng cao năng suất, đẩy nhanh tiến độ đào lò mà còn giảm cường độ lao động cho công nhân, đảm bảo an toàn và nhiều lợi ích khác. Thế nhưng, những năm qua, việc cơ giới hóa trong đào lò tại các đơn vị trong Tập đoàn phát triển rất chậm. Nếu trong khai thác, chúng ta đã cơ bản thủy lực hóa lò chợ, nhiều đơn vị áp dụng các dàn chống hiện đại, thì trong đào lò, suốt mấy chục năm nay, thiết bị đào lò không có gì mới.
Thiết bị đào lò bao gồm: các loại khoan, máy xúc, dây chuyền phun ép vữa và dây chuyền đổ bê tông vỏ chống; nếu sử dụng máy đào lò thì không cần thiết bị khoan, bốc xúc. Thiết bị đào hiện đại nhất, đã áp dụng ở ta là máy combain, nhưng cũng chỉ đào được trong than và hiệu quả không cao. Cách đây gần 30 năm, ở Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương cũng đã đưa máy đào lò combain của Liên Xô vào đường lò dọc vỉa H10. Chiếc máy này gắn với tên tuổi của Anh hùng Lao động Hà Văn Hồng, nhưng sau đó thất bại. Hơn 20 năm sau, chúng ta lại đưa hàng loạt máy combain, trong đó có 17 chiếc, lắp ráp tại Công ty CP Chế tạo máy (VMC), hiện hầu hết đang “đắp chiếu!”.
Thiết bị khoan trong lò hiện đại nhất hiện nay là xe khoan tự hành và cũng mới áp dụng tại một số đơn vị. Cách đây hơn 30 năm, khi đào hệ thống sân ga và lò xuyên vỉa dự án giếng đứng Mông Dương, ta đã sử dụng máy khoan 3 choòng, hiệu quả rất cao.
Thiết bị bốc xúc ngày xưa thế nào, nay vẫn thế, chỉ khác nhãn hiệu, nơi sản xuất. Hiện đại nhất chỉ là máy xúc lật hông, máy cào vơ v.v.
Tuy nhiên, những thiết bị được gọi là hiện đại nêu trên, hiện áp dụng chưa rộng rãi. Loại xe khoan tự hành mới chỉ áp dụng tại Vàng Danh, Uông Bí, Nam Mẫu, Mông Dương, Hà Lầm, Hầm lò 1, Hầm lò 2… nhưng một số đơn vị sử dụng không hiệu quả. Công tác bốc xúc – công đoạn chiếm nhiều thời gian và công sức nhất trong một chu kỳ đào lò nhưng hiện nay tỷ lệ bốc xúc thủ công còn chiếm tới 48 % đối với các gương lò than và 25 % đối với các gương lò đá.
Thời buổi này mà vẫn dùng máy khoan khí ép “cổ lỗ sỹ” và dùng xẻng để xúc đất đá, xúc than thì làm sao mà đẩy nhanh tiến độ được! Tại sao lâu nay cơ giới hóa trong đào lò lại chậm đổi mới như vậy? Đại diện các chủ đầu tư, các đơn vị thi công v.v. mà chúng tôi được tiếp xúc đều lý giải rằng:
Đối với máy đào lò đá, các đơn vị đều muốn đầu tư nhưng lo ngại về vốn. Hiện, một máy combai đào lò đá kèm theo phụ kiện, trị giá khoảng 200 tỷ đồng, tương đương hơn 2 triệu USD. Nhưng lý do quan trọng hơn, đó là điều kiện địa chất của một số mỏ ở vùng than Quảng Ninh không ổn định. Qua thực tế đào một số đường lò đá trong các dự án hầm lò xuống sâu, cho thấy, có những nơi đất đá quá rắn, độ cứng tới 8 thậm chí cao hơn thế (hệ số độ cứng đất đá được phân loại từ 1-20, ký hiệu là f); có nơi thì gặp phay (hiện tượng đứt gãy của vỉa), đất đá mềm yếu, ngậm nước. Trong điều kiện đất đá quá cứng, lưỡi cắt của máy khó mà cắt được đá. Giả dụ, nếu cắt được đá thì lưỡi cắt cũng bị mài mòn nhanh. Các chuyên gia cho biết, để đào một mét lò đá, tiết diện trung bình, tốn khoảng 3 – 5 lưỡi cắt. Trị giá mỗi lưỡi cắt khoảng 800 tệ (thiết bị của Trung Quốc). Trường hợp lò gặp nước, áp lực lớn, chủ yếu đào thủ công hoặc khoan nổ mìn. Khi đó phải di chuyển máy ra khỏi vị trí sản xuất, mất nhiều thời gian và công sức v.v.
