Từ khi đưa vào vận hành tổ hợp khai thác, tuyển quặng và chế biến alumin, công nhân, cán bộ Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng – TKV đã từng bước làm chủ công nghệ trong dây chuyền vận hành của tổ hợp. Không những thế, các kỹ sư của Công ty còn có nhiều đề tài sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phù hợp, làm lợi hàng tỷ đồng.
Toàn cảnh Nhà máy Alumin Tân Rai, Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng (Ảnh Tư liệu Công ty)
Cầm trên tay tập tài liệu dày với hàng chục đề tài sáng kiến đề nghị Tập đoàn công nhận, ông Vũ Minh Thành, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng – TKV cho biết, cả tổ hợp nhà máy alumin có thể nói là một cỗ máy khổng lồ, lại là công nghệ mới tiếp nhận vận hành lần đầu tiên, công tác vận hành gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần ham học hỏi, ý chí dám nghĩ dám làm, cho đến nay công nhân, cán bộ của Công ty đã hoàn toàn làm chủ công nghệ. Trong quá trình vận hành, các kỹ sư của Công ty đã luôn sáng tạo trong xử lý kỹ thuật. Có thể kể ra 3 đề tài sáng kiến tiêu biểu như: Sáng kiến cải tiến hệ thống hoạt động của các máy lọc đĩa khu Kết tinh từ mô hình 2 bồn kết tinh sang 3 bồn kết tinh làm lợi mỗi năm gần 360 triệu đồng. Trong dây chuyền sản xuất alumin, công đoạn kết tinh mầm, để đảm bảo khi cách ly từng bồn kết tinh số 4 hoặc số 5 ra làm vệ sinh, vật liệu hydrat đóng bám dưới đáy bồn định kỳ. Các kỹ sư của Công ty đã thiết kế thêm các hệ thống dẫn mầm thô từ các máy lọc đĩa sang bồn kết tinh tiếp theo để đảm bảo cung cấp đủ lượng mầm thô cần thiết cho sản xuất khu Kết tinh, nước cái cho khu Cô đặc đảm bảo không phải giảm tải sản xuất nhà máy alumin trong thời gian dừng bồn kết tinh số 4, 5 để làm vệ sinh.
Thứ hai là sáng kiến cải tiến hệ thống bơm tuần hoàn đơn lẻ dòng đáy từng bồn lắng, rửa khi dừng sản xuất nhà máy alumin làm lợi tới gần 400 triệu đồng mỗi năm. Để thực hiện phương án bơm tuần hoàn dòng đáy các bồn lắng rửa, các kỹ sư đã tận dụng bơm dòng đáy và hệ thống đường ống bơm dòng đáy có sẵn của các bồn để lắp đặt thêm đường ống cấp dòng đáy của từng bồn vào đỉnh của chính bồn đó. Với giải pháp bơm tuần hoàn lượng bùn trong bồn của từng bồn, lượng vật chất trong các bồn của công đoạn Lắng rửa được bảo toàn, không phải bơm bùn đỏ ra Hồ bùn đỏ gây mất mát kiềm và nhôm ôxit, các chỉ tiêu công nghệ khác không thay đổi, không xảy ra hiện tượng lắng đóng bám ở đáy bồn và đường ống, không phải cấp nước rửa điền đầy các bồn rửa trước khi vận hành lại lưu trình sản xuất
Đặc biệt là sáng kiến xây dựng hệ thống thải bùn ở Nhà máy tuyển bằng phương pháp hoàn thổ trên bề mặt địa hình đã khai thác quặng có giá trị làm lợi trong năm áp dụng đầu tiên là trên 330 triệu đồng. Do điều kiện thời tiết trong vùng thường xảy ra mưa kéo dài và việc huy động đất để đắp đập còn nhiều hạn chế, nên việc đắp đập để tạo ra các hồ chứa thải bị chậm trễ, làm ảnh hưởng đến kế hoạch xả thải. Trước bất cập này, để duy trì việc xả thải liên tục, đồng hành với việc sản xuất quặng ở nhà máy tuyển, nhóm tác giả đã đề xuất thực hiện biện pháp xử lý bùn bằng phương pháp hoàn thổ kết hợp với chôn lấp để xử lý khoảng 50% lượng bùn thải đi hoàn thổ ở nơi đã khai thác, còn lại mới chôn lấp ở các hồ chứa thải. Sáng kiến này có thể được mở rộng áp dụng, tạo ra một hướng mới, một lựa chọn mới trong công nghệ tuyển quặng của quá trình sản xuất khai thác bauxite v.v.
Các sáng kiến này đều đã được thực hiện, đưa vào áp dụng trong năm 2016 và cho hiệu quả rõ rệt. Công ty đã trích thưởng 10% các giá trị làm lợi của mỗi sáng kiến cho các tác giả và nhóm tác giả tham gia đề tài sáng kiến. Đồng thời, do đây là các công nghệ lần đầu được áp dụng tại Việt Nam trong quá trình khai thác và tuyển quặng bauxite, alumin, Công ty cũng gửi hồ sơ đề nghị tham gia Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam – VIFOTEC năm 2017.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/lam-chu-cong-nghe-201705291428457039.htm” button=”Theo vinacomin”]