Đây là cụm từ được Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải đặt ra với các nhà kỹ thuật, quản lý các đơn vị trong chỉ đạo điều hành về ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật để khai thác triệt để các vỉa than có độ dốc cao và chiều dày vỉa mỏng, khó khai thác.
Nỗ lực từ các đơn vị
Trong điều kiện trữ lượng tài nguyên đã và đang ngày càng thu hẹp, khai thác ngày càng xuống sâu, vấn đề huy động tài nguyên tại các khu vực vỉa mỏng, vỉa dốc càng trở nên cần thiết. Nhất là trong điều kiện hiện nay, nhu cầu tiêu thụ than đang ngày càng tăng cao, đòi hỏi Tập đoàn phải không ngừng gia tăng sản lượng khai thác trong những năm tới. Trong khi đó, công tác chuẩn bị huy động tài nguyên, tức là xây dựng các mỏ mới hay cải tạo mở rộng nâng công suất các mỏ cũ mất khá nhiều thời gian và tiền vốn. Do vậy, lãnh đạo Tập đoàn đã lãnh, chỉ đạo các ban, các đơn vị phối hợp tốt với các đơn vị tư vấn, thiết kế tích cực nghiên cứu nhằm khai thác triệt để các vỉa than có điều kiện địa chất phức tạp, mỏng, dốc… tại vùng than Quảng Ninh, nhằm đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng, mang lại hiệu quả kinh tế và giảm tổn thất tài nguyên.
Tuy nhiên, đây là bài toán không hề dễ. Theo các kỹ sư thuộc Viện KHCN Mỏ, đối với các vỉa mỏng, dốc có điều kiện địa chất phức tạp (góc dốc vỉa lớn, vỉa mỏng, địa chất biến động, đá vách khó sập đổ…), nhiều mỏ chưa huy động phần tài nguyên này vào khai thác hoặc có huy động nhưng hiệu quả khai thác thấp, chủ yếu khai thác bằng phương pháp đào lò lấy than có chi phí giá thành khai thác lớn, tỷ lệ tổn thất than cao. Điều này dẫn đến hiệu quả khai thác không cao (so với các vỉa dày) và đặc biệt là khó lựa chọn được công nghệ khai thác phù hợp.
Khai thác vỉa than có độ dốc trên 45 độ tại Công ty than Uông Bí – TKV
Khắc phục khó khăn này, Viện KHCN Mỏ đã phối hợp với các đơn vị, trong đó lần đầu tiên áp dụng tại Công ty than Uông Bí, đưa vào áp dụng các công nghệ giàn chống 2ANSH khá thành công trong việc khai thác các vỉa mỏng, dốc. Công nghệ khấu than bằng tổ hợp giàn chống 2ANSH đối với với vỉa mỏng, độ dốc lên tới trên 60 độ. Sản lượng lò chợ sử dụng tổ hợp giàn tự hành 2ANSH đã duy trì ổn định từ 65 – 96 nghìn tấn/năm, cao gấp 2 – 3 lần; năng suất lao động cao gấp 1,6 – 1,8 lần so với công nghệ khai thác dọc vỉa phân tầng trong cùng điều kiện. Đặc biệt, tổn thất than thấp hơn 2 – 3 lần và chi phí mét lò chuẩn bị thấp hơn 7 lần.