Đối với thiết bị khoan, qua thực tế áp dụng thiết bị khoan hiện đại tại một số đơn vị, thấy rằng, do tiết diện các gương lò nhỏ, do lò quay, do đất đá mềm yếu, không đồng nhất, do trình độ sử dụng thiết bị của công nhân còn hạn chế v.v. nên hiệu quả sử dụng của thiết bị chưa cao và phạm vi áp dụng của thiết bị còn hạn chế.
Đối với thiết bị xúc, hầu hết đều phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, ngoài lý do khách quan, do các đường lò không thể đưa máy xúc vào được, còn có nguyên nhân chủ quan là một số đơn vị chưa quan tâm đầu tư thiết bị. Mặc dù có đủ điều kiện để đưa máy xúc vào nhưng hiện nay, Than Hạ Long còn 70% gương lò chưa đầu tư máy xúc, Than Hòn Gai còn 79% , Than Uông Bí còn 48%.
Từ những lý giải trên, chúng ta có thể thấy rằng, cơ giới hóa công tác đào lò hiện đang là bài toán khó. Lựa chọn thiết bị nào cho phù hợp, quản lý sử dụng nó ra sao để phát huy hiệu quả không dễ. Tại Hội nghị về công tác đầu tư mỏ hầm lò, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lê Minh Chuẩn chỉ đạo, trong thời gian tới, các đơn vị cần tăng cường đầu tư thiết bị phục vụ công tác đào lò và Tập đoàn giao quyền cho các đơn vị chủ động đầu tư nhưng yêu cầu phải đầu tư chọn lọc, lựa chọn thiết bị phù hợp với điều kiện thực tế ở đơn vị mình; đồng thời đặc biệt chú trọng đào tạo thợ vận hành, quản lý thiết bị để nâng cao hiệu quả đầu tư.
Cụ thể, Tập đoàn yêu cầu các chủ đầu tư trước khi triển khai dự án hoặc kế hoạch đào lò cần chủ động nghiên cứu, tính toán và lựa chọn đầu tư sớm dây chuyền thiết bị phục vụ công tác thi công sao cho đảm bảo quy mô dự án và điều kiện thi công cho từng thiết bị. Đặc biệt, cần nghiên cứu dây chuyền phun ép vữa và dây chuyền đổ bê tông trong hầm lò. Việc này, trước mắt Tập đoàn giao Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 và Hầm lò 2 tổ chức thực hiện.
Đối với việc đầu tư máy đào lò, Tập đoàn giao cho Công ty than Hà Lầm và Công ty than Khe Chàm khẩn trương phối hợp với đơn vị tư vấn, các đối tác cùng nghiên cứu, khảo sát thực tế để sớm đưa được dây chuyền máy combain đào lò đá phục vụ công tác đào lò. Tập đoàn cũng giao cho Ban Cơ điện nghiên cứu, cải tạo 17 máy đào lò combain trong than (đã đầu tư) để loại máy này có thể cắt than, đá có độ cứng lớn hơn, có thể F =4.
Đối với các đơn vị có dự án khai thác than khai thông mở vỉa bằng giếng đứng và hai công ty đào lò (Hầm lò 1 và Hầm lò 2), cần chủ động hợp tác với các đối tác nước ngoài để lựa chọn công nghệ đào lò và đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân vận hành thiết bị và thi công đào lò.
(Kỳ sau: Các “nhà” cần chụm lại)
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/lam-gi-de-day-nhanh-tien-do-xay-dung-mo-ham-lo-ky-2-co-gioi-hoa-toan-kho-1372.htm” button=”Theo vinacomin”]