Khai thác bauxite, chế biến alumin và các vấn đề liên quan trước nay luôn được xem là vấn đề “nóng”, thu hút được sự quan tâm của đông đảo mọi người. Hiện nay, có luồng dư luận cho rằng, việc vận chuyển alumin đang gây quá tải, làm hư hỏng nặng quốc lộ 20. Vậy thực hư của vấn đề này ra sao? Phóng viên Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Vĩnh Như – Giám đốc Công ty CP than miền Nam (đơn vị đảm nhận việc vận chuyển alumin ra cảng Gò Dầu để tiêu thụ) xung quan
Với vai trò là đơn vị đảm nhiệm vấn đề vận chuyển nguyên, nhiên liệu bauxite-nhôm từ Nhà máy Alumin Tân Rai ở tỉnh Lâm Đồng đến cảng Gò Dầu cũng như cung cấp than cho Dự án. Ông có thể chia sẻ với độc giả đôi nét về công việc đó?
Như các bạn đã biết, Công ty CP Than miền Nam được Tập đoàn giao nhiệm vụ làm đầu mối tổ chức khâu vận chuyển, giao nhận, quản lý cung cấp than cho sản xuất của Dự án và alumin đi tiêu thụ. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ để hoàn thành công việc Tập đoàn giao.
Là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong vận chuyển, kinh doanh than, chúng tôi khẳng định rằng, Công ty hoàn toàn đủ năng lực đáp ứng tốt nhất việc cung cấp than cho Dự án. Tuy nhiên, do đây là Dự án có nhiều phản biện xã hội; tương đối nhạy cảm; có nhiều áp lực dồn lên khâu vận chuyển do cung đường vận chuyển xa, qua nhiều tỉnh, trạm quản lý đường bộ khác nhau; trên đường phải phối hợp và kiểm soát của các bên liên quan, cho nên có nhiều phức tạp. Để đảm bảo tiến độ vận chuyển như hiện nay, phải có sự chuẩn bị về phương tiện chuẩn và hệ thống điều hành, kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là quán triệt tinh thần là: Thứ nhất, trên hết tất cả vì nhiệm vụ của Tập đoàn giao phải hoàn thành tốt nhất; thứ nhì là hiệu quả của Công ty.
Ngay từ khi vận chuyển alumin đi tiêu thụ tại cảng Gò Dầu, chúng tôi gặp không ít khó khăn do đây là sản phẩm mới của Tập đoàn cho nên việc chuẩn hóa khâu vận chuyển, bốc xếp, lưu kho, bảo quản và quản lý sản phẩm làm sao cho đạt yêu cầu để xuất khẩu cho khách hàng là vấn đề hết sức quan trọng. Qua thời gian hơn một năm triển khai thực hiện, đến nay đã vận chuyển trên 300.000 tấn alumina xuất khẩu an toàn, không xảy ra mất mát, hư hỏng. Có thể nói rằng, Công ty đã hoàn toàn nắm vững và chủ động các phương án đáp ứng các yêu cầu vận chuyển của Dự án tốt nhất.
Dư luận cho rằng, việc vận chuyển này đã ảnh hưởng lớn đến quốc lộ 20. Theo ông vấn đề này có đúng không? Công ty đã có những giải pháp nào để giảm thiểu cho những hư tổn của quốc lộ này?
Phải khẳng định là không ảnh hưởng, bởi hiện Công ty đang sử dụng khoảng từ 80-100 đầu xe kéo để vận chuyển alumina và than, cho nên về mật độ xe thì chiểm tỷ lệ rất nhỏ so với lưu lượng xe trên QL 20 khoảng 15.000 lượt/ngày đêm. Các phương tiện này chủ yếu là loại 5-6 trục phân bổ chịu tải theo trục quy định tại thông tư 03 của Bộ GTVT, hoàn toàn phù hợp về tải trọng xe và đường.
Tuy nhiên, hệ thống cầu trên tuyến vận chuyển không đồng bộ với đường, trong đó cầu La Ngà có trọng tải theo biển báo chỉ cho phép tải trọng qua cầu 23 tấn, được dư luận rất quan tâm (đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến vận chuyển chỉ nói do vận chuyển bauxite). Vấn đề chúng tôi băn khoăn suy nghĩ nhiều đêm là: Làm sao có thể vận chuyển khi mà cầu chỉ cho phép 23 tấn với một cung đường xa như vậy mà trong đó tự tải trọng của xe đã là 15 tấn. Xác định nhiệm vụ Công ty bằng mọi cách phải vận chuyển thông suốt mà vẫn tiết kiệm chi phí cho hiệu quả của Dự án, chúng tôi đã đặt ra phương án Đầu tư lập hai trạm chuyển tải tại hai đầu cầu La Ngà và được Lãnh đạo và các Ban Tập đoàn ủng hộ với quyết tâm thực hiện việc vận chuyển liên tục, không chậm trễ, không gián đoạn. Đây là quyết định rất kịp thời trong giai đoạn khó khăn và nhạy cảm hiện nay, được các cơ quan chức năng địa phương và dư luận đánh giá cao.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã không thể vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ với chi phí cước vận chuyển tăng gấp 2 lần.