Không dừng lại ở đó, cũng tại Công ty than Uông Bí, Viện KHCN Mỏ đã tiếp tục đưa công nghệ sử dụng giàn mềm ZRY giúp cơ giới hóa được công đoạn chống giữ gương khai thác, thay thế kết cấu chống thủ công, dùng vì chống gỗ, thủy lực đơn trong khai thác các điều kiện vỉa phức tạp. Công nghệ ZRY cũng áp dụng cho các điều kiện vỉa dốc trên 45 độ, đồng thời giúp tăng năng suất lao động, giảm thao tác nặng nhọc của công nhân, đặc biệt là mức độ an toàn cao… Đến nay, hầu hết các đơn vị đã tiếp cận và áp dụng công nghệ này để khai thác các vỉa dốc như Công ty than Hòn Gai, Công ty Cổ phần than Núi Béo, Công ty than Hạ Long…
Ngoài ra, trên cơ sở kết hợp kinh nghiệm từ việc áp dụng sơ đồ công nghệ khai thác cột dài theo phương lò chợ chia bậc chân khay, điều khiển đá vách bằng chèn lò toàn phần đã áp dụng tại Công ty than Mạo Khê và sơ đồ công nghệ khai thác cột dài theo phương, điều khiển đá vách bằng dải than lưu đã áp dụng tại Trung Quốc, đồng thời với đặc điểm điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ hiện tại, Viện KHCN Mỏ đã đề xuất sơ đồ công nghệ khai thác cột dài theo phương, khấu than bằng khoan nổ mìn, điều khiển đá vách bằng dải than lưu áp dụng cho điều kiện vỉa có chiều dày dưới 2,5m; góc dốc trên 40 độ, đá vách thuộc loại bền vững trung bình trở lên tại Công ty than Mạo Khê. Điểm đặc biệt trong sơ đồ công nghệ này là phương pháp điều khiển đá vách bằng việc sử dụng các dải than lưu nhằm giảm áp lực mỏ tác động lên gương khai thác và tạo góc dốc giả để làm giảm độ dốc chung của lò chợ. Ưu điểm của công nghệ là cho phép khai thác trong điều kiện vỉa mỏng và độ dốc lớn, ngoài ra công nghệ này ít phụ thuộc vào độ biến động góc dốc vỉa, thích ứng tốt với điều kiện trữ lượng tập trung không cao và có thể áp dụng ngay vào thực tế sản xuất nhờ sử dụng các thiết bị vật tư sẵn có, không cần phải đầu tư mới… Trước đó, nhiều đơn vị cũng đã áp dụng sơ đồ hệ thống khai thác lò chợ xiên chéo, lò chợ chân khay… để giảm độ dốc lò chợ, giúp đảm bảo an toàn, tăng năng suất lao động…
Mở rộng hợp tác quốc tế về công nghệ
Theo đánh giá đặc điểm điều kiện địa chất – kỹ thuật mỏ khoáng sàng than vùng Quảng Ninh, tổng trữ lượng các vỉa mỏng và trung bình (đến 2,2 m), vỉa dốc, có điều kiện địa chất phức tạp, không thể áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác, tính đến mức có thể thăm dò và lập các dự án khai thác là khoảng 23 triệu tấn.
Đây là trữ lượng khai thác khó khăn. Tập đoàn chủ trương tiếp tục đẩy mạnh khai thác theo quan điểm “Không sợ mỏng, không sợ dốc…”. Trước mắt, các đơn vị cần áp dụng mọi giải pháp kỹ thuật, công nghệ hiện có. Đồng thời, về lâu dài, Tập đoàn sẽ mở rộng hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ khai thác theo chuyên đề “Công nghệ khai thác tiết kiệm tài nguyên tại các mỏ than hầm lò Quảng Ninh”. Cụ thể, Tập đoàn sẽ mở rộng hợp tác để ứng dụng các giải pháp công nghệ mới khai thác than như: Khai thác không để trụ bảo vệ và khả năng áp dụng trong điều kiện của Việt Nam; nghiên cứu lựa chọn công nghệ khai thác các vỉa mỏng; khả năng sử dụng trụ nhân tạo thay thế trụ than bảo vệ lò chuẩn bị; nghiên cứu lựa chọn vật liệu chèn lò từ xỉ tro nhà máy nhiệt điện đốt than, đá thải và bã sàng trong các mỏ hầm lò; công nghệ khai thác trụ than bảo vệ lò dọc vỉa than có chiều dày trung bình, độ dốc thoải đến nghiêng khu vực Quảng Ninh; các giải pháp áp dụng công nghệ khai thác chèn lò bằng sức nước…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khong-so-doc-khong-so-mong-201909101531487968.htm” button=”Theo vinacomin”]