Suy thoái kinh tế đã tác động đến nhiều ngành nghề, trong đó ngành Than – Khoáng sản bị tồn đọng lượng than và sản phẩm kim loại màu lớn, ảnh hưởng xấu đến đời sống của hàng vạn người thợ mỏ. Hãy nghe thợ mỏ nói về tác động này.
Cũng giống như hai cuộc khủng hoảng kinh tế lần trước, bây giờ than tồn đọng không bán được đã đến vạch đỏ. Đời sống của thợ mỏ đã bị tác động sâu sắc, cần sự điều hành linh hoạt của lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị. Khủng hoảng kinh tế, hay những biến động trong nền kinh tế cũng là lẽ thường do có sự vận động phát triển. Nếu một doanh nghiệp bình thường có thể sẽ phải chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu lại sản xuất… để bước sang một lĩnh vực hoặc một giai đoạn sản xuất khác. Nhưng đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh than, tính chất xã hội lại rất lớn. Đó là việc làm, thu nhập, đời sống của hàng vạn người, thậm chí hàng triệu người bị tác động xấu. Tuy nhiên, khác với hai lần trước, lần này thợ mỏ dường như cũng đã có sự “miễn dịch”. Tức là ở một tư thế mới, do tiềm lực về kinh tế nói chung của toàn xã hội và của giai cấp công nhân mỏ nói riêng đã mạnh hơn trước rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp vẫn đủ lực để trả lương công nhân làm việc trong nhiều tháng nữa. Nhiều công nhân tỏ ra bình tĩnh hơn. Họ sẵn sàng chấp nhận điều động bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì nếu có thu nhập. Chẳng hạn như việc công nhân của Công ty than Hà Tu tình nguyện đi vài năm, thậm chí lâu dài, vào tận Tây Nguyên khai thác bau xít… Số công nhân tình nguyện đi Tân Rai nay đã trở về. Do vậy, tôi tin thợ mỏ sẽ vững vàng chờ đợi cuộc khủng hoảng chạm đáy và đi lên.
Đối với thợ lò chúng tôi thì đơn giá ngày công và việc làm vẫn đủ bình thường. Nhất là đối với đơn vị chuyên đào lò như chúng tôi, hiện nay nghe đâu còn nhiều việc phải làm lắm, có đủ sức đào hay không thôi. Thu nhập của anh em thợ lò chúng tôi vẫn đảm bảo, bình quân mỗi tháng cũng đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, nếu tăng đơn giá nữa thì sẽ tốt hơn. Chỉ có những công nhân làm việc phụ trợ bị giảm lương cũng gây khó khăn về kinh tế cho nhiều gia đình. Vợ tôi làm việc tại Công ty than Mông Dương, gần đây cũng bị giảm thu nhập so với năm ngoái. Cho nên bây giờ cũng phải tiết kiệm tối đa. Vì ngoài việc thực phẩm, xăng dầu đi lại tăng giá từng ngày, lại các cháu đã lớn, đi học đóng góp nhiều lắm. Nhìn chung, để đảm bảo đời sống, tiền trượt giá mỗi năm 15 đến 20% thì lương cũng phải tăng bằng mức đó thì mức sống mới ổn, chưa có phát triển! Đằng này lại bị giảm lương. Do vậy khó khăn là đương nhiên rồi.
Chúng tôi là những người công nhân thuần túy. Từ trước tới giờ nghe nói chuyện khủng hoảng kinh tế, thật cứ như chuyện trên trời, chẳng hiểu gì cả. Tuy nhiên gần đây, do đời sống ngày càng thấy hạn hẹp, lương bị tụt giảm một phần, giá cả biến động tăng từng ngày, mỗi lần đi chợ cứ như mình đánh mất một cái gì đó. Tại nhiều cuộc họp nghe lãnh đạo của phân xưởng, của Công ty nói mới hiểu và thấy thực sự bị tác động bởi khủng hoảng. Hai vợ chồng chúng tôi đều làm công nhân, quanh năm vất vả nhưng bao nhiêu năm chẳng mua nổi một cái nhà đàng hoàng để ở, cứ ở tập thể mãi, bây giờ con cái lớn rồi vẫn vậy. Nghĩ cứ như vậy cũng ổn thỏa vì đã xác định đời sống công nhân, đi làm, đủ trang trải cho các cháu học hành là được. Không ngờ nếu điều kiện như thế này cứ kéo dài, sẽ thực sự khó khăn cho chúng tôi. Là công nhân chúng tôi cũng chẳng biết kêu ai. Chỉ mong các cấp lãnh đạo quan tâm tháo gỡ sao cho chúng tôi có đủ việc làm và thu nhập đảm bảo đời sống như những năm vừa qua là tốt rồi…
Khủng hoảng à? Được cái bán hàng nhàn hơn trước anh à (cười). Đấy, anh thấy đấy, chợ nhiều người bán hơn là người mua. Em bán hàng ở chợ Mông Dương này đã hai thập kỷ rồi. Trước đây em còn bán hàng thực phẩm, giờ mới chuyển sang bán hàng quần áo. Em cũng đã có thời bán hàng tại chợ Cầu Ngầm (thuộc Phường Mông Dương, gần mỏ Khe Chàm – TG). Cái vùng Mông Dương, Khe Chàm này toàn là công nhân mỏ. Chồng em cũng làm việc tại mỏ Mông Dương, thu nhập cũng bị giảm một ít so với trước. Bây giờ còn đỡ. Trước đây, thời cả nước còn khó khăn, công nhân toàn nợ thôi. Vậy nên có nhiều khi tài vụ chuẩn bị phát tiền, công nhân chưa biết thì những người bán hàng ở chợ đã biết rồi. Gần đây, em thấy sức mua giảm hẳn. Công nhân mua hàng quần áo, giày dép hay các đồ dùng khác đắn đo hơn. Đối với thực phẩm ăn uống cũng vậy, các chị ấy bán ế lắm. Dường như tất cả chợ, cả những người xe ôm ngoài kia đều phụ thuộc vào mức thu nhập và đời sống của công nhân mỏ…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khung-hoang-kinh-te-tac-dong-den-doi-song-tho-mo-nhu-the-nao-2657.htm” button=”Theo vinacomin”]