Còn vấn đề đảm bảo an toàn cho những chuyến hàng vận chuyển alumin được đơn vị thực hiện ra sao, thưa ông?
Có thể nói rằng, công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ và khoa học những chuyến vận chuyển than và alumin là tốt nhất, trong đó Công ty đã thực hiện kiểm soát xe trên đường vận chuyển bằng hệ thống định vị GPS cho từng đầu xe.
Hệ thống kiểm soát bằng phần mềm trên hệ thống máy tính tại hai đầu giao nhận Gò Dầu và Nhà máy được thực hiện trực tuyến một cách đồng bộ, chặt chẽ. Tại các phòng ban chức năng Công ty có thể theo dõi trực tuyến ở bất kỳ đâu, giảm bớt nhân lực quản lý. Đây cũng là chủ trương từng bước thực hiện tin học hóa trong quản lý điều hành theo chỉ đạo của Tổng giám đốc Tập đoàn. Xe chở than và alumina phục vụ cho Dự án không có cách nào vượt khỏi tầm kiểm soát của Công ty.
Ngoài ra, để đảm bảo kiểm soát chất lượng, số lượng, xe chở than và alumin được phủ bạt và kẹp chì có dãy mã số bảo mật riêng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hàng hóa trên đường vận chuyển.
Tái cơ cấu là bước chuyển mình mạnh mẽ của doanh nghiệp
Theo Quyết định 314 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về đề án tái cơ cấu TKV, Tập đoàn giảm tỉ lệ sở hữu vốn tại Công ty từ mức sở hữu chi phối xuống dưới 36%. Vậy ông có thể chia sẻ đôi nét về vấn đề này?
Về tái cơ cấu, đây là chỉ đạo của Tập đoàn trong việc thực hiện đề án Tái cơ cấu của Chính phủ. Thực tế trước đây, chúng tôi cũng như bao doanh nghiệp nhà nước khác đều có tư tưởng chờ đợi, phụ thuộc và bám vào công ty mẹ để hoạt động và phát triển. Tuy nhiên, điều này đã gây nên một thực trạng đó là ỷ lại, bị động trước những biến động nhanh của thị trường, điều này còn nghiêm trọng hơn là tại Công ty có một hệ thống thiếu sắc bén, chậm chạp, thiếu năng động không đáp ứng được các yêu cầu phát triển mới.
Tái cơ cấu Công ty rơi trúng vào thời điểm mà thị trường yêu cầu về cạnh tranh ngày càng gay gắt, chúng tôi đón nhận việc tái cơ cấu như là một thách thức mới và cũng là cơ hội, là biện pháp cấp thiết và kịp thời cho giai đoạn phát triển mới phù hợp với đòi hỏi và nhu cầu phát triển của ngành Than và cả nền kinh tế.
Để thực hiện tái cơ cấu, Lãnh đạo Công ty phải quyết tâm và có giải pháp; từ đó thống nhất phương án trình Tập đoàn, quán triệt quan điểm là tái cơ cấu phải xuất phát từ nhu cầu phát triển của Công ty phù hợp với xu thế và cạnh tranh thị trường, chứ không phải là việc thực hiện cho xong. Tôi cho rằng, đây là mấu chốt của vấn đề tái cơ cấu. Từ đó mới có động lực để thúc đẩy và tạo điều kiện triển khai nhanh quá trình tái cơ cấu mà không gây cản trở hoặc kéo dài.
Công ty CP than miền Nam đã hoàn thành đấu giá, chào bán CP của Tập đoàn từ 77,18% xuống còn 34%, thu về 25,5 tỷ đồng.
Vậy Công ty đã bố trí nhân lực, vật lực cũng như các phương án nào để tái cơ cấu? Việc này có ảnh hưởng gì đến đơn vị cũng như tâm lý người lao động?
Đúng là có sự e ngại trong tâm lý của người lao động, bởi đã rất lâu rồi chúng ta quen với cơ chế của DN Nhà nước. Lãnh đạo Công ty đã tổ chức các cuộc họp với người lao động để phổ biến xu hướng phát triển có những cơ hội mới cho người lao động, cam kết đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ được thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Để thực hiện được, Lãnh đạo Công ty đã phân công nhiệm vụ và trách nhiệm trong công tác tái cơ cấu không gây hoang mang, nghi ngại cho CBCNV.
Xin chân thành cảm ơn ông!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/lam-dung-lam-trung-lam-hieu-qua-8429.htm” button=”Theo vinacomin”]